1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

"Obama đã biết về vụ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức"

(Dân trí) - Báo chí Đức ngày 27/10 đưa tin Tổng thống Mỹ Obama đã được thông báo về hoạt động nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Merkel, hoạt động được thực hiện từ đầu năm 2002, nhưng ông không hề ngăn cản.

 

 

Tờ


Tờ Bild am Sonntag của Đức ngày 27/10 dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho hay người đứng đầu Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Keith Alexander đã báo cáo cho Obama về hoạt động nghe lén bà Merkel vào năm 2010. “Obama đã không ngừng hoạt động nghe lén mà để nó tiếp tục”, tờ báo dẫn lời một quan chức cấp cao của NSA cho hay.

 

Trong khi đó tờ tuần báo Der Spiegel của Đức, sau khi tiếp cận được tài liệu mật của NSA, ngày 26/10 cho biết điện thoại của bà Merkel có vẻ như nằm trong danh sách các mục tiêu bị theo dõi từ năm 2002 và vẫn bị theo dõi vài tuần trước khi ông Obama tới thăm Berlin vào tháng 6 vừa qua.

 

Trong bối cảnh cảm giác bị phản bội lan rộng khắp các thủ đô trên thế giới, lãnh đạo châu Âu hiện đang kêu gọi ký kết một thỏa thuận mới với Washington về thu thập thông tin tình báo. Đức sẽ cử các lãnh đạo tình báo tới Washington vào tuần tới để yêu cầu câu trả lời cho vụ việc. Trong khi đó hàng ngàn người ngày 26/10 đã tuần hành tới tòa nhà quốc hội Mỹ đòi giới hạn hoạt động của NSA.

 

Tổng thống Thụy Sỹ Ueli Maurer đã cảnh báo vụ bê bối có nguy cơ “làm xói mòn niềm tin giữa hai nhà nước”. Bản thân Thủ tướng Đức Merkel đã đối chất với ông Obama về cáo buộc nghe lén qua điện thoại vào ngày thứ tư vừa qua. Berlin cũng triệu đại sứ Mỹ lên sau khi cáo buộc được đưa ra. Tờ Der Spiegel cho hay, trong cuộc điện đàm giữa Obama-Merkel, ông Obama đã khẳng định ông không hề hay biết về hoạt động nghe lén điện thoại của bà Merkel và nếu biết ông đã lập tức ngăn chặn.

 

Nhà Trắng cũng cho biết hiện họ không theo dõi các cuộc gọi của bà Merkel và sẽ không làm như vậy trong tương lai. Tuy nhiên, họ không nói rõ có theo dõi điện thoại của bà trong quá khứ hay không.

 

2 điện thoại bị giám sát

 

Tờ Bild am Sonntag cho hay ông Obama đã muốn được thông báo chi tiết về bà Merkel, người đóng vai trò then chốt trong cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và được xem là nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu.

 

Tờ báo cho biết, vì vậy mà NSA tăng cường giám sát các liên lạc của bà, không chỉ có điện thoại di động bà sử dụng để trao đổi công việc trong đảng của mình mà cả điện thoại chính thức được mã hóa bà Merkel mới có từ mùa hè.

 

Tờ Bild cũng cho hay, các chuyên gia tình báo Mỹ khi đó có thể theo dõi nội dung cuộc gọi của bà cũng như tin nhắn và bà Merkel hàng ngày gửi hàng chục tin nhắn cho các trợ lý chính.

Cũng theo tờ báo này, chỉ có điên thoại cố định được bảo vệ đặc biệt trong văn phòng bà Merkel là nằm ngoài tầm với của NSA. Và sau đó, NSA gửi thẳng thông tin thu thập được tới Nhà Trắng, bỏ qua cả trụ sở của cơ quan này ở Fort Meade, Maryland.

 

Tờ BildSpiegel đều khẳng định có một tổ đặc biệt nằm ở trên tầng bốn của tòa sứ quán Mỹ tại trung tâm Berlin, cách trụ sở chính phủ Đức trong gang tấc, thực hiện nhiệm vụ trên.

 

Spiegel dẫn một tài liệu mật năm 2010 cho thấy tình báo Mỹ đã có 80 văn phòng theo dõi công nghệ cao như vậy trên khắp thế giới, như ở Paris, Madrid, Rome, Prague, Geneva và cả Frankfurt.

 

Nếu hoạt động theo dõi bà Merkel bắt đầu năm 2002, có nghĩa là Mỹ từ thời Tổng thống George W. Bush đã nhắm tới bà Merkel, khi bà vẫn đang làm lãnh đạo phe đối lập và 3 năm trước khi bà lên làm thủ tướng.

 

Tờ Bild cho hay người tiền nhiệm của bà Merkel, cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder, cũng nằm trong tầm ngắm của NSA, bởi ông phản đối mạnh mẽ cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq và ông có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Putin.

 

Trong bối cảnh Berlin đang sục sôi tức giận, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho biết với tờ Bild, “Theo dõi là một tội ác và những ai chịu trách nhiệm phải bị đem ra trước công lý.”

 

Một cuộc thăm dò của tờ báo cho thấy 76% người Đức cho rằng Obama phải xin lỗi vì vụ việc trong khi 60% khẳng định vụ việc gây tổn hại tới mối quan hệ giữa Đức và Mỹ.

 

Vụ bê bối hiện nay bắt nguồn từ những tài liệu mà cựu nhà thầu quân sự Mỹ, người bị cáo buộc là “kẻ phản bội nước Mỹ” Edward Snowden hé lộ. Theo tờ Bild, giờ đây các nghị sỹ Đức muốn được chất vấn Snowden. “Thông tin của Snowden dường như đáng tin cậy, trong khi chính phủ Mỹ có vẻ đã nói dối chúng ta”, một nghị sỹ cấp cao của Đức đánh giá.

 

Vũ Quý

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm