1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phi công Ukraine kể khoảnh khắc "nhử" tên lửa Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Với quy mô không quân nhỏ hơn nhiều so với của Nga, các phi công của Ukraine phải căng mình cho các cuộc chiến trên không nhằm cản đà tiến công, ngăn các đợt không kích của lực lượng Nga.

Phi công Ukraine kể khoảnh khắc nhử tên lửa Nga - 1

Máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine trong một cuộc diễn tập năm 2016 (Ảnh minh họa: AFP).

Mỗi đêm, các phi công Ukraine như Andriy đều thấp thỏm không yên bên trong nhà chứa máy bay bí mật, chờ đợi và chờ đợi cho đến khi nhận lệnh: "Cất cánh". Andiy vội vã nhảy lên chiếc tiêm kích Su-27, lao nhanh ra đường băng, vút lên không trung nhanh nhất có thể. Anh cất cánh nhanh tới mức chưa biết đích xác nhiệm vụ đêm nay là gì mặc dù nhìn chung các nhiệm vụ đều giống nhau đó là tham gia vào một cuộc không chiến với Không quân Nga - lực lượng áp đảo về số lượng.

"Tôi không kịp suy nghĩ thêm được điều gì. Chỉ biết cất cánh", Andriy chia sẻ với New York Times về sứ mệnh của mình trong suốt một tháng qua kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Các chuyên gia phân tích quân sự từng dự đoán Nga sẽ nhanh chóng phá hủy hoặc làm tê liệt hệ thống phòng không và phi đội của Ukraine. Tuy vậy, một tháng trôi qua, họ vẫn chưa làm điều đó và các cuộc không chiến tiếp tục diễn ra trên bầu trời Ukraine.

"Mỗi lần cất cánh là mỗi lần sẵn sàng cho một cuộc chiến thực sự. Trong tất cả các cuộc không chiến với Nga, không bao giờ có sự cân bằng. Phi đội của họ luôn gấp 5 lần (của Ukraine)", Andriy, 25 tuổi, nói. Anh đã thực hiện tổng cộng hơn 10 lần xuất kích như vậy.

Sự thành công của các phi công Ukraine góp phần yểm trợ cho binh sĩ ở mặt đất, ngăn chặn những cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các thành phố.

Không quân Ukraine hoạt động gần như bí mật. Máy bay chiến đấu có thể xuất kích từ các sân bay ở miền Tây nước này, các sân bay bị ném bom những vẫn đủ điều kiện cho phép máy bay cất hoặc hạ cánh. Theo các nhà phân tích, các máy bay chiến đấu của Ukraine thậm chí có thể cất cánh từ đường cao tốc.

Phía Nga được tin là thực hiện khoảng 200 đợt xuất kích mỗi ngày thì Ukraine chỉ có khoảng 5-10 đợt xuất kích.

Tuy nhiên, phi công Ukraine có một lợi thế là thuộc địa hình. "Ukraine có thể tác chiến hiệu quả trên không nhờ hoạt động trên lãnh thổ của chính mình. Máy bay đối phương đi vào không phận Ukraine nghĩa là đang bay vào vùng nhận diện phòng không của họ", Yuriy Ihnat, người phát ngôn Không quân Ukraine, cho biết. Ông mô tả chiến lược này giống như "nhử máy bay Nga vào bẫy".

Máy bay Su-25 Nga bị tên lửa Ukraine bắn trúng động cơ

Cuộc chiến không cân bằng

Ukraine được cho là hiện chỉ còn 55 máy bay chiến đấu do một số máy bay đã bị bắn rơi, phá hủy hoặc hỏng hóc. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu hoặc lập vùng cấm bay để hỗ trợ không quân nước này, nhưng đến nay đều bị từ chối. Slovakia và Ba Lan cân nhắc chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine, nhưng đến nay vẫn chưa cung cấp.

Ông Dave Deptula, một học giả cao cấp tại Học viện Không quân Mỹ và là người lập kế hoạch tấn công chính cho chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq, cho rằng, việc bổ sung máy bay chiến đấu có ý nghĩa quan trọng với Ukraine. "Nếu không được bổ sung, đến một lúc nào đó, họ sẽ hết máy bay trước khi hết phi công", ông nói.

Hầu hết các cuộc không chiến ở Ukraine diễn ra vào ban đêm, khi đó máy bay của Nga hạn chế được nguy cơ trước các hệ thống phòng không của Ukraine. Andriy cho hay, Nga thường sử dụng các máy bay chiến đấu hiện đại như Su-30, Su-34 và Su-35.

"Tôi phải làm nhiệm vụ tiếp cận máy bay Nga, gần đến mức có thể trở thành mục tiêu của đối phương… Có thời điểm lực lượng mặt đất cảnh báo một tên lửa đang nhằm vào tôi. Thời gian tôi có thể tự cứu mình phụ thuộc vào tên lửa bắn cách tôi bao xa và là loại tên lửa nào", Andriy kể lại.

Anh cho biết đã phải lái lòng vòng máy bay qua các bờ biển, bay lên, hạ xuống, để nhử tên lửa, làm tiêu hao kho vũ khí của đối phương. Theo các nguồn tin tình báo phương Tây, Nga đã khai hỏa tổng cộng hơn 1.000 tên lửa các loại ở Ukraine trong vòng một tháng qua. Bộ Quốc phòng Nga cuối tuần tuyên bố lần đầu sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để tấn công một kho nhiên liệu của quân đội Ukraine.

Andriy tốt nghiệp Trường Không quân Kharkov. Viên phi công trẻ này tâm sự: "Cả tôi và các bạn của tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến thực sự. Nhưng thực tế ngược lại". Trước khi tham chiến, Andriy đã đưa vợ đến một nơi an toàn, nhưng vẫn ở Ukraine. Anh không bao giờ nói với các thành viên trong gia đình khi nào làm nhiệm vụ, mà chỉ gọi điện cho họ sau khi đã hoàn thành một sứ mệnh.

Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2 với tuyên bố nhằm phi quân sự hóa Ukraine. Moscow khẳng định chỉ dùng các vũ khí chính xác cao để phá hủy các mục tiêu quân sự của Ukraine. Phương Tây cho rằng, sau một tháng, chiến dịch của Nga dường như vẫn chưa đạt mục tiêu trong khi đó, sức kháng cự của quân đội Ukraine hiệu quả hơn so với những dự báo trước đó một phần là nhờ nguồn cung vũ khí, trang thiết bị quân sự của Mỹ và các đồng minh. 

Theo New York Times, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine