Ông Biden tiết lộ cuộc trò chuyện 10 năm trước với ông Tập Cận Bình
(Dân trí) - Không lâu sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại cuộc trò chuyện giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây 10 năm.
"Cách đây rất lâu rồi, tôi và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau ở cao nguyên Tây Tạng. Trong bữa tối, thông qua phiên dịch viên, ông ấy hỏi liệu tôi có thể định nghĩa về nước Mỹ không. Tôi nói là tôi có thể làm việc đó chỉ với một từ: khả năng. Chúng tôi tin rằng mọi việc đều có thể nếu chúng tôi đặt mục tiêu để đạt được", báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Biden nói trong sự kiện trực tuyến trong khuôn khổ lễ nhậm chức ngày 20/1.
Ông Biden nói thêm: "Tôi cho rằng, có những thời điểm trong lịch sử, đất nước của chúng ta phải đối mặt với thách thức thậm chí lớn hơn hiện nay. Lịch sử sẽ đánh giá chúng ta, người dân Mỹ sẽ đánh giá chúng ta dựa trên tiêu chí trung thực, thông minh và danh dự khi chúng ta quan tâm đến lợi ích của họ".
Cuộc gặp mà ông Biden đề cập đến dường như là cuộc gặp vào năm 2011 nhân chuyến thăm Trung Quốc khi ông còn là Phó tổng thống Mỹ và ông Tập là Phó chủ tịch Trung Quốc.
Ông Biden không liên hệ câu chuyện với bất cứ vấn đề nào trong quan hệ song phương Mỹ - Trung, cũng như không đề cập đến bất cứ nguyên thủ hay quốc gia nào trong bài phát biểu 10 phút. Ông Biden cũng tránh những bình luận tiêu cực về các mâu thuẫn trong quan hệ song phương - trái ngược với phong cách của người tiền nhiệm Donald Trump.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump từng nhiều lần dành lời ca ngợi cho ông Tập Cận Bình, nhưng ông vẫn có những quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, đặc biệt sau khi đại dịch bùng phát mạnh ở Mỹ. Chính quyền của ông Trump cáo buộc vi rút gây Covid-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc và rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho Mỹ và thế giới. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống ngay cả khi hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Ông Biden từng tuyên bố sẽ duy trì chính sách áp thuế với hàng hóa Trung Quốc sau khi nhận nhiệm sở. Ông cũng tuyên bố sẽ theo đuổi các chính sách nhằm vào "những hành vi lạm dụng" của Trung Quốc, như "đánh cắp sở hữu trí tuệ, bán phá giá hàng hóa, trợ cấp bất hợp pháp cho doanh nghiệp" và việc "chuyển giao công nghệ" ép buộc cho đối tác Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng, chính quyền của ông Biden có thể sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với Trung Quốc dù không căng thẳng như chính quyền tiền nhiệm. Ông Antony Blinken, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chọn làm ngoại trưởng, hôm 19/1 phát biểu trong phiên điều trần trước quốc hội rằng Trung Quốc đã và đang đặt ra thách thức cho Mỹ lớn hơn bất cứ quốc gia nào.
"Tôi tin ông Trump đã đúng đắn khi có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tôi rất không đồng ý với cách mà ông ấy thực hiện trong một số lĩnh vực nhưng nguyên tắc cơ bản là đúng. Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự hữu ích đối với chính sách đối ngoại của chúng tôi", ông Blinken nói.