Phái đoàn Triều Tiên tới Nga bàn về vấn đề hạt nhân
(Dân trí) - Quan chức Nga và Triều Tiên sẽ hội đàm ngày hôm nay 29/9 tại thủ đô Moscow, Nga về vấn đề vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, một động thái được Washington hoan nghênh.
Straits Times đưa tin, Đại sứ lưu động của Nga Oleg Burmistrov ngày 29/9 sẽ có cuộc gặp gỡ với Vụ trưởng Vụ các vấn đề Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui tại Moscow Nga nhằm bàn bạc về cuộc khủng hoảng hạt nhân Bình Nhưỡng và bối cảnh leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từ chối cung cấp chi tiết về cuộc hội đàm, song cho biết cơ quan này sẽ phát ra thông báo sau khi buổi gặp gỡ kết thúc.
Mỹ bày tỏ sự hoan nghênh cuộc hội đàm này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói: “Tôi không đây không phải một điều tồi tệ. Ngoại giao luôn là chiến lược tiếp cận với vấn đề Triều Tiên mà chúng tôi theo đuổi. Nếu như Nga có thể thành công trong việc đưa Triều Tiên đi đúng hướng, chúng tôi rất hoan nghênh việc đó”.
Thời gian gần đây căng thẳng Mỹ và Triều Tiên có dấu hiệu leo thang khi hai bên liên tiếp công kích và đe dọa tấn công lẫn nhau bằng biện pháp quân sự.
Bà Heather Nauert cho biết chuyến thăm Nga của quan chức Triều Tiên diễn ra sau chuyến thăm Moscow của ông Joseph Yun, đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên cách đó 2 tuần. Theo một bài báo trước đó của AP, ông Yun chính là “kênh liên lạc” bí mật và duy nhất giữa chính phủ Mỹ và Triều Tiên.
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức tại New York, Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra đề xuất chung của Moscow và Bắc Kinh cho vấn đề Triều Tiên mang tên “đình chỉ kép”. Theo đó, Triều Tiên cần dừng mọi hoạt động thử vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ phải dừng các hoạt động tập trận cùng đồng minh trên bán đảo Triều Tiên để bắt đầu khởi động đàm phán. Ông Lavrov cũng đề xuất một nước trung lập ở châu Âu đứng ra làm trung gian hòa giải.
Phía Mỹ cho rằng hoạt động tập trận nhằm bảo vệ các đồng minh và chính Mỹ khỏi mối de dọa tấn công từ Triều Tiên và khẳng định Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình hạt nhân trước khi bắt đầu bất cứ một cuộc thương lượng nào. Về phần mình, Triều Tiên khẳng định chương trình hạt nhân là biện pháp tự vệ trước các mối đe dọa từ Mỹ..
Đức Hoàng
Theo Straits Times