1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nói phương Tây "phiêu lưu tự sát", nêu cách chấm dứt xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga cảnh báo Ukraine và các đồng minh phương Tây không nên cố gắng "chiến đấu để giành chiến thắng trước một cường quốc hạt nhân".

Nga nói phương Tây phiêu lưu tự sát, nêu cách chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 28/9 (Ảnh: Reuters).

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gọi những nỗ lực của phương Tây nhằm đánh bại Nga là "một cuộc phiêu lưu tự sát".

"Tôi sẽ không nói ở đây về sự vô nghĩa và nguy hiểm của chính ý tưởng cố gắng chiến đấu để giành chiến thắng trước một cường quốc hạt nhân, đó chính là Nga", ông Lavrov nói.

Ông Lavrov cáo buộc phương Tây sử dụng Ukraine như một công cụ để cố gắng "đánh bại" Nga về mặt chiến lược.

Nhà ngoại giao Nga cũng chỉ trích công thức hòa bình của Ukraine, gọi đây là "tối hậu thư". Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh cho Kiev.

Theo ông Lavrov, Nga ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào liên quan đến việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine, bao gồm cả sáng kiến do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, miễn là các giải pháp đó sẽ giúp loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng.

"Ông Trump đã nói cách đây một khoảng thời gian rằng ông ấy sẽ cần 24 giờ để giải quyết xung đột. Chúng tôi hoan nghênh bất kỳ sáng kiến nào mang lại kết quả mong muốn", ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết "trên cơ sở loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine".

Trong số những nguyên nhân gốc rễ này, ông Lavrov đã chỉ ra mối đe dọa đối với an ninh của Nga từ phương Tây, vốn tìm cách kéo Ukraine vào khối quân sự của mình, trong khi "an ninh là điều cần thiết, không phải là một thuật ngữ trừu tượng, mà là một nhu cầu cơ bản của con người".

Một nguyên nhân gốc rễ khác của cuộc xung đột là sự phân biệt đối xử với cộng đồng nói tiếng Nga, bao gồm thông qua luật cấm sử dụng tiếng Nga, theo ông Lavrov.

"Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: chúng ta cần loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột. Mọi người đều biết đó là gì", ông Lavrov nói thêm.

Ngoại trưởng Nga cũng nhắc lại sắc lệnh của Tổng thống Ukraine cấm đàm phán với Nga.

"Sắc lệnh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cấm đàm phán với Nga vẫn có hiệu lực ở đó, vì vậy tôi thậm chí sẽ không suy đoán về cách họ sẽ giải quyết mọi việc", Ngoại trưởng Lavrov nói.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, những phát biểu công khai của Tổng thống Nga Vladimir Putin về học thuyết hạt nhân đã được lắng nghe.

"Khi chúng tôi nói điều gì đó công khai - đặc biệt là khi tổng thống nói điều gì đó công khai - chúng tôi cho rằng những người quan tâm đến cách tiếp cận của chúng tôi sẽ lắng nghe. Nhưng tôi không thể phán đoán cách họ hiểu điều đó như thế nào", ông Lavrov cho biết.

Ngoại trưởng Nga nói thêm rằng quyết định của phương Tây liên quan đến việc cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công chiến lược vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây "sẽ cho thấy cách họ hiểu những gì họ đã nghe" sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga.

Tổng thống Putin tuần này cảnh báo, theo phiên bản sửa đổi của học thuyết hạt nhân Nga, bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đều có thể được coi là "cuộc tấn công chung" và vượt qua ngưỡng hạt nhân.

Tổng thống Putin cảnh báo, Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân ngay khi nhận được "thông tin đáng tin cậy" về một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn hoặc cuộc không kích do một quốc gia khác tiến hành nhằm vào Nga.

Moscow từng nhiều lần cảnh báo, nếu phương Tây cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí viện trợ, Nga sẵn sàng đáp trả bằng mọi phương tiện sẵn có, kể cả bằng vũ khí hạt nhân.

Theo Tass