1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phần lớn người Ukraine muốn nhanh chóng đàm phán kết thúc chiến sự với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau gần 3 năm Moscow và Kiev xung đột toàn diện, khảo sát cho thấy phần lớn người Ukraine muốn chiến sự nhanh chóng dừng lại.

Phần lớn người Ukraine muốn nhanh chóng đàm phán kết thúc chiến sự với Nga - 1

1.000 ngày xung đột với Nga đã tàn phá Ukraine (Ảnh: Reuters).

Cuộc thăm dò của công ty Mỹ Gallup được thực hiện vào tháng 8 và tháng 10 năm 2024 cho thấy, 52% người Ukraine được hỏi muốn Kiev đàm phán để chấm dứt chiến sự càng sớm càng tốt, trong khi 38% tin rằng Ukraine cần phải chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng.

"Sau hơn hai năm xung đột dai dẳng, người dân Ukraine ngày càng mệt mỏi với cuộc chiến với Nga. Trong các cuộc khảo sát mới nhất của Gallup về Ukraine, được tiến hành vào tháng 8 và tháng 10 năm 2024, trung bình 52% người dân Ukraine muốn thấy đất nước của họ đàm phán để chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt", Gallup cho hay.

Dữ liệu của Gallup phản ánh sự thay đổi lớn trong quan điểm của công chúng Ukraine trước cuộc chiến hao người, tốn của. Trong khảo sát tương tự trước đó, con số trên ở mức 27% vào năm 2023 và 22% vào năm 2022.

Vào năm 2022, khi chiến sự nổ ra vài tháng, cuộc khảo sát của Gallup khi đó cho thấy sự quyết tâm của người Ukraine: 73% ủng hộ chiến đấu đến cùng. Đến năm 2023, con số đó đã giảm xuống còn 63% và tiếp tục giảm xuống còn 38% vào năm nay.

Trong số những người ủng hộ đàm phán trong khảo sát năm 2024, 52% cho rằng Kiev có thể xem xét nhượng bộ lãnh thổ trong bất kỳ cuộc thương lượng tiềm năng nào.

Gallup nhấn mạnh sự thay đổi này là dấu hiệu cho thấy người dân Ukraine cảm nhận được cuộc sống của họ ngày càng khó khăn và lo ngại sự ủng hộ từ quốc tế giảm sút, đặc biệt sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, Moscow liên tục ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán. Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình nên dựa trên các thỏa thuận đã đạt được tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022. Các cuộc đàm phán đó đề xuất một vị thế trung lập, không liên kết cho Ukraine, cùng với các hạn chế về việc triển khai vũ khí nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng khẳng định rằng bất kỳ cuộc đàm phán mới nào cũng phải tính đến tình hình hiện tại trên thực địa, nơi quân đội của Moscow đang đạt ưu thế.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh tuần trước rằng chiến dịch quân sự của Nga vẫn tiếp tục vì các quan chức Ukraine đã từ chối đối thoại. "Chiến dịch quân sự ở Ukraine đang diễn ra trong bối cảnh mà chúng tôi coi đó là một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Nga và phương Tây", ông Peskov nói.

Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cảnh báo nếu "Ukraine càng vi phạm các thỏa thuận thì lãnh thổ của Ukraine càng ít đi".

Cuối tháng 10, ông Lavrov cho biết, Nga theo đuổi một giải pháp cho xung đột ở Ukraine mà có thể đáp ứng được lợi ích của tất cả các quốc gia Á - Âu. Trong khi đó, kịch bản "hòa" trong xung đột ở Ukraine không thể đáp ứng được điều kiện đó.

Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga. Ông Zelensky tuyên bố vấn đề lãnh thổ của Ukraine phải do người dân nước này quyết định.

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine