1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Nước cờ” lạc nhịp của ông Trump trên bàn đàm phán với ông Kim Jong-un?

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã phán đoán sai suy nghĩ của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khiến hai nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh lần hai.

“Nước cờ” lạc nhịp của ông Trump trên bàn đàm phán với ông Kim Jong-un? - 1

Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. (Ảnh: AP)

Tám tháng sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục gặp nhau lần thứ hai tại Việt Nam. Tuy nhiên, khác với lần một, hai nhà lãnh đạo không ra được tuyên bố chung sau hai ngày thượng đỉnh và có nhiều lý do để giải thích cho kết quả này.

Tổng thống Trump đã không lựa chọn cách tiếp cận ngoại giao truyền thống trong đàm phán với Triều Tiên, trong đó cho phép các nhà ngoại giao đàm phán hàng loạt vấn đề trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Ngược lại, ông Trump được cho là đã bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo từ các cố vấn, những người cho rằng Triều Tiên vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump tin rằng ông có thể đạt được thành công nhờ tài năng thương thuyết, sự lôi cuốn của bản thân và mối quan hệ với ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng có thể đã sai.

Tổng thống Donald Trump bước vào cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un với mục tiêu đánh đổi cam kết dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ với lời hứa xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon, song ông chủ Nhà Trắng cho rằng như vậy vẫn chưa đủ. Phái đoàn Triều Tiên đã lên tiếng phản bác tuyên bố của tổng thống Mỹ và khẳng định họ chỉ yêu cầu Washington dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt.

Rõ ràng, đã có sự hiểu nhầm và phán đoán sai lầm từ cả hai phía. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tin rằng Tổng thống Trump cần một chiến thắng tại hội nghị thượng đỉnh lần này sau nhiều tháng chịu sức ép mạnh mẽ cũng như phải đối mặt với nhiều vấn đề rối ren trong nước. Triều Tiên dường như cũng bất ngờ về việc bằng cách nào đó, phía Mỹ đã biết rõ những cơ sở hạt nhân bí mật của Bình Nhưỡng.

Một trong những sai lầm lớn nhất của Tổng thống Trump là cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cần Mỹ để cải thiện đáng kể tình hình kinh tế và tin vào “ván bài” đổi trừng phạt lấy hạt nhân của mình. Rốt cuộc, suy đoán của ông chủ Nhà Trắng đã không chính xác. Vực dậy nền kinh tế không phải là mục tiêu cao nhất của ông Kim Jong-un, khiến ông phải đánh đổi bằng mọi giá.

Lẽ đương nhiên, ông Kim Jong-un vẫn muốn thay đổi bộ mặt nền kinh tế, giải quyết vấn đề thiếu thốn lương thực và tiếp cận với hàng hóa cũng như công nghệ của phương Tây để hiện đại hóa quân đội Triều Tiên. Tuy nhiên, mục tiêu sau cùng của ông là duy trì sự tồn tại của chính quyền Triều Tiên. Việc cho phép nền kinh tế phát triển quá nhanh và mở cửa ồ ạt với phương Tây như đề xuất của Mỹ có thể dẫn tới những hệ quả khó lường với xã hội Triều Tiên và đó là điều mà ông Kim Jong-un không mong muốn.

Ông Kim Jong-un được đánh giá là một nhà lãnh đạo thông minh và hiểu rất rõ lịch sử. Ông có thể nhìn lại những bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô khi nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế hay sự ra đi của những nhà lãnh đạo như Moammar Gadhafi (Libya), Saddam Hussein (Iraq). Do vậy, ông vẫn muốn giữ lại chương trình hạt nhân của Triều Tiên như một “quân cờ” sau cùng.

Phương án cho tương lai

“Nước cờ” lạc nhịp của ông Trump trên bàn đàm phán với ông Kim Jong-un? - 2

Phái đoàn Mỹ tham gia đàm phán với Triều Tiên tại Hà Nội. (Ảnh: Reuters)

 

Theo Jeff McCausland, đại tá Mỹ nghỉ hưu và là cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, mặc dù mục tiêu ban đầu của Tổng thống Trump khi bước vào bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam không đạt được, song ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn có thể tiến hành một số biện pháp để khiến cho tình hình bớt tồi tệ hơn.

Đầu tiên, ông Trump cần tránh lặp lại những phát ngôn gây tranh cãi mà ông từng khiến Bình Nhưỡng “nóng mặt” trước đây như dọa  trút “lửa và hỏa lực” vào Triều Tiên hay gọi ông Kim Jong-un là “người tên lửa”. Những lời lẽ xúc phạm sẽ không thể đưa ông Trump tới một tương lai tốt đẹp cho quan hệ Mỹ - Triều.

Thay vào đó, tổng thống Mỹ nên tập trung vào các mục tiêu trung hạn như các biện pháp xây dựng lòng tin, mở văn phòng liên lạc tại thủ đô của mỗi nước, thảo luận về các mối quan ngại an ninh lớn hơn như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. Chính quyền Trump cũng có thể cân nhắc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên gồm Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cần trấn an các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dường như thất vọng với việc hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận trong lần gặp thứ hai. Ông Moon được cho là đã “đặt cược” tương lai chính trị của mình vào việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Ông Moon cũng muốn hối thúc chính quyền Trump cho phép nối lại các dự án phát triển kinh tế và viện trợ nhân đạo Hàn - Triều.

Trong khi đó, chính quyền Nhật Bản luôn lo ngại rằng chính quyền Trump sẽ phớt lờ mối lo ngại của Tokyo về các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên - những vũ khí đủ khả năng đe dọa lãnh thổ Nhật Bản. Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ là hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ mà còn là những đối tác thương mại quan trọng của Washington.

Những tranh chấp về thương mại cùng với việc Mỹ thông báo dừng các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn với Hàn Quốc khiến mối quan hệ giữa Washington và các đồng minh trở nên căng thẳng. Triều Tiên có thể đã nắm được “điểm yếu” này của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn.

Tổng thống Trump cũng cần nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của Trung Quốc trong khu vực. Triều Tiên xây dựng hình ảnh như một “bên chịu thiệt” đang tìm kiếm mối quan hệ hòa bình với Mỹ, trong khi hội nghị thượng đỉnh tại Singapore và Việt Nam đã giúp nâng cao hình ảnh của ông Kim Jong-un. Điều này khiến Mỹ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc duy trì sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các lệnh trừng phạt Triều Tiên.

Cuộc hội đàm về thương mại sắp tới giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đóng vai trò quan trọng đối với vấn đề trừng phạt Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ thảo luận vấn đề Triều Tiên và sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng là điều cần thiết nếu Washington vẫn muốn duy trì sức ép với Bình Nhưỡng.

Thành Đạt

Theo NBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm