1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh luận trong Nhà Trắng về khả năng Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Sau chuyến công du quan trọng tới Kiev, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang thúc giục Tổng thống Biden dỡ bỏ hạn chế về cách Ukraine có thể sử dụng vũ khí của Mỹ trong các cuộc tấn công chống lại Nga.

Tranh luận trong Nhà Trắng về khả năng Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công Nga - 1

Một cuộc tấn công của Ukraine vào Belgorod, Nga, hồi đầu tháng này (Ảnh: Getty).

Kể từ sau những chuyến hàng chở vũ khí tân tiến đầu tiên của Mỹ đến Ukraine, Tổng thống Joe Biden luôn giữ nguyên tắc: Tổng thống Volodymyr Zelensky phải đồng ý không bao giờ sử dụng vũ khí này nhắm vào lãnh thổ Nga, nhấn mạnh rằng, điều đó sẽ vi phạm mệnh lệnh của Nhà Trắng là "tránh làm bùng nổ Thế chiến III".

Nhưng sự đồng thuận xung quanh chính sách đó dường như đang bị lung lay.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đang bùng lên cuộc tranh luận về việc chính phủ cần nới lỏng lệnh cấm để cho phép Ukraine sử dụng những vũ khí như vậy tấn công các địa điểm phóng tên lửa và pháo binh ngay bên kia biên giới với Nga - những mục tiêu mà ông Zelensky cho rằng đã giúp Moscow giành được lãnh thổ gần đây.

Đề xuất này, do Ngoại trưởng Antony Blinken đưa ra sau chuyến thăm quan trọng tới Kiev vào tuần trước, vẫn đang trong giai đoạn hình thành và không rõ có bao nhiêu nhân vật trong đội ngũ thân cận của Tổng thống Biden đã ký tên.

Các quan chức cho biết, đề xuất này vẫn chưa được chính thức trình lên Tổng thống Biden, nhà lãnh đạo vốn nổi tiếng thận trọng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller từ chối bình luận về các cuộc thảo luận nội bộ về chính sách Ukraine, bao gồm cả báo cáo của Ngoại trưởng Blinken sau khi ông trở về từ Kiev.

Nhưng các quan chức tham gia thảo luận cho biết ông Blinken đã thay đổi quan điểm vì lực lượng Nga đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến, với kết quả tàn khốc.

Nga đặt vũ khí ngay bên kia biên giới từ phía đông bắc Ukraine và nhắm vào Kharkov, trong khi Ukraine sẽ chỉ có thể sử dụng máy bay không người lái không phải của Mỹ và các loại vũ khí khác để nhắm mục tiêu của Moscow nhằm đáp trả.

Trong nhiều tháng qua, Ukraine tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các tàu, cơ sở dầu mỏ và nhà máy điện của Nga, nhưng chủ yếu sử dụng máy bay không người lái do chính Ukraine sản xuất, vốn không có sức mạnh và tốc độ như vũ khí của Mỹ.

Và thực tế là phía Nga ngày càng bắn hạ được nhiều máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine hoặc khiến chúng đi lạc hướng nhờ các kỹ thuật tác chiến điện tử được cải tiến.

Giờ đây, áp lực đang gia tăng đối với Mỹ trong việc giúp Ukraine nhắm mục tiêu vào các địa điểm quân sự của Nga, ngay cả khi Washington muốn duy trì lệnh cấm tấn công các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng khác của Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Chính phủ Anh, vốn thường sát cánh cùng Washington về chiến lược chiến tranh, đã âm thầm dỡ bỏ các hạn chế của mình để Kiev có thể sử dụng các hệ thống tên lửa hành trình "Storm Shadow" nhắm vào các mục tiêu Nga. Theo các chuyên gia, tên lửa "Storm Shadow" mà Anh viện trợ cho Ukraine có tầm bắn hơn 250km, cùng các công nghệ dẫn đường hiện đại, được kỳ vọng mở ra sức mạnh phản công cho Ukraine.

Trong chuyến thăm Kiev ngay trước chuyến thăm của người đồng cấp Blinken, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho rằng Ukraine "hoàn toàn có quyền tấn công đáp trả Nga".

Mỹ hiện đang xem xét việc huấn luyện binh sĩ Ukraine ở ngay trong nước thay vì gửi họ đến một cơ sở huấn luyện ở Đức. Điều này đòi hỏi phải đưa quân nhân Mỹ đến Ukraine, một điều mà ông Biden vẫn ra lệnh cấm cho đến nay.

Nó đặt ra câu hỏi Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu các huấn luyện viên, những người có thể phải đóng quân gần thành phố Lviv phía tây Ukraine, bị tấn công. Các lực lượng Nga vẫn định kỳ nhắm mục tiêu tấn công vào Lviv, mặc dù nó ở xa các khu vực tiền tuyến chính.

Và Mỹ cũng đã có một số gợi ý khác về sự thay đổi trong những ngày gần đây.

Nhưng theo các nguồn tin, Tổng thống Biden và một số trợ lý của ông rõ ràng vẫn rất khó để thuyết phục. Trong năm qua, Nhà Trắng vẫn luôn đặt ra một "ranh giới đỏ" trong vấn đề Ukraine nhằm tránh gây ra phản ứng gay gắt hơn từ Nga.

Washington không biết chính xác vị trí "ranh giới đỏ" ở đâu hoặc Nga có thể phản ứng như thế nào nếu ranh giới đó bị vượt qua nhưng luôn thận trọng để tránh để mọi thứ đi quá xa.

Theo New York Times