Điện Kremlin: Học thuyết hạt nhân mới của Nga đã sẵn sàng
(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố phiên bản sửa đổi của học thuyết hạt nhân Nga đã được hoàn thiện và đang trải qua các thủ tục cần thiết để trở thành luật.
"Những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân đã sẵn sàng. Bây giờ những thay đổi này đang được chính thức hóa", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 29/9.
Ông Peskov giải thích rằng, mặc dù Nga đã nhiều lần cảnh báo về việc leo thang căng thẳng trong hai năm qua, nhưng "những kẻ cuồng tín ở phương Tây vẫn tiếp tục chính sách cuồng tín của họ và có thể gây ra hậu quả rất tiêu cực cho tất cả mọi người".
"Chúng tôi thấy rằng mức độ can dự của các quốc gia phương Tây vào cuộc xung đột Ukraine đang không ngừng gia tăng. Họ không có bất kỳ sự kiềm chế nào, họ tuyên bố ý định sẽ tiếp tục can dự để đảm bảo chiến thắng cho Ukraine", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.
Theo ông Peskov, trong bối cảnh như vậy, Nga "phải đưa ra quyết định và chúng tôi phải sẵn sàng thực hiện quyết định đó".
Tuy nhiên, ông Peskov lưu ý rằng việc áp dụng trực tiếp học thuyết hạt nhân và thời điểm áp dụng sẽ là "đặc quyền của quân đội Nga".
Tổng thống Vladimir Putin trong tuần này cho biết, các nguyên tắc cơ bản về răn đe hạt nhân của Nga cần phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tế hiện tại.
Chủ nhân Điện Kremlin chỉ ra rằng, tình hình quân sự và chính trị hiện nay đang thay đổi mạnh mẽ và Moscow phải tính đến điều này, bao gồm cả sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới.
Một số nhà phân tích cho rằng, tuyên bố của ông Putin về điều chỉnh học thuyết hạt nhân có thể cho thấy Nga đang vẽ lại lằn ranh đỏ trong chính sách răn đe hạt nhân.
Ông Putin nhấn mạnh, Moscow có thể đáp trả hạt nhân với một cuộc tấn công thông thường xuyên biên giới lớn có sự tham gia của máy bay, tên lửa hoặc máy bay không người lái. Một cường quốc hạt nhân đối thủ hỗ trợ quốc gia khác tấn công Nga cũng sẽ bị coi là một bên tham gia cuộc tấn công đó.
Nói như vậy, việc phương Tây cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng các tên lửa tầm xa mà họ viện trợ như ATACMS của Mỹ và Storm Shadows của Anh sẽ bị coi là thuộc diện áp dụng quy tắc răn đe hạt nhân của Nga.
Ông Putin cũng khẳng định, Nga luôn có cách tiếp cận trách nhiệm cao đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông, Nga luôn tìm cách ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân và các thành phần của vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Nga từ lâu đã thể hiện lập trường thận trọng về vấn đề vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 6, ông Putin đã bày tỏ hy vọng rằng "sẽ không bao giờ" xảy ra một cuộc đối đầu hạt nhân giữa Moscow và phương Tây. Theo ông Putin, Moscow "không có lý do gì để nghĩ đến" việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trước đây, học thuyết hạt nhân cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp một quốc gia khác sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Moscow hoặc nếu "sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa".