Quốc gia NATO "bật đèn xanh" cho Ukraine dùng F-16 tấn công lãnh thổ Nga
(Dân trí) - Hà Lan tuyên bố cho phép Ukraine sử dụng 24 máy bay chiến đấu F-16 do nước này cung cấp theo mục đích của Kiev.
"Không có hạn chế kiểu Bỉ", Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói với hãng tin Politico bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 2/6.
"Chúng tôi đang áp dụng cùng một nguyên tắc mà chúng tôi đã áp dụng cho mọi hoạt động cung cấp vũ khí khác, đó là: một khi chúng tôi bàn giao vũ khí cho Ukraine, họ có quyền sử dụng chúng", bà Ollongren lý giải.
Bộ trưởng Ollongren cho biết chính phủ Hà Lan chỉ yêu cầu sử dụng vũ khí của nước này phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuyên bố do Hà Lan đưa ra trái ngược với tuyên bố của Bỉ trước đó.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuần trước tuyên bố, Bỉ đã ký một thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine, bao gồm việc cung cấp 30 máy bay chiến đấu F-16 vào năm 2028, con số viện trợ lớn nhất trong số các đồng minh của Kiev.
Tuy nhiên, Bỉ không cho phép Kiev sử dụng vũ khí do Bỉ cung cấp cung cấp, bao gồm máy bay chiến đấu F-16, bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cũng nói rằng vũ khí quân sự của nước này chỉ có thể được triển khai ngay trong lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen ngày 30/5 tuyên bố Ukraine sẽ được phép sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Đan Mạch cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Evening Standard ngày 10/5 dẫn một "nguồn tin quân sự cấp cao" cho biết, Ukraine sẽ nhận được những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên "trong vòng vài tuần".
Một loạt nước phương Tây đã thành lập liên minh máy bay chiến đấu do Đan Mạch và Hà Lan dẫn đầu để cung cấp cho Kiev các tiêm kích F-16 cũng như đào tạo phi công và nhân viên hỗ trợ.
Ngày 2/6, trang Defence-Point của Hy Lạp xác nhận, chuyên gia hướng dẫn nước ngoài đầu tiên về cách sử dụng máy bay chiến đấu F-16 đến Ukraine là sĩ quan bay của Không quân Hy Lạp.
Động thái trên nằm trong khuôn khổ sáng kiến "Liên minh đào tạo F-16" của 11 nước thành viên NATO nhằm huấn luyện phi công và nhân viên kỹ thuật của Ukraine sử dụng loại tiêm kích này của Mỹ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ coi việc các thành viên NATO cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là một tín hiệu hành động trong lĩnh vực hạt nhân của liên minh quân sự này.
Ông nhấn mạnh, việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 này sẽ không thể làm thay đổi tình hình chiến trường Ukraine dưới bất cứ hình thức nào.
Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông cáo nói rằng, Moscow sẽ coi F-16 mà Ukraine sắp tiếp nhận là mối đe dọa hạt nhân và việc phương Tây chuyển giao chúng là hành động khiêu khích.
F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Máy bay được thiết kế để có thể thực hiện các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không.
F-16 có khả năng mang vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng nhiều loại bom, trong đó có bom hạt nhân.