1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Omicron bùng phát mạnh, thế giới thấp thỏm trước thềm năm mới

Minh Phương

(Dân trí) - Thay vì các bữa tiệc và các cuộc đoàn tụ được chờ đợi từ lâu, người dân khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng dịch Covid-19 bùng phát mạnh do Omicron, bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Omicron bùng phát mạnh, thế giới thấp thỏm trước thềm năm mới  - 1

Chính phủ các nước có những động thái khác nhau trong việc áp đặt hạn chế ngăn đà lây lan của Covid-19 dịp năm mới (Ảnh: AFP).

Do sự lây lan của Omicron trước thềm năm mới, các chính phủ đang đưa ra các biện pháp với mức độ khác nhau để khống chế dịch. Một số chính phủ tái áp đặt các biện pháp ngay lập tức, trong khi các chính phủ khác do dự cản trở các bữa tiệc năm mới.

Tại Anh, nơi Omicron khiến số ca nhiễm tăng lên mức kỷ lục, Bộ trưởng Y tế Sajib Javid hôm 27/12 cho biết, sẽ không có biện pháp hạn chế nào được đưa ra trước thềm năm mới.

Số ca lây nhiễm hằng ngày tại Anh đang ở mức hơn 100.000 ca, và tỉ lệ nhập viện tăng hơn 70% vào Giáng sinh so với một tuần trước đó. 

"Khi bước sang năm mới, tất nhiên chúng ta sẽ xem xét liệu có cần ban hành thêm các biện pháp hạn chế hay không, nhưng ít nhất là sẽ chưa có thêm biện pháp nào cho tới lúc đó", Bộ trưởng Javid cho biết.

Trong khi đó, ở những nơi khác tại Vương quốc Anh, các hộp đêm đã được yêu cầu đóng cửa, quy định hạn chế tụ tập được áp dụng tại Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales khiến nước Anh chia rẽ về các biện pháp ứng phó cuộc khủng hoảng Covid-19.

Tại Hà Lan, giới chức nước này đã yêu cầu đóng tất cả các cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar và cho học sinh nghỉ học dài ngày. Đây có thể coi là một đợt phong tỏa mới ở quốc gia này.

Tại Bỉ, những biện pháp hạn chế mới được áp dụng vào ngày thứ hai và các ngày cuối tuần. Theo đó, hoạt động tụ tập mua sắm bị cấm, rạp chiếu phim và sân khấu hòa nhạc bị buộc đóng cửa vào đúng kỳ nghỉ lễ.

Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex thông báo một loạt biện pháp mới sẽ được đưa ra sau năm mới vào tuần tới. Cụ thể, các sự kiện lớn ở không gian trong nhà sẽ được giới hạn không quá 2.000 người tham dự, và không quá 5.000 người ở ngoài trời. Hoạt động ăn uống sẽ bị cấm ở các nhà hát, trên các phương tiện công cộng và các trung tâm thể thao. Người lao động phải làm việc ở nhà ít nhất 3 ngày mỗi tuần.

Pháp cũng dự kiến bỏ phiếu một dự luật vào tháng tới về việc ban hành "thẻ xanh Covid-19". Theo đó, người muốn đến các nơi công cộng như nhà hàng, quán bar và rạp chiếu phim phải có thẻ chứng nhận đã tiêm chủng.

Những biện pháp này được đưa ra sau khi Pháp lần đầu tiên ghi nhận kỷ lục hơn 100.000 ca nhiễm Covid-19 trong một ngày kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc tiêm vaccine, mũi tăng cường và việc xét nghiệm nhanh. New York yêu cầu gần như tất cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ không cho phép các nhân viên chưa tiêm vaccine đến nơi làm việc bắt đầu từ ngày 27/12.

Thông báo được đưa ra 3 tuần trước, ngay sau khi biến chủng Omicron được ghi nhận tại Mỹ.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci, cảnh báo rằng với chủng Omicron, "tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tốt lên". Ông nói rằng, các nhà chức trách nên cân nhắc nghiêm túc việc yêu cầu các hành khách trên chuyến bay nội địa phải được tiêm chủng.

"Khi bạn coi việc tiêm chủng là một yêu cầu, đó là một động lực khác để có thêm nhiều người tiêm chủng," ông Fauci nói với đài MSNBC.

Omicron đã buộc hàng nghìn chuyến bay phải hủy hoặc hoãn trên khắp thế giới do sự thiếu hụt nhân viên liên quan đến virus và các kế hoạch hạn chế đi lại.

Theo trang web theo dõi các chuyến bay FlightAware, hơn 2.700 chuyến bay đã bị hủy châu Âu tính đến đầu tuần này, và khoảng 1.100 chuyến ở Mỹ cũng bị hủy.

Omicron được cho là có khả năng lây lan cao hơn so với các chủng khác của SARS-CoV-2, nhưng những dự đoán ban đầu cho rằng biến chủng này có thể gây ra bệnh nhẹ hơn. Sự không chắc chắn này làm cho các chính phủ phải phỏng đoán và dẫn đến các chiến lược khác nhau để ngăn chặn sự gia tăng các ca Covid-19.

Tại Hy Lạp, các nhà chức trách thông báo về các biện pháp hạn chế có hiệu lực sau năm mới, sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục gần 9.300 ca nhiễm.

Bộ trưởng Y tế Thanos Plevris cho biết, bắt đầu từ ngày 3/ 1, người đến các siêu thị, phương tiện giao thông công cộng sẽ buộc phải đeo khẩu trang có khả năng bảo vệ cao hoặc hai lớp. Các điểm giải trí sẽ đóng cửa trước nửa đêm, các sân vận động sẽ phải giảm công suất 10% bên cạnh các biện pháp khác.

Các nước khác tại châu Âu cũng do dự đưa ra thêm những biện pháp hạn chế mới đối với công dân của mình.

Tại Ba Lan, hiện tại các hộp đêm bị đóng cửa, nhưng sẽ được cho phép mở cửa trở lại từ đêm giao thừa, do chính phủ không muốn đi ngược lại ý muốn của nhiều cử tri phản đối các biện pháp hạn chế và việc bắt buộc tiêm chủng.

Nga cũng chào đón năm mới với ít các biện pháp hạn chế. Nhiều biện pháp phòng ngừa sẽ được gỡ bỏ trong suốt kỳ nghỉ lễ 10 ngày bắt đầu từ đêm giao thừa. Nga cũng không áp đặt bất kì biện pháp hạn chế đi lại nào. Cơ quan thống kê Rostat ước tính, từ giữa tháng 4/2020 đến tháng 10/2021, Nga có 537.000 người tử vong do Covid-19.