1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Pháo phản lực "Ma cà rồng" của Ukraine lộ diện, san phẳng các mục tiêu Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Ukraine cho biết các pháo phản lực RM-70 4D "Ma cà rồng" được Cộng hòa Séc viện trợ đã được sử dụng để tấn công vào các mục tiêu của Nga.

Trong một đoạn video được đăng tải hôm 11/7, Lữ đoàn bộ binh sơn cước số 10 trực thuộc các Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết đơn vị này đã liên tục sử dụng các pháo phản lực phóng loạt RM-70 4D "Ma cà rồng" do Cộng hòa Séc viện trợ để tập kích các vị trí của quân đội Nga.

Pháo phản lực Ma cà rồng của Ukraine lộ diện, san phẳng các mục tiêu Nga - 1

Các pháo phản lực RM-70 4D "Ma cà rồng" của quân đội Ukraine dội bão lửa xuống các vị trí của quân đội Nga (Ảnh: Lữ đoàn bộ binh sơn cước số 10 Ukraine).

Theo một số nguồn tin, Séc đã gửi các pháo phản lực "Ma cà rồng" cho quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky từ tháng 4 để hỗ trợ lực lượng này trong nỗ lực phòng thủ trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Pháo phản lực RM-70 được thiết kế bởi các kỹ sư Tiệp Khắc và đưa vào sử dụng từ những năm 1972. RM-70 có chiều dài 8,75m, chiều rộng 2,5m, cao 2,7m và được đặt trên khung gầm xe tải Tatra T813 cấu hình 8x8. RM-70 có thể bắn cùng lúc 40 hỏa tiễn cỡ nòng 122mm với tầm bắn tối đa khoảng 20km.

Với phiên bản nâng cấp RM-70 4D "Ma Cà Rồng", pháo phản lực này có thể được trang bị thêm các công nghệ hiện đại như hệ thống điều khiển bán tự động Tatra Norgen và tăng tầm hoạt động từ 400km lên 1000km. Ngoài ra, buồng lái của phiên bản này cũng được trang bị thêm giáp bảo vệ để đảm bảo an toàn cho kíp lái.

Pháo phản lực Ma cà rồng của Ukraine lộ diện, san phẳng các mục tiêu Nga - 2

Pháo phản lực phóng loạt RM-70 4D "Ma cà rồng" của quân đội Ukraine khai hỏa (Ảnh: Lữ đoàn bộ binh sơn cước số 10 Ukraine).

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Séc và Ba Lan đã trở thành các nước đồng minh thân cận nhất của chính quyền Tổng thống Zelensky tại châu Âu. Vào tháng 4/2022, Séc đã trở thành thành viên đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) viện trợ xe tăng cho Ukraine.

Các quan chức Mỹ và Séc cũng khẳng định Praha đã đóng góp một phần lớn trong tổng số 17.000 vũ khí chống tăng mà các đồng minh NATO trao cho Ukraine trong 2 tuần đầu tiên của cuộc xung đột với Nga.

Bên cạnh đó, hôm 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng tiết lộ về việc Séc đã viện trợ các trực thăng tấn công Mi-24D cho Ukraine như là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm giúp Không quân Ukraine giành lại quyền kiểm soát không phận.

Theo thống kê, quân đội Séc chỉ sở hữu 7 máy bay trực thăng Mi-24D do Liên Xô thiết kế. Bộ Quốc phòng nước này cũng đã giao bán toàn bộ các máy bay này vào năm 2019. Vì vậy, rất có khả năng cả 7 chiếc trực thăng Mi-24D đã được bàn giao cho phía Ukraine.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine