1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông John McCain đề xuất quỹ giúp các nước châu Á đối phó Trung Quốc

(Dân trí) - Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, đã đề xuất cung cấp hàng trăm triệu USD nhằm trợ giúp huấn luyện và trang bị cho lực lượng vũ trang của các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ John McCain (Ảnh:
Thượng nghị sĩ John McCain (Ảnh: Guaridan)
 
Ông McCain đã đưa ra đề xuất "Sáng kiến Biển Đông" trong một phần chỉnh sửa của Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng 2016, dự kiến được đưa ra bỏ phiếu phê chuẩn vào cuối năm nay.

Đề xuất cho phép cung cấp tới 425 triệu USD trong vòng 5 năm cho các quốc gia, trong đó có Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam để mua "thiết bị, quân nhu, huấn luyện và xây dựng quân sự quy mô nhỏ".

Chỉnh sửa trên đã được Ủy ban quân vụ Thượng viện thông qua hôm 14/5, với tỷ lệ 22 phiếu ủng hộ/4 phiếu chống, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Việc chỉnh sửa này cần được Thượng viện và Hạ viện phê chuẩn. Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu về Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng 2016 vào cuối năm nay.

Đề xuất của Thượng nghị sĩ McCain diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.

Ngày 29/5, Mỹ cho biết Trung Quốc đã đặt các hệ thống pháo di động trên một đảo nhân tạo ở Biển Đông, một động thái mà ông McCain gọi là "gây lo ngại và làm leo thang căng thẳng".

Phát biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/5 trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, ông McCain nói rằng Mỹ cần "thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục các hành động kiểu này".

Washington đã bày tỏ lo ngại về tốc độ và quy mô hoạt động bồi đắp của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington nói rằng hoạt động bồi đắp của Trung Quốc đã bổ sung hơn 800 ha tại 5 tiền đồn ở Trường Sa, trong đó có hơn 600 ha chỉ từ đầu năm tới nay.

Mỹ đã triển khai bổ sung các nguồn lực quân sự tới châu Á-Thái Bình Dương, một phần trong chiến lược tái cân băng sang châu Á và trợ giúp tăng cường khả năng phòng phủ của các quốc gia trong khu vực cũng như hối thúc một lập trường đoàn kết hơn nhằm đối phó với Trung Quốc.

Một số quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Philippines và Việt Nam, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng khối này về tổng thể vẫn bị chia rẽ về vấn đề Biển Đông và miễn cưỡng can thiệp.

An Bình