Ông Trump nói về nghi vấn "nữ tướng" của Biden không đủ điều kiện tranh cử
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chỉ trích sau khi ông lên tiếng bình luận về nghi vấn "nữ tướng" của đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden không đủ điều kiện tranh cử do là con của các di dân tới Mỹ.
New York Times đưa tin, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 13/8, Tổng thống Trump đã được hỏi về các nghi vấn rằng bà Kamala Harris - người được ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden chọn liên danh tranh cử - “không đủ điều kiện” cho vị trí phó tổng thống do xuất thân của bà.
“Tôi vừa nghe thấy điều đó hôm nay rằng bà ấy không đủ các điều kiện và rằng luật sư viết bài báo đó là một người rất giỏi và có uy tín”, ông Trump nói, dường như khen ngợi một giáo sư luật đã khơi ra những tranh cãi về nguồn gốc của bà Harris.
“Tôi không biết điều đó đúng hay không. Tôi cho rằng đảng Dân chủ đáng lẽ phải kiểm tra điều đó trước khi bà ấy được chọn là ứng viên phó tổng thống”, ông Trump nói. “Nhưng đó là một vấn đề rất nghiêm trọng khi họ đang nói rằng bà ấy không đủ điều kiện vì bà ấy không sinh ra tại đất nước này”.
Cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11/8 đã thông báo chọn nữ Thượng nghị sĩ lai Á-Phi Kamala Harris , 55 tuổi, làm ứng viên phó tổng thống liên danh tranh cử vào Nhà trắng. Bà Harris trở thành phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là phụ nữ gốc Á đầu tiên trở thành ứng cử viên phó tổng thống cho một chính đảng tại Mỹ.
Bà Harris sinh tại Oakland, bang California vào ngày 20/10/1964, có cha là người Jamaica và mẹ là người Ấn Độ, đều là các di dân tới Mỹ.
Chỉ ít giờ sau khi ông Biden công bố chọn bà Harris, các trang web về thuyết âm mưu đã bắt đầu gia tăng lan truyền các nghi ngờ rằng bà Harris từng là “đứa trẻ mỏ neo” (anchor baby) vì xuất thân của bà.
“Anchor baby” được dùng để chỉ những em bé tự động trở thành công dân Mỹ nhờ sinh ra tại nước này dù cha mẹ không có quốc tịch Mỹ. Điều này giúp cha mẹ có thể sinh sống hợp pháp tại Mỹ dựa vào đứa trẻ.
Việc ông Trump không bác bỏ thuyết âm mưu, và thậm chí còn ca ngợi vị giáo sư đã nêu ra thuyết này, đã khiến ông bị chỉ trích mạnh mẽ. Những người chỉ trích cáo buộc ông Trump khuếch trương thuyết âm mưu pháp lý quá khích và phân biệt chủng tộc.
Trước phát biểu của ông Trump, một cố vấn chiến dịch tranh cử của ông là Jenna Ellis đã đăng tải lại thông tin từ người đứng đầu nhóm bảo thủ "Giám sát tư pháp", Tim Fitton, trong đó ông Fitton đặt nghi vấn rằng liệu bà Harris có "không đủ điều kiện trở thành phó tổng thống theo Hiến pháp Mỹ".
Ông Fitton cũng chia sẻ một ý kiến đăng tải trên tạp chí Newsweek của ông John Eastman, một giáo sư luật tại Đại học Chapman ở California.
Giáo sư Eastman dẫn Điều 2 trong Hiến pháp Mỹ nói rằng “chỉ có công dân sinh tại Mỹ… mới đủ điều kiện đắc cử vào văn phòng tổng thống”. Ông cũng chỉ ra rằng Tu chính án 14 quy định “tất cả mọi người… sinh tại Mỹ, và tùy thuộc vào thẩm quyền luật pháp (của Mỹ), là công dân Mỹ”.
Dựa vào cụm từ "tùy thuộc vào thẩm quyền luật pháp", ông Eastman lập luận rằng bà Harris có thể không phải là nằm dưới quyền bảo vệ pháp lý của Mỹ nếu cha mẹ bà, ví dụ, chỉ có thị thực sinh viên vào thời điểm bà Harris chào đời tại California.
Các chuyên gia pháp lý tại Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ các nghi vấn của ông Eastman. Một chuyên gia luật hiến pháp nói với CBS News rằng lập luận của ông Eastman về điều kiện của bà Harris là “thực sự ngốc nghếch”.
BBC dẫn lời Erwin Chemerinsky, hiệu trưởng Trường Luật Berkeley, viết trong một email rằng: “Theo phần 1 của Tu chính án 14, bất kỳ ai sinh tại Mỹ cũng là công dân Mỹ. Tòa án Tối cao đã giữ nguyên điều này kể từ những năm 1890. Bà Kamala Harris sinh tại Mỹ”.
Laurence Tribe, một giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Harvard, gọi bình luận của ông Eastman là phân biệt chủng tộc.
Jessica Levinson, một giáo sư tạ Trường Luật Loyola, nói với hãng tin AP rằng: “Hãy thẳng thắn về chuyện đó: Đó chỉ là một trò phân biệt chủng tộc khi chúng ta gặp một ứng cử viên da màu có cha mẹ từng không phải là công dân Mỹ”.
Thậm chí tạp chí Newsweek cũng hứng “búa rìu dư luận” sau đăng tải bài ý kiến của ông Eastman, khiến tổng biên tập tạp chí này phải lên tiếng bảo vệ quyết định của tạp chí, nói rằng bài viết của vị giáo sư luật không liên quan gì tới thuyết phân biệt chủng tộc.
Trong quá khứ, ông Trump cũng từng đặt nghi vấn về xuất thân của người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, sau khi xuất hiện những nghi vấn cho rằng ông Obama không sinh tại Mỹ, do đó không đủ điều kiện làm tổng thống Mỹ. Vào năm 2011, Nhà Trắng đã phải công bố giấy khai sinh của ông Obama để bác bỏ những dư luận đồn đoán về nơi sinh của ông.
Vào năm 2016, ông Trump cũng gây tranh cãi khi cho rằng đối thủ đảng Cộng hòa Ted Cruz có thể không đủ điều kiện tranh cử tổng thống vì ông sinh tại Canada trong một gia đình có mẹ là một công dân Mỹ và bố sinh tại Cuba.
Theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, bất cứ ai sinh ra trên đất Mỹ được quyền có quốc tịch Mỹ. Tổng thống Trump từng gây tranh cãi khi tuyên bố ông muốn chấm dứt việc tự động cấp quyền công dân Mỹ tự động cho trẻ sơ sinh của những người di cư bất hợp pháp đến Mỹ.