1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giám đốc tình báo Mỹ khăng khăng cần phải do thám đồng minh

(Dân trí) - Điều trần trước Ủy ban tình báo Hạ viện ngày 29/10, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper quả quyết việc do thám các đồng minh nước ngoài là cần thiết. Trong khi đó giám đốc NSA thì một mực bác bỏ các cáo buộc của báo giới châu Âu.

Ông Clapper cùng lãnh đạo NSA điều trần tại Hạ viện
Ông Clapper cùng lãnh đạo NSA điều trần tại Hạ viện

Các chương trình do thám của Mỹ hậu sự kiện 11/9 đang vấp phải sự chỉ trích ngày càng mạnh mẽ cả trong và ngoài nước, nhất là sau một loạt tiết lộ gần đây rằng Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) đã nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức và 34 nhà lãnh đạo thế giới khác. Những thông tin này được báo giới đăng tải dựa trên tiết lộ của cựu điệp viên CIA Edward Snowden.

Ngay cả các lãnh đạo tại quốc hội Mỹ, những người từng nhiệt tình ủng hộ các chương trình của NSA cũng khẳng định đã đến lúc phải kiểm tra kỹ lưỡng. Trong khi đó Nhà Trắng ngày hôm qua cho biết Tổng thống Obama đã ra lệnh rà soát toàn diện các chương trình do thám và đang cân nhắc những thay đổi.

Trả lời trước Ủy ban tình báo Hạ viện, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper khẳng định, chương trình theo dõi bí mật đối với hàng triệu cuộc điện thoại và email của người Mỹ là thiết yếu để bảo vệ đất nước trước những kẻ khủng bố.

Ông cũng bác bỏ sự phản đối của các đồng minh châu Âu về việc cơ quan này do thám các lãnh đạo của họ, và tuyên bố các đồng minh của Mỹ cũng do thám Mỹ.

“Điều đó vẫn diễn ra một cách mạnh mẽ”, Clapper khẳng định.

Ông cũng khẳng định rằng trong suốt 50 năm làm việc của mình trong ngành tình báo, “nguyên lý cơ bản” đó là phải thu thập những thông tin mật về các nhà lãnh đạo nước ngoài, cho dù bằng cách theo dõi các phương tiện thông tin hay thông qua các nguồn khác, để tìm hiểu xem “liệu những gì họ nói có phù hợp với thực tế đang diễn ra”.

Khi chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mike Rogers đặt câu hỏi liệu các đồng minh có tiến hành các hoạt động gián điệp tương tự với các nhà lãnh đạo Mỹ, ông Clapper đáp lại “chắc chắn là vậy”.

Cũng trong buổi điều trần, giám đốc NSA, tướng Keith Alexander, đã tuyên bố rằng Mỹ không một mình thu thập các dữ liệu tại châu Âu, như báo giới đăng tải trong tuần qua và khiến sự chỉ trích tại khắp lục địa già lên cao.

Alexander khẳng định Mỹ được các đồng minh NATO cung cấp các dữ liệu này sau khi thu thập từ khắp nơi trên thế giới, như một phần của chương trình bảo vệ các lợi ích quân sự. Ông cũng bác bỏ việc chương trình theo dõi nhắm tới các công dân châu Âu, nhưng không cho biết chi tiết. Vị giám đốc NSA gọi các bài báo đó là “hòan toàn sai”.

Đối với việc do thám người Mỹ, các lãnh đạo tình báo nước này khẳng định điều đó là cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Chính quyền của Tổng thống Obama bác bỏ mạnh mẽ những nỗ lực chấm dứt các chương trình do thám nội địa, vốn khiến người Mỹ giận dữ.

Bản thân chủ tịch Rogers cũng hối thúc các nhà lập pháp Mỹ không loại bỏ một công cụ điều tra quan trọng.

“Chúng ta không thể yêu cầu FBI tìm ra những kẻ khủng bố đang âm mưu thực hiện một vụ tấn công nhưng không cung cấp cho họ những thông tin họ cần”, ông Rogers nói.

Một bản kế hoạch của lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ được đề xuất ngày 29/10 sẽ chấm dứt hoạt động theo dõi điện thoại diện rộng, mà chỉ cho phép chính phủ tìm kiếm dữ liệu điện thoại trong các cuộc điều tra nghi phạm khủng bố đang tiếp diễn.

Trong một sự đồng thuận hiếm hoi, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid và chủ tịch Hạ viện John Boehner ngày hôm qua tuyên bố đã đến lúc phải rà soát kỹ lưỡng các chương trình của NSA. Trước đây cả hai nghị sỹ này đều ủng hộ mạnh mẽ cho những chương trình này.

Chủ tịch Ủy ban tình báo thượng viện Dianne Feinstein cũng đã kêu gọi tiến hành “rà soát tổng thể toàn bộ các chương trình tình báo”, sau các cáo buộc nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức Merkel.

Thanh Tùng
Theo AP