Nước đi mạo hiểm của Nga có thể đã giúp Ukraine "bắn rơi mắt thần A-50"
(Dân trí) - Sau khi Ukraine tuyên bố bắn rơi máy bay A-50 của Nga, các chuyên gia chỉ ra chiến thuật mạo hiểm của Moscow có thể đã giúp Kiev thực hiện điều này.
Newsweek dẫn lời chuyên gia đưa tin, Nga có thể đã chuẩn bị cho việc đối phó những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất sắp được giao cho Ukraine khi Moscow mất đi 2 máy bay quan trọng.
Giới quan sát đánh giá, Nga dường như đã có nước đi mạo hiểm với tính toán này và giúp Ukraine tận dụng thời cơ để gây thiệt hại cho đối phương.
Hồi đầu tuần, Ukraine tuyên bố phá hủy một máy bay cảnh báo sớm A-50 và một máy bay kiểm soát trên không Il-22 của Nga trên Biển Azov.
Nga vẫn chưa lên tiếng về vụ việc, nhưng nếu đây là sự thật, thì việc mất đi 2 chiếc máy bay tương đối hiếm sẽ được xem là mất mát không nhỏ đối với Moscow.
Beriev A-50 là máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không, được Nga sử dụng để phát hiện lực lượng phòng không đối phương và giúp phối hợp các cuộc tấn công của các máy bay Moscow khác. Mỗi chiếc có giá hàng trăm triệu USD.
Chưa rõ Ukraine đã dùng vũ khí nào tấn công 2 máy bay Nga, nhưng Forbes dẫn nguồn tin nói rằng, chiếc A-50 và Il-22 dường như đã bay qua khu vực Berdyansk mà Nga đang kiểm soát, cách 120km so với tiền tuyến, khiến 2 máy bay này đều nằm trong tầm đánh chặn của hệ thống phòng không Kiev.
Chuyên gia Frederik Mertens từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược Hague (Hà Lan), trong những tháng qua, có những dấu hiệu cho thấy Nga đã kết hợp A-50 cùng với hệ thống S-400 và S-500, cùng với tên lửa tầm xa.
Ông nhận định: "Theo tôi, việc Nga triển khai A-50 là sự chuẩn bị có chủ ý của Nga cho sự xuất hiện của F-16 sắp tới".
Ông cho rằng, Nga dường như đang cố gắng tạo lợi thế tại cuộc chiến trên bầu trời bằng cách đẩy lực lượng không quân Ukraine lùi xa nhất có thể, "đồng thời gây ra sự tiêu hao nhiều nhất có thể trước sự xuất hiện của máy bay chiến đấu F-16".
Theo ông, Nga dường như hy vọng có thể tấn công F-16 trên mặt đất và trên không ngay khi có thể nên họ đã điều động A-50 bay gần tiền tuyến hơn để tập dượt chuẩn bị.
Tháng 10 năm ngoái, Nga từng tuyên bố bắn rơi "24 máy bay Ukraine trong 5 ngày". Ukraine tới nay chưa lên tiếng về con số này.
Theo chuyên gia quân sự Yury Knutov, Nga có thể đã sử dụng hệ thống phòng không tầm xa S-400 phối hợp với máy bay A-50 để phá hủy máy bay Ukraine.
"Nhờ khả năng bay cao, A-50 có thể phát hiện các máy bay của đối phương cất cánh từ các sân bay quân sự bí mật hoặc các sân bay đã đóng cửa của Ukraine, thậm chí từ các đoạn đường cao tốc", ông nói.
"Sau đó, tên lửa đánh chặn bắt đầu tìm kiếm mục tiêu, định vị và cuối cùng là phá hủy mục tiêu. Tầm bắn của hệ thống này rất lớn có thể lên tới 400km hoặc thậm chí xa hơn", ông Knutov cho biết.
Chuyên gia David Jordan, tại trường King's College (Anh), đồng tình với nhận định của ông Mertens. Ông cho rằng, Nga dường như mong muốn tìm kiếm thêm máy bay ở khu vực sâu hơn trong lãnh thổ của Ukraine để tấn công phủ đầu nhằm phá hủy.
Trong khi đó, chuyên gia vũ khí và quân sự David Hambling nói với Newsweek: "Tôi cho rằng người Nga đang chấp nhận rủi ro (khi điều động A-50 bay gần tiền tuyến) để cải thiện cơ hội đánh trúng F-16 khi các phi cơ này được giao cho Ukraine".
Ukraine dự kiến sẽ nhận được những chiếc F-16 đầu tiên từ các đồng minh phương Tây trong vài tháng tới, mang lại cho lực lượng không quân Kiev loại máy bay có hệ thống điện tử hàng không hiện đại hơn và radar tốt hơn.
Với các máy bay phản lực này, Ukraine sẽ có thể hoạt động từ khoảng cách xa hơn, phá hủy các hệ thống phòng thủ trên mặt đất của Nga dễ dàng hơn và buộc phi cơ Nga phải bay xa hơn tiền tuyến so với hiện tại.
Mặc dù không phải là "viên đạn bạc" nhưng F-16 được kỳ vọng sẽ khiến các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine trở nên khó thực hiện hơn, gây nguy hiểm cho vũ khí của Nga, làm giảm ưu thế trên không của Moscow.