1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phi đội tiêm kích Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia quân sự cảnh báo, chiến sự Nga - Ukraine có thể gây ảnh hưởng tới quân đội Trung Quốc, đặc biệt là phi đội tiêm kích, do sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào động cơ do Moscow cung cấp.

Phi đội tiêm kích Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine - 1

Máy bay chiến đấu J-20 do Trung Quốc phát triển (Ảnh: Xinhua).

Eurasian Times đưa tin, tuần trước, các chuyên gia trong một hội nghị của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (trụ sở tại Mỹ) nhận định rằng, chiến sự Nga - Ukraine có thể tác động tới phi đội tiêm kích của Trung Quốc trong tương lai gần.

Trong cuộc thảo luận giữa các chuyên gia về hợp tác quân sự Nga - Trung Quốc, giới quan sát chỉ ra rằng, Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc vào động cơ máy bay Nga vì họ chưa có năng lực để phát triển đầy đủ công nghệ liên quan tới động cơ.

Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, trong khi Nga đang tập trung vào việc lấp đầy trở lại kho vũ khí để chuẩn bị cho kịch bản chiến sự ở Ukraine sẽ kéo dài, Trung Quốc có thể buộc phải tăng tốc nỗ lực nhằm làm chủ được công nghệ động cơ - "trái tim" của các tiêm kích.

David R. Markov thuộc Viện Phân tích Quốc phòng, cho rằng: "Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các linh kiện, thiết bị của Nga và kịch bản này có thể vẫn sẽ như vậy trong tương lai gần".

Theo Eurasian Times, từ năm 1992-2009, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc tới 4.000 động cơ trực thăng và các máy bay khác. Con số này cho thấy tầm quan trọng của công nghệ Nga với quân đội Trung Quốc.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, những lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt lên Nga có thể cản trở Moscow tiếp cận các công nghệ như chất bán dẫn - vốn được ngành công nghiệp quốc phòng Nga sử dụng trong chế tạo vũ khí.

Chuyên gia Markov nói: "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua động cơ từ người Nga, mặc dù chưa rõ liệu giờ đây Nga có thể cung cấp những động cơ này trong bối cảnh họ bị trừng phạt hay không".

Ông nói rằng tình hình này có thể buộc Trung Quốc sẽ phải tăng cường sử dụng các nguồn lực quốc gia để khắc phục điểm yếu về việc thiếu tự chủ về công nghệ động cơ.

Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã nỗ lực phát triển động cơ "cây nhà, lá vườn" cho các tiêm kích của họ. Trước đó, Eurasian Times đưa tin rằng, Trung Quốc đã bắt đầu thay thế động cơ của Nga bằng động cơ WS-10 sản xuất trong nước cho tiêm kích tàng hình J-20 của họ.

Mặc dù vậy, nhiều nguồn tin cho biết, những động cơ nội địa này vẫn còn thiếu sót và không tạo ra đủ lực đẩy so với động cơ của Nga.

Theo ông Markov, khó khăn Trung Quốc đối mặt trong lĩnh vực này xuất phát từ việc họ thiếu nền tảng về kỹ thuật vũ khí. So với Nga - nước thừa hưởng nền công nghiệp quân sự Liên Xô cũ, ngành sản xuất quốc phòng của Trung Quốc còn tương đối mới.

Nhiều nhà khoa học, kỹ sư, nhà thiết kế và quản lý sản xuất Trung Quốc vẫn ở độ tuổi hai mươi và ba mươi, điều này giải thích tại sao họ thiếu chuyên môn từ các chương trình cần hàng chục năm kinh nghiệm. Để khắc phục điều này, Trung Quốc được cho đã mời các chuyên gia nước ngoài về làm việc nhằm khắc phục điểm yếu về công nghệ. 

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine