1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Nút thắt cổ chai" có thể khiến Ukraine khó tận dụng uy lực phi đội F-16

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine thiếu cả tiêm kích lẫn phi công để có thể tận dụng tối đa uy lực của máy bay F-16 do Mỹ sản xuất và họ đối diện với "nút thắt cổ chai" trong nỗ lực hỗ trợ của phương Tây.

Nút thắt cổ chai có thể khiến Ukraine khó tận dụng uy lực phi đội F-16 - 1

Một máy bay chiến đấu F-16 của Đan Mạch (Ảnh: Reuters).

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, Ukraine đang phải đối mặt với những "nút thắt cổ chai" có thể hạn chế khả năng tận dụng uy lực của đội máy bay chiến đấu F-16 do các đồng minh phương Tây cung cấp.

Viện trợ nước ngoài rất quan trọng đối với các nỗ lực quốc phòng của Kiev trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine bắt đầu hơn 2 năm trước.

Các đồng minh của Ukraine chuẩn bị cung cấp cho nước này máy bay chiến đấu F-16, nhưng các thông tin gần đây cho thấy họ đang gặp khó khăn trong việc đào tạo đủ phi công để lái chúng.

Ukraine chuẩn bị nhận hơn 60 chiếc F-16 từ Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy, theo Politico. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine đã nhiều lần đề nghị các đồng minh hỗ trợ đào tạo thêm phi công vì tốc độ huấn luyện rất chậm chạp, không theo kịp số máy bay mà Kiev được cam kết viện trợ. 

ISW nhận định, đây là thách thức lớn của Ukraine trong thời gian tiếp theo.

"Những hạn chế về khả năng của phương Tây trong việc đào tạo phi công Ukraine điều khiển máy bay chiến đấu F-16 đang tạo ra những nút thắt cổ chai sẽ ảnh hưởng đến khả năng triển khai F-16 một cách hiệu quả của Kiev trong tương lai", ISW nhận định.

Vào tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết  nước này sẽ cần khoảng 120 đến 130 máy bay chiến đấu tiên tiến để "đạt được sự ngang bằng về không quân với Nga", theo ISW.

Tuy nhiên, theo ISW, Ukraine thậm chí có thể chưa có phi đội đầy đủ gồm 20 máy bay và 40 phi công cho đến cuối năm 2025. 

Kiev đã được một số quốc gia cho phép sử dụng F-16 để tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng nếu Ukraine muốn vận hành hiệu quả tiêm kích này gần biên giới Nga, họ phải phá hủy hệ thống phòng không của Moscow để đảm bảo an toàn.

"Ukraine sẽ không thể sử dụng tất cả các máy bay do phương Tây cung cấp một cách hiệu quả nhất có thể cho đến khi số lượng phi công Ukraine cần thiết hoàn thành khóa huấn luyện", ISW nhận định.

ISW cho rằng, Ukraine có thể sẽ phải dùng vũ khí tầm xa để phá hủy hệ thống phòng không của Nga nhằm làm tiền đề cho việc đưa tiêm kích F-16 tới gần lãnh thổ Nga để tấn công.

Tuy nhiên, việc Ukraine nhận được F-16 nhưng không thể phát huy hết khả năng của tiêm kích này vì thiếu phi công có thể là một điểm bất lợi cho Kiev trong bối cảnh Nga đang liên tục đạt được đà tiến tại các mặt trận.

Một vấn đề khác là vũ khí mà F-16 sẽ sử dụng. Ukraine có kế hoạch triển khai F-16 để đánh chặn tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga bắn vào cơ sở hạ tầng của phía Kiev.

Những nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có tên lửa không đối không chính xác của Mỹ và hàng chục đồng minh NATO. Một quan chức NATO cho biết nhiều quốc gia trong số đó ngần ngại viện trợ những vũ khí này với số lượng lớn cho Kiev vì chúng rất đắt đỏ.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine