1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nút bấm hạt nhân "to và uy lực” của Tổng thống Trump nằm ở đâu?

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump ngày 3/1 tuyên bố nút bấm hạt nhân của ông “to và uy lực hơn” so với của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Vậy thực chất, nút bấm này nằm ở đâu và hoạt động như thế nào?

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng cảnh báo các cử tri hãy suy nghĩ kỹ trước khi bỏ phiếu trao quyền quản lý “nút bấm” kho vũ khí gồm 6.800 thiết bị hạt nhân của Mỹ cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Bà Clinton cho rằng, đối thủ của bà trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, không phải là gương mặt đủ tin tưởng để được “đặt ngón tay lên nút bấm hạt nhân”. Theo bà Clinton, những bình luận của ông Trump trên mạng xã hội Twitter là bằng chứng cho thấy ông nên được “cách ly” khỏi bí mật về mật mã hạt nhân và không nên được trao quyền quản lý kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Nhưng rốt cuộc, ông Donald Trump đã đắc cử tổng thống.

Nút bấm hạt nhân

Nút màu đỏ đặt trên hộp gỗ khiến nhiều người lầm tưởng là nút bấm hạt nhân trong phòng làm việc của Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)
Nút màu đỏ đặt trên hộp gỗ khiến nhiều người lầm tưởng là nút bấm hạt nhân trong phòng làm việc của Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)

Ngày 2/1, Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter rằng nút bấm hạt nhân của ông “to hơn và uy lực hơn” so với nút bấm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bình luận này của Tổng thống Trump nhằm đáp trả tuyên bố trước đó của ông Kim Jong-un, rằng trên bàn làm việc của ông luôn có sẵn nút bấm hạt nhân.

Bình luận mới nhất của Tổng thống Trump về nút bấm hạt nhân đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc làm thế nào để có thể cản trở nhà lãnh đạo Mỹ trước khi ông đưa ra một quyết định nóng vội dẫn tới những thảm họa hạt nhân khủng khiếp.

Báo Independent của Anh từng đưa tin trên bàn làm việc của Tổng thống Trump trong Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng có một hộp gỗ nhỏ và trên đó có một nút bấm màu đỏ. Nhiều người lầm tưởng rằng đó là nút bấm khẩn cấp để nhà lãnh đạo Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân, song thực chất đây chỉ là thiết bị được tổng thống sử dụng để triệu tập một người giúp việc bất kỳ khi nào ông cần. Cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng được nhìn thấy ngồi cạnh nút bấm này tại các cuộc họp trong Phòng Bầu Dục khi ông còn đương chức.

Các chuyên gia khẳng định không hề có một nút bấm nào để Tổng thống Trump có thể nhấn nếu muốn phát động một cuộc tấn công hạt nhân.

Sĩ quan mang theo vali hạt nhân tháp tùng Tổng thống Trump (Ảnh: Getty)
Sĩ quan mang theo vali hạt nhân tháp tùng Tổng thống Trump (Ảnh: Getty)

“Không có bất kỳ nút bấm nào để tổng thống có thể nhấn, không có công tắc, không có then chốt, không có bất kỳ thứ gì để một vị tổng thống chỉ đơn giản là đi vòng quanh nó và ra lệnh “Nhấn, tôi vừa kích hoạt vũ khí hạt nhân””, nhà nghiên cứu cấp cao Krister Knapp tại Khoa Lịch sử thuộc Đại học Washington nói với CBS.

Thực chất, quy trình phát động một cuộc tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ bắt đầu bằng việc mở chiếc vali hạt nhân, hay còn gọi bằng biệt danh “quả bóng”. Tuy nhiên, bên trong vali này cũng không có bất kỳ nút bấm nào như dư luận đồn đoán.

Thực chất, quy trình phát động một cuộc tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ bắt đầu bằng việc mở chiếc vali hạt nhân, hay còn gọi bằng biệt danh “quả bóng”. Tuy nhiên, bên trong vali này cũng không có bất kỳ nút bấm nào như dư luận đồn đoán.

Vali hạt nhân thực chất là chiếc túi da màu đen luôn đi bên cạnh tổng thống Mỹ. Chiếc vali này chứa mật mã hạt nhân, tài liệu hướng dẫn vận hành hệ thống liên lạc khẩn cấp và thiết bị liên lạc để gửi mật mã trong tình huống khẩn cấp, bất chấp tổng thống đang ở đâu.

Chỉ tổng thống mới có khả năng mở vali hạt nhân, vốn được khóa bằng hệ thống khóa điện tử. Bên trong vali hạt nhân còn một vật dụng đặc biệt nữa là chiếc thẻ xác thực. Thẻ này có kích cỡ bằng một thẻ tín dụng thông thường và được đặt biệt danh là “bích quy”. Trên thẻ có chứa mã số nhận dạng cũng như thông tin cá nhân của tổng thống.

Sau khi các thông số trùng khớp và mọi thao tác diễn ra đúng quy trình, Tổng thống Trump mới có thể mở vali hạt nhân và chỉ đạo tiến hành tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Mặc dù việc sử dụng vũ khí hạt nhân bị cấm theo quy định của luật quốc tế, song yêu cầu cấp bách của một cuộc tấn công hạt nhân khiến cho việc ngăn Tổng thống Mỹ phát động một cuộc tấn công như vậy là rất khó.

“Sẽ mất khoảng từ một đến hai phút để định hình và truyền thông tin trực tiếp từ các cấp tư lệnh tới các chỉ huy phụ trách các cơ sở phóng hạt nhân ngầm dưới lòng đất, cũng như các tàu ngầm và máy bay ném bom”, ông Bruce Blair, cựu sĩ quan phụ trách phóng tên lửa hạt nhân, cho biết.

Thời gian phát động

Cựu Ngoại trưởng Clinton từng tiết lộ rằng Mỹ sẽ mất khoảng “4 phút” để phóng vũ khí hạt nhân sau khi có lệnh của tổng thống.

Trong khi đó, báo cáo năm 2013 của Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị Liên Hợp Quốc cho biết các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể được phóng trong vòng 5 phút sau khi tổng thống ra lệnh.

Tên lửa ICBM Minuteman gắn đầu đạn hạt nhân của Mỹ được đặt tên dựa trên khả năng phóng trong vòng vài phút của loại vũ khí này.

Ai có thể kiểm soát?

Vali hạt nhân luôn ở bên cạnh Tổng thống Mỹ trong mọi tình huống (Ảnh: AFP)
Vali hạt nhân luôn ở bên cạnh Tổng thống Mỹ trong mọi tình huống (Ảnh: AFP)

Mark Fitzpatrick, chuyên gia về chống phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, cho biết rốt cuộc, thẩm quyền duy nhất trong việc ra lệnh tấn công hạt nhân vẫn nằm trong tay tổng thống.

“Không có cơ chế kiểm soát đối với thẩm quyền của tổng thống trong việc phát động một cuộc tấn công hạt nhân”, ông Mark nói với BBC.

Tuy nhiên, giới quân sự và nghị sĩ Mỹ cũng đã vào cuộc để yêu cầu xem xét lại cơ chế phát động tấn công hạt nhân của tổng thống Mỹ.

Tháng 11/2017, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, Tướng không quân John Hyten, từng tuyên bố ông sẽ phản kháng mệnh lệnh tấn công hạt nhân của Tổng thống Trump nếu cho rằng mệnh lệnh này là phi pháp.

Tuy nhiên, Tướng không quân nghỉ hưu, cựu Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ Robert Kehler, từng nói ông không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Trump nhất quyết phớt lờ yêu cầu từ phía quân đội và đơn phương phát động tấn công hạt nhân.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Massachusetts Ed Markey đã đề xuất dự luật, trong đó yêu cầu phải có sự phê chuẩn của Quốc hội trước khi Tổng thống phát động sử dụng vũ khí hạt nhân.

Kho vũ khí của Mỹ

Mỹ ước tính sẽ chi khoảng 1.000 tỷ USD cho chương trình kéo dài 30 năm nhằm duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân gồm các tàu ngầm tên lửa đạn đạo, các máy bay ném bom và các tên lửa đặt trên mặt đất. Đây là con số mà hầu hết các chuyên gia cho rằng Washington không đủ sức để gánh.

Nga cũng đang triển khai chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này, song cam kết không mở rộng số đầu đạn hạt nhân.

Hơn 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới thuộc về Nga và Mỹ, mặc dù hai nước đã tiến hành cắt giảm sản xuất và hạn chế kho vũ khí từ sau chiến tranh Lạnh. Tổng thống Trump từng tuyên bố khuyến khích Nhật Bản, Hàn Quốc và Ả rập Xê út cũng sở hữu vũ khí hạt nhân để tránh phụ thuộc vào Mỹ.

Thành Đạt

Theo Straitstimes