1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pháo binh Ukraine cảnh báo: Tình hình đang dần trở nên tuyệt vọng

N. Tuấn Sơn

(Dân trí) - "Dự trữ của chúng tôi sẽ cạn kiệt", lực lượng pháo binh Ukraine lên tiếng báo động khẩn cấp về tình trạng thiếu đạn pháo do phương Tây cung cấp.

Pháo binh Ukraine cảnh báo: Tình hình đang dần trở nên tuyệt vọng - 1

Pháo binh Ukraine khai hỏa về phía mục tiêu Nga ở Donetsk (Ảnh minh họa: Skynews).

Pháo binh Ukraine lên tiếng về tình hình tuyệt vọng

Ẩn mình trong một con mương lầy lội, thô sơ, một "quái vật thép" to lớn đang chờ cơ hội tấn công.

Được nhận diện "địch - ta" ở hai bên bằng các dấu cộng được sơn trắng, nòng khổng lồ của khẩu pháo giương lên bầu trời phía trên chiến tuyến Bakhmut, nơi có hàng nghìn quả đạn pháo, rocket, tên lửa và máy bay không người lái bay tới bay lui mỗi ngày.

Vũ khí đang được Lữ đoàn cơ giới số 93 của Ukraine sử dụng là pháo tự hành M109 do Mỹ chế tạo, hay còn được gọi là Paladin.

Trong mùa đông, các lực lượng Nga đã tấn công ở khu vực, vượt qua Bakhmut đổ nát về phía thành trì Chasov Yar của Ukraine.

Vào ngày này đầu tháng Hai, bất chấp những âm thanh giao tranh gần như liên tục gần đó, những khẩu Paladin vẫn câm lặng.

Các cuộc tấn công vào những vị trí của Ukraine được Nga thực hiện hàng ngày, nhưng những quả đạn xếp trong giá chứa đạn chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết.

Từng chút một khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tiến triển, các loại pháo phương Tây như Paladin - bắn đạn 155mm tiêu chuẩn cho tất cả quân đội NATO - đã thay thế phần lớn các loại pháo thời Liên Xô cũ của Ukraine.

Kiev đã nhận được hàng trăm khẩu pháo 155mm để triển khai dọc theo chiến tuyến trải dài hơn 1.200km.

Với độ chính xác tổng thể tăng lên so với các loại pháo của Nga, loại vũ khí này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu chống lại đối phương có lợi thế về đạn dược rõ rệt.

Giờ đây, mặc dù có rất nhiều pháo nhưng Ukraine đang hết đạn và tình hình đang dần trở nên tuyệt vọng.

Khi quá trình chuyển đổi sang pháo binh tiêu chuẩn NATO tiến triển, quân đội Ukraine chủ yếu dựa vào đạn pháo từ kho dự trữ của Mỹ, được tăng cường bởi đạn mua từ bên ngoài liên minh.

Nhận thấy nhu cầu cấp thiết, các nước châu Âu đã chuyển sang mở rộng quy mô sản xuất ở nước mình, nhưng đã bị chỉ trích rộng rãi vì mất nhiều thời gian để thực hiện điều đó.

Với việc đảng Cộng hòa cản trở nguồn viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine kể từ cuối năm ngoái, tình trạng thiếu nguồn cung cấp mới đang trở nên nghiêm trọng trên chiến trường.

Cả Washington và Kiev đã nhấn mạnh, một trong những lý do chính dẫn đến thành công gần đây của Nga trong việc chiếm thành phố Avdiivka, chiến thắng lớn đầu tiên của Moscow kể từ tháng 5 năm ngoái, là do Ukraine thiếu đạn pháo.

Kiev Independent đã nói chuyện với các chỉ huy pháo binh 155mm ở hai lữ đoàn riêng biệt đang chiến đấu ở tỉnh Donetsk để hiểu "cơn đói" đạn pháo đã bắt đầu ảnh hưởng như thế nào đến dòng chảy hàng ngày của chiến trường.

Pháo binh Ukraine cảnh báo: Tình hình đang dần trở nên tuyệt vọng - 2

Một khẩu pháo tự hành M109 Paladin của Ukraine ở Donetsk hôm 3/2/2023 (Ảnh: Kyiv Independent).

"Khẩu phần" đau đớn

Trong lực lượng lục quân rộng lớn của Ukraine, với mức độ tập trung khác nhau ở các khu vực khác nhau trên tiền tuyến, thường khó có thể hình dung được cơn đói đạn pháo ảnh hưởng như thế nào đến công việc của lực lượng Ukraine ở cấp độ chiến thuật.

Đến bây giờ, Vitalii "Skyba", 36 tuổi - khẩu đội trưởng pháo Paladin - không được tiết lộ tên thật theo quy định của đơn vị, cho biết sự khác biệt giữa nguồn cung đạn dược của Ukraine và Nga đã được cảm nhận rõ ràng.

"Có cảm giác như chúng tôi chỉ bắn khi nhìn thấy mục tiêu, trong khi pháo của họ bắn 24/7, họ phá hủy cả ngôi làng", anh nói. "Chúng tôi không thể làm như vậy, chúng tôi thường chỉ được phép dùng 3 quả đạn để bắn trúng mục tiêu và kỳ vọng là như vậy là đủ, trong khi họ có thể dễ dàng bắn 20 quả đạn vào một mục tiêu".

Skyba nói thêm, đôi khi, các mục tiêu mà lúc bình thường hoàn toàn có thể tấn công bằng pháo binh thì nay sẽ bị bỏ lại vì cần phải tiết kiệm.

Anh nói: "Nếu họ phát hiện 5 binh sĩ đối phương đứng cùng nhau, điều đó không phải lúc nào cũng đủ để ra lệnh khai hỏa trong những ngày này... Bộ chỉ huy cố gắng hết sức để yêu cầu chúng tôi hỗ trợ bộ binh của mình. Sẽ thật tuyệt nếu chúng tôi có thể làm việc không ngừng nghỉ như người Nga, nhưng chúng tôi không thể".

Cách Chasiv Yar 20km về phía nam, Kyiv Independent cũng đã nói chuyện với Roman Holodiskyi, chỉ huy khẩu đội của Lữ đoàn pháo binh số 43, đơn vị có các trận địa được triển khai trên khắp chiến tuyến và chuyển đổi hoàn toàn từ pháo 2S7 Pion thời Liên Xô sang pháo tự hành PzH-2000 do Đức sản xuất.

Holodiskyi, người có thâm niên cung cấp cái nhìn rộng hơn về tình hình đạn dược mà các khẩu đội trưởng như Skyba có thể thiếu, cũng cho biết, họ nhận được giới hạn về số lượng đạn có thể sử dụng vào mục tiêu.

"Lần trước tôi đích thân chỉ huy một trận đánh, chúng tôi nhìn thấy một nhóm tấn công của đối phương, đó là khoảng cách hoàn hảo để khai hỏa. Tôi đã xin phép chỉ huy cấp trên của mình để tham gia và cũng yêu cầu dùng số đạn tối đa", ông nói.

"Họ cho phép tôi bắn 5 quả đạn. Trong đó, 3 quả đầu là để hiệu chỉnh và 2 quả cuối để thực sự gây thiệt hại. Nếu chúng tôi được phép bắn 10 quả đạn cho nhóm đối phương đông đảo đó thì họ đã bị tiêu diệt, nhưng như thế, chúng tôi chỉ có thể "cắn" được một miếng thôi".

Ngay cả khi hoạt động một cách keo kiệt nhất có thể, tốc độ bắn hiện tại của pháo Ukraine vẫn không bền vững.

Khi đạn pháo 155mm có sẵn, đơn vị của Holodiskyi đã tích trữ được một lượng đạn dự phòng mà giờ đây anh buộc phải bắt đầu sử dụng hết.

Anh nói: "Bây giờ, các quả đạn mà chúng tôi chắt chiu dành dụm chỉ còn một nửa và họ giao hàng ít hơn và ít thường xuyên hơn rất nhiều".

Đầu tháng 1, một chỉ huy pháo binh khác của Lữ đoàn 93 đã báo cáo với CNN rằng Nga đang bắn 10 quả đạn so với mỗi quả đạn của Ukraine.

Không có cơ chế chặt chẽ để thu thập dữ liệu về chi phí đạn pháo của Nga, nhưng thứ tự cường độ gần như chính xác, Holodivskyi nói khi phản ứng với con số này, đồng thời lưu ý rằng đối với các nhiệm vụ phản công, pháo binh Ukraine thường chỉ bắn 1 quả đạn, trong khi đối phương có thể bắn tới hàng tá cho cùng một nhiệm vụ.

Anh nói, vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn, các mảnh vỡ và đạn pháo chưa nổ của Nga cho thấy chúng thường mới rời khỏi dây chuyền sản xuất của tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ của Nga.

Anh cho biết thêm: "Những loại đạn pháo mà họ sử dụng chủ yếu hiện nay đều được sản xuất vào năm 2022 hoặc 2023... Họ không hề bị đói, dây chuyền sản xuất của họ vẫn hoạt động trơn tru".

Pháo binh Ukraine cảnh báo: Tình hình đang dần trở nên tuyệt vọng - 3

Khẩu đội trưởng pháo binh Ukraine Vitalii "Skyba" bên trong tổ hợp pháo tự hành M109 tại trận địa ở Donetsk hôm 3/2/2023 (Ảnh Kyiv Independent).

Cuộc tranh giành chậm chạp

Quyết định ban đầu cung cấp cho Ukraine pháo binh theo tiêu chuẩn NATO được thực hiện những tháng đầu tiên của cuộc xung đột, vì rõ ràng là kho đạn dược thời Liên Xô sẵn có ở các nước đồng minh cuối cùng sẽ cạn kiệt.

Với một số loại pháo 155mm khác nhau được Mỹ và các nước châu Âu cung cấp, các pháo thủ Ukraine đã nhanh chóng làm chủ được chúng.

Theo Holodiskyi, đến cuối năm 2022, quá trình chuyển đổi sôi nổi, với đạn dược sẵn có cho các loại pháo phương Tây.

Ông nói: "Lần đầu tiên chúng tôi tung PzH-2000 vào tham chiến, chúng tôi có hàng trăm quả đạn pháo, các kho của chúng tôi đã tràn ngập".

Vào năm 2023, với việc Ukraine cần tốc độ bắn cao hơn để hỗ trợ cho cuộc phản công vào mùa hè, rõ ràng là ngay cả toàn bộ năng lực sản xuất của NATO cũng không đủ và Ukraine cần phải tiếp cận các nguồn dự trữ khác trên toàn thế giới để theo kịp.

Thực hiện các bước nhằm tăng cường sản xuất trong nước, Washington đã tìm được giải pháp lấp chỗ trống từ nước ngoài, với hàng trăm nghìn quả đạn pháo 155mm được chuyển giao không chính thức.

Vào tháng 7 năm ngoái, một kho dự trữ riêng của Mỹ đã được "mở cửa" cho Ukraine sử dụng, đó là đạn chùm PPCM (đạn thông thường cải tiến hai mục đích), gây tranh cãi rộng rãi nhưng có hiệu quả cao chống lại bộ binh đối phương trong chiến tranh chiến hào.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã cam kết cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm bắt đầu từ mùa xuân năm 2023, nhưng xét về mọi mặt đều không đạt được mục tiêu.

Đến tháng 1 năm nay, chỉ hai tháng trước thời hạn tháng 3, EU mới chỉ chuyển giao được hơn một nửa số đạn theo cam kết, Josep Borrel - nhà ngoại giao hàng đầu của khối - cho biết.

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng mà Bloomberg có được, khi chiến sự đang diễn ra, Ukraine cần khoảng 200.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng.

Bị buộc phải hỗ trợ Ukraine trong trường hợp không có viện trợ của Mỹ và lo ngại về khả năng phòng thủ của chính họ trong kịch bản có thể ông Donald Trump đắc cử tổng thống sau những nhận xét gây tranh cãi liên tục của ông về NATO, một số nước châu Âu đang thực hiện nhiều hành động hơn để tăng cường các hoạt động sản xuất quốc phòng trong nước.

Tuy nhiên, các công ty sản xuất vũ khí tư nhân châu Âu cần những mệnh lệnh lớn của chính phủ để biện minh cho việc mở rộng cơ sở và những mệnh lệnh đó đòi hỏi phải đưa ra các quyết định chính trị quan trọng về tài trợ và mua sắm một cách nhanh chóng.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết vào ngày 14/2 rằng, Đức đặt mục tiêu cung cấp số lượng đạn pháo gấp 3 đến 4 lần vào năm 2024 so với năm 2023, đồng thời lưu ý rằng Berlin sẽ chi 3,75 tỷ USD chưa từng có cho việc sản xuất đạn dược trong năm nay.

Là một phần trong thông báo về một "liên minh pháo binh" mới vào tháng 1, Pháp hứa sẽ gửi cho Ukraine 3.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng, ít hơn số lượng lý tưởng mà Ukraine sẽ bắn trong một ngày trên tiền tuyến.

Tuy nhiên, vài tuần sau, Politico đưa tin rằng Paris đang ngăn chặn nỗ lực của EU trong việc mua đạn pháo từ bên ngoài khối.

Với hy vọng nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trước khi châu Âu có thể sản xuất thêm, Tổng thống Séc Petr Pavel tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich rằng nước này đã xác định được nguồn cung từ bên ngoài EU với số lượng nửa triệu quả đạn pháo 155mm và 300.000 quả đạn pháo 122mm thời Liên Xô khác sẵn sàng chuyển đến Ukraine "trong vòng vài tuần" nếu nguồn tài trợ được phê duyệt.

"Khi bạn nói chuyện với những người lính Ukraine, liệu đạn pháo của họ được sản xuất ở đâu có quan trọng không?", Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nói với Kyiv Independent ở Munich.

Pháo binh Ukraine cảnh báo: Tình hình đang dần trở nên tuyệt vọng - 4

Các quả đạn 155mm trong một tổ hợp pháo tự hành của Ukraine tại Donetsk hôm 3/2/2023 (Ảnh: Kyiv Independent).

Yếu tố X có nguy cơ tuyệt chủng

"Có một câu nói", Holodivskyi nói. "Cái giá của mồ hôi của lính pháo binh được đo bằng máu của lính bộ binh".

Đối với người chỉ huy, người từng là một phần trong quá trình chuyển đổi thành công của Ukraine sang pháo binh NATO trong mọi bước đường, ý tưởng về việc các khẩu pháo của anh ngừng hoạt động là một điều đáng sợ.

"Đây là một vấn đề, không có cách nào giải quyết được", anh nói. "Nếu họ tiếp tục giao hàng ngày càng ít, lượng dự trữ mà tôi tích lũy theo thời gian cuối cùng sẽ cạn kiệt".

"Chính những người đồng đội này, trong chiến hào và hầm của họ, cần sự hỗ trợ của chúng tôi hơn bao giờ hết khi đối phương đang tấn công. Thành thật mà nói, nếu chúng tôi ngừng làm việc hoàn toàn ở đây thì điều đó thật đáng sợ".

Ở một mức độ nào đó, tình trạng thiếu đạn pháo của Ukraine được giảm bớt nhờ việc sử dụng rộng rãi máy bay không người lái FPV (góc nhìn thứ nhất) cho các mục tiêu tương tự trên hoặc gần đường số 0 (chiến tuyến).

Mặc dù mang lực nổ ít hơn nhiều so với đạn pháo, FPV là vũ khí có độ chính xác cao, sản xuất rẻ hơn nhiều và có thể được chế tạo tại nhà thay vì trên dây chuyền lắp ráp đắt tiền.

Tuy nhiên, theo Holoditskyi, ý tưởng cho rằng UAV thực sự có thể thay thế pháo binh là rất thiếu sót. Anh nói: "Pháo binh luôn là yếu tố X trên chiến trường... Có lý do tại sao cho đến ngày nay, bộ binh của chúng tôi vẫn kêu gọi pháo binh hỗ trợ chứ không phải FPV. Vụ nổ, sóng xung kích, tất cả đều có tác dụng làm mất tinh thần lớn đối với binh sĩ Nga và pháo binh có thể làm được nhiều việc mà FPV không thể làm được".

Trong khi châu Âu cần thời gian để mua thêm đạn pháo và nguồn tài trợ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn bị chặn, những lính pháo binh như Skyba và Holodivskyi có thể không thể cung cấp sự yểm trợ thích hợp cho bộ binh của họ.

Skyba nói: "Nếu họ muốn chiến tranh kết thúc, không cần phải chờ đợi, phải tổ chức những hội nghị thượng đỉnh bất tận và dành thời gian suy nghĩ... Họ càng mất nhiều thời gian để 'chuẩn bị giúp đỡ' Ukraine thì cuộc chiến này sẽ càng kéo dài".

Theo Kiev Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine