1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chuyên gia đề xuất cách xóa bỏ "vũ khí hủy diệt hàng loạt" của Triều Tiên

(Dân trí) - Chuyên gia về hạt nhân của Mỹ cho rằng "chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt" của Triều Tiên nên được giải giáp theo từng giai đoạn trước khi mọi mối đe dọa được xóa bỏ hoàn toàn.

Chuyên gia đề xuất cách xóa bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên - 1

Ảnh vệ tinh chụp ngày 21/2 cho thấy lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. (Ảnh: Yonhap)

Tony Dalton, một chuyên gia về chống phổ biến vũ khí tại Tổ chức vì Hòa bình Quốc tế Carnegie, được cho là một trong những chuyên gia tư vấn cho Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra tại Việt Nam tuần trước.

Hội nghị thượng đỉnh kết thúc mà không có thỏa thuận nào đạt được, mặc dù cả hai bên đã nỗ lực trao đổi các biện pháp phi hạt nhân hóa Triều Tiên để đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt của Mỹ.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton sau đó nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa sẵn sàng chấp thuận đề xuất của Tổng thống Trump về một “thỏa thuận lớn”, trong đó yêu cầu Triều Tiên không chỉ hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân mà còn các chương trình vũ khí khác và tên lửa để đổi lấy các lợi ích to lớn về kinh tế.

“Nếu Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo và các chương trình vũ khí hóa học, sinh học, Triều Tiên sẽ có triển vọng tăng trưởng kinh tế”, ông Bolton nói trong cuộc phỏng vấn với kênh CBS hôm 3/3.

Trong cuộc hội thảo được tổ chức ngày 4/3, ông Dalton đã đưa ra một quan điểm được cho là có thể tác động tới đề xuất của Tổng thống Trump.

Theo chuyên gia về vũ khí hạt nhân của Mỹ, chương trình chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên nên được xóa bỏ theo từng giai đoạn, bắt đầu bằng việc đặt ra các giới hạn khác nhau về khả năng chế tạo vũ khí của Triều Tiên, từ đó cho phép Mỹ có thêm thời gian để giảm thiểu mối đe dọa nguy cấp hơn từ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chuyên gia Dalton cho rằng “cách tiếp cận chỉ tập trung vào vấn đề hạt nhân thực sự khó giải quyết mối đe dọa từ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt” của Triều Tiên.

“Vấn đề sản xuất tên lửa đạn đạo được cho là quan trọng hơn so với sản xuất nhiên liệu phân hạch nếu xét về quy mô cũng như uy lực kho vũ khí tương lai (của Triều Tiên)”, ông Dalton nhận định.

Theo chuyên gia Dalton, mặc dù Mỹ không nên bỏ qua mối đe dọa hiện thời bắt nguồn từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, song các thành phần khác trong chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng cũng cần phải được nêu ra trong các cuộc đàm phán.

Ngoài nhiên liệu phân hạch, ông Dalton cũng đề cập tới một loạt vấn đề cần lưu ý trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên, bao gồm sản xuất tên lửa đạn đạo, các phương tiện vận chuyển tên lửa và các vụ thử nghiệm được Triều Tiên thiết kế để cải thiện các tên lửa và đầu đạn hạt nhân của nước này.

Cơ sở bí mật

Sau khi không đạt được thỏa thuận tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 28/2, Tổng thống Trump tổ chức họp báo và tuyên bố Mỹ đã thông báo với Triều Tiên về việc Washington phát hiện một số cơ sở hạt nhân ngầm của Bình Nhưỡng, bao gồm một cơ sở làm giàu uranium. Ông Trump cũng cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể ngạc nhiên với thông tin này.

Một số nguồn tin đồn đoán rằng, Tổng thống Trump đã yêu cầu Triều Tiên từ bỏ nhiều hơn những gì mà Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ, bao gồm các cơ sở hạt ngầm như một cơ sở làm giàu uranium có tên Kangson gần thủ đô Bình Nhưỡng. Trong cuộc đàm phán với Mỹ, Triều Tiên chỉ đề cập tới cơ sở hạt nhân Yongbyon mặc dù Bình Nhưỡng được cho là còn có một số cơ sở hạt nhân khác.

Khi được hỏi cơ sở ngầm của Triều Tiên mà Tổng thống Trump nhắc tới là gì, Giáo sư Kim Yong-hyun tại Đại học Dongguk đề cập tới hai cơ sở, gồm một cơ sở liên quan tới tên lửa đạn đạo liên lục địa và một cơ sở làm giàu uranium ở cấp độ cao.

Theo Woo Jung-yeop, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul, các cơ sở liên quan tới việc làm giàu uranium thường rất dễ để che giấu.

Thành Đạt

Theo Yonhap, Korea Times