1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phút cuối đơn độc của người Ấn Độ bên trong lò hỏa táng thời Covid

Thành Đạt

(Dân trí) - Số ca tử vong tăng vọt khi làn sóng Covid-19 càn quét Ấn Độ khiến nhiều gia đình không có cơ hội gặp mặt người thân lần cuối để nói lời vĩnh biệt.

Phút cuối đơn độc của người Ấn Độ bên trong lò hỏa táng thời Covid - 1

Gia đình bệnh nhân Covid-19 tại Ấn Độ đau buồn khi chứng kiến thi thể được thiêu (Ảnh: New York Times).

Tại Ấn Độ, thi thể của các bệnh nhân Covid-19 được các tình nguyện viên mang ra khỏi nhà, các nhân viên y tế đưa lên xe cứu thương hoặc người nhà đặt sau xe kéo.

Khi đến lò hỏa táng, nơi lửa chỉ tắt vào đêm khuya, người thân của các bệnh nhân chờ hàng giờ đồng hồ để đến lượt tiễn biệt. Khói và mùi tử thi khiến người dân địa phương phải đeo khẩu trang ngay cả khi đang ở trong nhà của họ.

Những hình ảnh hỏa táng được chụp ảnh, quay phim hoặc phát trực tiếp, sau đó gửi đến những người thân đang bị cách ly trên khắp Ấn Độ. Làn sóng Covid-19 đã làm thay đổi những nghi thức tang lễ truyền thống tại quốc gia Nam Á này.

Trước đây, khi một người Ấn Độ qua đời, người thân của họ sẽ tập trung lại để chia buồn. Còn bây giờ, nỗi sợ lây nhiễm khiến ngay cả những người thân nhất cũng tránh xa nhau.

 "Tôi thậm chí không thể cho các thành viên trong gia đình thấy những khoảnh khắc cuối cùng đó", Mittain Panani, một doanh nhân 46 tuổi, cho biết.

Ông Panani và anh trai là hai người được tham dự lễ hỏa táng của cha họ ở Mumbai vào tuần trước. Mẹ ông vẫn ở trong bệnh viện vì mắc Covid-19.

"Bạn có thể có mọi thứ: tiền bạc, quyền lực, ảnh hưởng. Nhưng ngay cả khi có những điều đó, bạn vẫn không thể làm gì. Cảm giác thật đau đớn", ông Panani chia sẻ.

Theo New York Times, virus đang lây lan với tốc độ rất nhanh. Có những ngày Ấn Độ ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm mới. Không nơi nào trên đất nước 1,3 tỷ dân này không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng thủ đô New Delhi là nơi hứng chịu sự tàn phá đặc biệt nghiêm trọng, với hơn 300 người chết mỗi ngày theo số liệu của chính phủ. Số ca nhiễm và tử vong trên thực tế được cho là cao hơn nhiều so với con số công bố chính thức.

"Trước đại dịch, tôi nhận từ 6-8 thi thể mỗi ngày. Còn bây giờ, tôi nhận khoảng 100 thi thể hỏa táng mỗi ngày", Jitender Singh Shunty, người sáng lập một tổ chức tình nguyện điều hành khu hỏa táng Seemapuri ở đông New Delhi, cho biết.

Thông qua tổ chức của mình, Shunty đã cung cấp dịch vụ hỏa táng miễn phí hoặc giảm giá cho người nghèo trong 25 năm qua. Khi nhu cầu tăng cao, đội ngũ công nhân toàn thời gian của ông phải vật lộn với công việc. Họ dựng thêm hàng chục giàn thiêu mới ở cánh đồng liền kề.

Mỗi ngày, Shunty giúp chuyển các thi thể và sắp xếp hỏa táng, thay áo bảo hộ, khẩu trang và găng tay hàng chục lần. Ban đêm, ông ngủ trong xe của mình, trong khi vợ và hai con trai đang bị ốm ở nhà. 3 tài xế của ông bị nhiễm virus, còn người quản lý đang nằm trong phòng điều trị tích cực.

"Nhưng chúng tôi vẫn còn khoảng 16 người và chúng tôi đang làm việc cả ngày lẫn đêm. Bây giờ là 8:30 sáng, tôi đã nhận được 22 cuộc gọi nhờ đến nhận xác", Shunty cho biết thêm.

Không thể gặp mặt lần cuối

Theo truyền thống của đạo Hindu, hỏa táng là phương pháp phổ biến đối với người chết. Sau khi hỏa táng, gia đình được hướng dẫn để thu gom tro cốt ngay lập tức để tránh nhầm lẫn. Shunty cho biết, tro cốt không người nhận vẫn sẽ được lưu trữ 2 tháng, sau đó rải xuống sông Hằng.

Dharamvir Kharbanda, một doanh nhân đã nghỉ hưu, không mắc Covid-19. Nhưng khi ông qua đời, các nghi thức tang lễ vẫn bị hủy do đại dịch. Dimple Kharbanda, con gái ông, đã cầu xin những người thân trong gia đình, bao gồm cả em gái của cha cô ở một bang lân cận, không đến New Delhi để tránh nguy cơ lây nhiễm.

"Những khoảnh khắc riêng tư, khi bạn muốn nói lời vĩnh biệt với những người thân yêu của mình, cũng không thực hiện được", Dimple nói.

Poonam Sikri, em gái ông Dharamvir, đã theo dõi tang lễ của anh trai qua video trực tuyến.

"Khi ai đó ở Ấn Độ qua đời, chúng tôi thường tụ tập và nói về họ, cuộc đời của họ, thói quen của họ và những điều tốt đẹp về họ. Bây giờ chúng tôi thậm chí còn không thể làm được điều đó. Khi xem lễ hỏa táng của anh ấy trên điện thoại, tôi cảm thấy như một phần cơ thể của mình đang bị cắt bỏ. Tôi muốn được vuốt ve đầu, xoa mặt và ôm anh ấy lần cuối. Nhưng tôi không thể làm điều đó", bà Sikri nói về anh trai mình.

Đối với các gia đình có người thân mắc Covid-19, lò hỏa táng có lẽ là điểm dừng chân cuối cùng của một chặng đường đầy thử thách, sau khi họ phải đưa người nhà đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để tìm giường bệnh, xếp hàng nhiều giờ để chờ nguồn ôxy.

Trước khi thi thể của Darwan Singh được đưa đến khu hỏa táng Seemapuri, gia đình đã làm tất cả những gì có thể nhưng vẫn không giữ được mạng sống của ông. Vì khu hỏa táng đã được đặt trước kín chỗ, nên bệnh viện không thể bàn giao thi thể ngay lập tức. Ngày 25/4, thi thể của ông mới được đưa lên xe cứu thương cùng 5 người khác và đưa đến khu hỏa táng.

Kuldeep Rawat, cháu trai của Singh, cho biết anh phải vào trong xe cứu thương để nhận dạng chú của mình, sau đó đưa ông vào trong lò hỏa táng. Họ phải đợi tiếp 5 giờ trước khi đến lượt ông lên giàn thiêu. Chi phí gồm: 25 USD tiền vật liệu, 34 USD tiền gỗ, 14 USD tiền cúng và 5 USD tiền đồ bảo hộ cho các thành viên trong gia đình.

Mẹ, vợ, con gái, con trai của Singh đều mắc Covid-19 nên không thể đến tiễn biệt ông. Người thân cũng không kịp đến nơi hỏa táng, mà chỉ có thể chia buồn qua điện thoại.

"Tôi vẫn đang bị cách ly," ông Rawat nói, và lo sợ rằng ông đã bị nhiễm virus trong khi thực hiện các nghi lễ cuối cùng cho chú của mình.

Đối với những gia đình sống xung quanh các khu hỏa táng, họ luôn bị ám ảnh bởi cái chết.

Theo Reuters, Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, cho đến nay đã ghi nhận hơn 246.000 người chết vì Covid-19. Trong thời gian gần đây, cứ mỗi ngày trôi qua, lại có hơn 3.000 người Ấn Độ thiệt mạng, thậm chí có những ngày con số tử vong lên tới hơn 4.000 người.