1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Omicron lan nhanh, các nước "căng mình" đối phó

Minh Phương

(Dân trí) - Trong khi nhiều nước gần như ngay lập tức áp lệnh hạn chế đi lại với một số quốc gia châu Phi, số khác thậm chí đóng cửa hoàn toàn biên giới với người nước ngoài để ngăn biến chủng Omicron xâm nhập.

Omicron lan nhanh, các nước căng mình đối phó - 1

Ít nhất 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đã hạn chế đi lại với một số nước châu Phi do lo ngại biến chủng Omicron (Ảnh: Reuters).

Theo cập nhật của CNN, tính đến ngày 29/11, ít nhất 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban bố lệnh hạn chế đi lại với một số nước châu Phi do lo ngại biến chủng Omicron. Ngoài ra, Nhật Bản và Israel quyết định đóng cửa hoàn toàn biên giới với người nước ngoài để ngăn biến chủng này sau khi nó đã xuất hiện ở ít nhất 14 quốc gia, vùng lãnh thổ trong thời gian ngắn.

Đóng cửa biên giới

Giới chức Nhật Bản hôm nay 29/11 thông báo, nước này sẽ tạm thời ngừng nhập cảnh đối với toàn bộ công dân nước ngoài bắt đầu từ ngày 30/11. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, biện pháp này là cần thiết "nhằm tránh kịch bản xấu nhất".

Theo đó, tất cả công dân nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản từ 0h đêm nay cho đến khi có nhiều thông tin rõ ràng hơn về biến chủng Omicron. Thủ tướng Kishida cho biết thêm, một trong số 32 hành khách đến từ châu Phi nhập cảnh Nhật Bản gần đây đã dương tính với SARS-CoV-2. Giới chức y tế Nhật Bản đang phân tích giải trình tự gen để xác định người này có nhiễm biến chủng Omicron hay không.

Trước đó, Israel cũng thông báo đóng cửa biên giới với toàn bộ công dân nước ngoài để ngăn chặn sự xâm nhập của Omicron. Lệnh đóng biên có hiệu lực 14 ngày kể từ ngày 28/11.

Lý giải về quyết định trên, Bộ trưởng Nội vụ Israel Ayelet Shaked nói: "Giả thuyết của chúng tôi là biến chủng Omicron đã có mặt gần như tại mọi quốc gia trên thế giới". Công dân Israel về nước, kể cả đã tiêm vaccine, vẫn phải cách ly y tế.
Israel hy vọng, trong thời gian hai tuần đóng cửa biên giới, giới khoa học sẽ có thêm thông tin về Omicron cũng như biện pháp ứng phó với nó. Israel đến nay đã phát hiện một ca nhiễm Omicron và 7 ca nghi nhiễm.

Siết quy định nhập cảnh, tái áp đặt biện pháp phòng dịch

Omicron lan nhanh, các nước căng mình đối phó - 2

Việc tăng cường xét nghiệm là cần thiết để hạn chế đà lây lan của Omicron (Ảnh: Reuters).

Nhiều nước khác trên thế giới cũng siết lại các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh. Ấn Độ điều chỉnh quy định nhập cảnh, theo đó, toàn bộ người nhập cảnh phải khai báo y tế trực tuyến, có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72h.

Hành khách đến từ các quốc gia bị coi có nguy cơ cao phải tuân thủ các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, bao gồm xét nghiệm PCR khi nhập cảnh tại sân bay và tiếp tục cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú 7 ngày.

Các nước châu Âu là những nước áp hạn chế đi lại với châu Phi sớm nhất trong bối cảnh khu vực này cũng đang phải đối phó với một đợt bùng dịch mới.

Giới chức Hà Lan đang ráo riết xét nghiệm hơn 5.000 hành khách trên các chuyến bay từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe kể từ ngày 22/11 sau khi phát hiện 61 ca dương tính SARS-CoV-2 trên hai chuyến bay từ Nam Phi hôm 26/11. Ít nhất 13 trong số 61 trường hợp này đã có kết quả giải trình tự gen cho thấy nhiễm biến chủng Omicron. Trong bối cảnh số ca Covid-19 trong ngày liên tục lập kỷ lục, vượt 20.000 ca/ngày, Hà Lan đã tái áp đặt các biện pháp như yêu cầu nhà hàng, quán bar đóng cửa trước 17h hàng ngày.

Các nước như Tây Ban Nha, Đức, Cộng hòa Séc, Italy, Pháp thông báo ngừng các chuyến bay từ một số nước châu Phi, yêu cầu công dân trở về nước phải có chứng nhận tiêm chủng và phải cách ly 14 ngày.

Trong khi đó, tại Anh, quốc gia vốn đã dỡ bỏ toàn bộ lệnh hạn chế từ tháng 7 để trở lại cuộc sống bình thường, giới chức nước này thông báo sẽ áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng. tất cả người nhập cảnh vào Anh giờ đây sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ hai sau khi đến Anh và phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính. Tất cả những người tiếp xúc với các ca nhiễm biến thể mới sẽ phải tự cách ly, ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Anh đến nay đã ghi nhận 2 ca nhiễm biến chủng Omicron đều có lịch sử di chuyển đến nam châu Phi.

Phản ứng nhanh chóng của các nước cho thấy sự lo ngại lớn về Omicron. Giới chuyên gia cảnh báo, với số lượng đột biến nhiều chưa từng có, Omicron có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ né miễn dịch hơn so với các chủng cũ của SARS-CoV-2. Giới chức các nước và nhiều chuyên gia cho rằng, các biện pháp hạn chế đi lại với châu Phi vào thời điểm này là cần thiết để giới khoa học có thêm thời gian nghiên cứu về Omicron, trong khi các nước có thể thúc đẩy chương trình tiêm chủng, mở rộng độ phủ vaccine.

Tuy nhiên, giới chức Nam Phi chỉ trích các lệnh hạn chế đi lại, cho rằng các nước đang thổi phồng nguy cơ từ Omicron.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla hôm 26/11 chỉ trích các nước "muốn đổ lỗi" và gán biến chủng mới này cho Nam Phi thay vì hợp tác để giải quyết tình hình theo hướng dẫn của WHO.

"Covid-19 là tình huống y tế khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Chúng ta phải hợp tác, không phải trừng phạt nhau. Các cuộc săn phù thủy không có lợi cho bất kỳ ai. Nam Phi muốn trở thành người chơi trung thực trên thế giới, chia sẻ thông tin sức khỏe để mang lại lợi ích cho người dân Nam Phi và trên thế giới", Bộ trưởng Phaahla nói.