1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ông Stoltenberg: Đe dọa hạt nhân của Nga không thể ngăn NATO hỗ trợ Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Liên minh sẽ không chùn bước trong hoạt động viện trợ quân sự cho Ukraine trước những cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thư ký NATO vừa mãn nhiệm Jens Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg: Đe dọa hạt nhân của Nga không thể ngăn NATO hỗ trợ Ukraine - 1

Tổng thư ký NATO vừa mãn nhiệm Jens Stoltenberg (Ảnh: AFP).

"Mỗi lần chúng ta tăng cường viện trợ các loại vũ khí mới, như xe tăng chiến đấu, hỏa lực tầm xa hoặc máy bay F-16, Nga lại cố gắng ngăn cản. Họ đã không thành công và lời đe dọa mới nhất này cũng sẽ không thể ngăn được các đồng minh NATO hỗ trợ Ukraine", ông Stoltenberg phát biểu hôm 30/9.

Ông cho biết NATO không phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào về trạng thái hạt nhân của Nga có thể khiến khối quân sự này cần phải điều chỉnh theo. Ông nhận định, rủi ro lớn nhất hiện nay đối với NATO là Nga giành chiến thắng ở Ukraine.

Tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước cảnh báo, Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng tên lửa thông thường, và rằng Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công bằng hạt nhân nhằm vào Nga là một cuộc tấn công chung.

Mỹ và các đồng minh đang cân nhắc liệu có cho phép Ukraine dùng vũ khí do phương Tây viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga hay không.

Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa muốn cấp phép cho Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng các loại vũ khí như tên lửa ATACMS tầm xa. Washington lo ngại căng thẳng với Moscow sẽ leo thang và khả năng bị trả đũa. Một số quan chức phương Tây cũng hoài nghi về hiệu quả của những cuộc tấn công như vậy trong việc thay đổi thế trận.

Theo ông Stoltenberg, "không có viên đạn bạc" nào có thể thay đổi mọi thứ trên chiến trường. Nhưng các cuộc tấn công sâu vào bên trong nước Nga có thể tạo ra sự khác biệt.

Liên quan tới khả năng đàm phán hòa bình, ông cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm kết thúc chiến sự cũng phải bao gồm việc Ukraine sẽ được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đảm bảo an ninh.

"Khi ranh giới được thống nhất, cho dù đó là biên giới được quốc tế công nhận hay một ranh giới ngừng bắn nào đó, thì chúng ta cũng phải hoàn toàn chắc chắn rằng xung đột sẽ kết thúc ở đó", ông nói.

"Tôi không nghĩ chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Putin (về Ukraine) nhưng theo tôi, chúng ta có thể thay đổi tính toán của ông ấy bằng cách chứng minh rằng chi phí duy trì cuộc chiến quá cao, do vậy tốt hơn là Moscow nên chấp nhận đàm phán với Ukraine", ông Stoltenberg nói thêm.

Khi được hỏi liệu Ukraine có thể trở thành thành viên NATO hay không khi một phần vùng lãnh thổ của họ đang bị Nga kiểm soát, ông Stoltenberg nhấn mạnh đó là quyết định của các đồng minh NATO. Tuy nhiên, ông nói thêm, cần có sự đảm bảo ngăn chặn hành động tấn công trong tương lai từ phía Nga.

"Tất nhiên, các đồng minh NATO sẽ quyết định xem liệu những điều khoản đảm bảo của Điều 5 có thể áp dụng cho một số vùng lãnh thổ của Ukraine hay không… Nhưng ý tôi muốn nói là sự đảm bảo an ninh của NATO chính là cách đảm bảo hòa bình lâu dài và công bằng cho Ukraine", ông Stoltenberg nêu rõ.

Theo Pravda, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine