Omicron thành chủng thống trị ở nhiều nước, WHO cảnh báo nguy cơ quá tải
(Dân trí) - Omicron đang trở thành chủng trội ở nhiều quốc gia trên thế giới và được cho là nguyên nhân chính khiến số ca mắc mới tăng vọt ở các nước này.
Omicron thành chủng trội, nhiều nước lập kỷ lục ca nhiễm
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 được cho là nguyên nhân chính đằng sau đợt bùng phát Covid-19 mạnh nhất từ trước đến nay ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong ngày 28/12, hàng loạt quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy kể từ đầu dịch.
Guardian dẫn số liệu của Đại học Johns Hopkins, cho biết trong vòng 24h qua, nước này ghi nhận hơn 512.000 ca Covid-19 mới, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Con số kỷ lục trước đó là hơn 294.000 ca/ngày hôm 8/1/2021.
Nhiều nước châu Âu cũng ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục. Pháp hôm qua có thêm xấp xỉ 180.000 ca Covid-19 mới, cao nhất kể từ đầu dịch, tăng hơn 75.000 ca so với kỷ lục trước đó vào ngày 25/12.
Số liệu từ Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết, trong ngày 28/12, Anh có thêm gần 129.500 ca mắc mới.
Số ca nhiễm trong ngày ở Hy Lạp cán mốc kỷ lục gần 22.000 ca, tăng hơn 2 lần so với một ngày trước đó.
Trong khi đó, Đan Mạch, nước từng tuyên bố thoát đại dịch nhờ tiêm chủng nhanh chóng, trở thành quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất thế giới với 1.612 ca trên 100.000 người. 5 nước có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới trong 7 ngày qua đều ở châu Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra, điều này một phần có thể do các nước này có tỷ lệ xét nghiệm cao.
Tại Bồ Đào Nha, trong vòng 24h qua, nước này ghi nhận hơn 17 triệu ca nhiễm, cao nhất từ trước đến nay.
Mặc dù mới được phát hiện từ tháng trước nhưng Omicron đã trở thành biến chủng trội ở nhiều nước như Mỹ, Đan Mạch, Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Thụy Sĩ. Các chuyên gia cảnh báo Omicron có thể trở thành chủng thống trị ở châu Âu vào đầu tháng tới.
Guardian dẫn số liệu của giới chức Bồ Đào Nha cho biết, Omicron hiện chiếm khoảng 61,5% số ca mắc mới ở nước này bất chấp Bồ Đào Nha có độ phủ vaccine lớn. Theo số liệu chính thức, khoảng 87% dân số Bồ Đào Nha đã được tiêm chủng đầy đủ, khoảng 20% đã được tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường. Tỷ lệ tiêm chủng ở Bồ Đào Nha chỉ thấp hơn Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Nguy cơ hệ thống y tế quá tải
Số ca mắc mới tăng mạnh cùng với sự xuất hiện của Omicron nhưng hầu hết các nước nhận thấy tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do Covid-19 trong đợt bùng phát này thấp hơn nhiều so với các làn sóng trước kia. Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, Omicron có thể khiến các hệ thống y tế quá tải bất kể nó chỉ gây triệu chứng nhẹ hơn.
Bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO tại châu Âu, nói: "Sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron vẫn có thể kéo theo số bệnh nhân Covid-19 nhập viện gia tăng, nhất là ở những người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19". Bà nhấn mạnh, tình trạng này sẽ gây ra sự gián đoạn trên diện rộng trong hệ thống y tế cũng như các dịch vụ quan trọng khác.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên hồi tháng 11 tại châu Phi. Các dữ liệu ban đầu cho thấy, biến chủng này dễ lây lan hơn so với các chủng khác của SARS-CoV-2. Số liệu thực tế cho thấy, các bệnh nhân nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng trước kia, nhưng giới khoa học nhấn mạnh, còn quá sớm để khẳng định mức độ nghiêm trọng của nó.
WHO trong tháng này khuyến cáo, các nước vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống y tế để tránh nguy cơ bị quá tải do làn sóng lây nhiễm Omicron gây ra.