Nỗi lòng của người dân vùng biên Kursk sau cuộc đột kích của Ukraine
(Dân trí) - Với việc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa ở vùng biên giới Kursk, nhiều người cho rằng chính phủ Nga đã hạ thấp mối đe dọa từ Ukraine.
Cách đây gần 2 tuần, khi lần đầu nghe được tin đồn về cuộc tấn công của Ukraine, cô Lyubov Antipova đã ngay lập tức gọi cho cha mẹ mình ở Kursk và cầu xin họ rời khỏi khu vực này.
Tuy vậy, với cha mẹ cô, mối đe dọa này có vẻ không thực tế. Lý do là bởi lãnh thổ Nga chưa từng bị lực lượng nước ngoài nào đột kích kể từ sau Thế chiến thứ hai. Hơn nữa, phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã bác bỏ cuộc xâm lược này. Vì vậy, cha mẹ của cô Antipova quyết định ở lại.
Ngày hôm sau, cô thấy trên mạng các bức ảnh về lính Ukraine bên cạnh một siêu thị và văn phòng của một công ty khí đốt. Cô nhận ra nơi này ngay lập tức: Cha mẹ cô sống cách đó chỉ khoảng 50m.
"Suốt những năm qua, cha mẹ tôi không nghĩ rằng họ sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi chắc chắn rằng quân đội Nga sẽ bảo vệ chúng tôi. Tôi ngạc nhiên về tốc độ tiến quân của quân đội Ukraine", cô Antipova chia sẻ với trang tin Observer qua điện thoại từ Kursk.
Cuộc tấn công của Ukraine vào Nga đã cho thấy sự chủ quan của giới chức Nga phụ trách biên giới. Nhiều người dân địa phương cho rằng chính quyền địa phương đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công.
Tính đến hôm 16/8, quân đội Ukraine tuyên bố đã điều động khoảng 10.000 quân, kiểm soát hơn 1.100 km2 của khu vực Kursk, chủ yếu xung quanh thị trấn Sudzha.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), nếu thông tin đó là đúng thì cuộc tấn công trong một tuần đã giúp Ukraine chiếm được nhiều lãnh thổ Nga hơn số lãnh thổ mà Nga giành được ở Ukraine kể từ đầu năm.
Alexander Zorin, người trông coi Bảo tàng Khảo cổ học Kursk, nghĩ rằng tiếng máy bay không người lái, máy bay phản lực và tiếng ầm ầm của pháo binh là chuyện thường ngày vì nhóm của ông đã chứng kiến hoạt động tương tự trong 2 mùa hè trước.
"Các báo cáo của các quan chức không cho thấy cuộc tấn công này là một mối đe dọa. Chúng tôi không thể biết được tình hình rõ ràng. Chúng tôi chỉ quyết định rời đi sau khi nhìn thấy người dân địa phương đã được sơ tán khỏi đó và họ bảo chúng tôi đi cùng", ông nói.
Lệnh sơ tán chính thức khỏi khu vực Kursk được ban bố một ngày sau đó.
Vào tối 13/8, khi quân đội Ukraine đã đến Sudzha, kênh tin tức Channel One đưa tin quân đội Nga đã "ngăn chặn cuộc xâm nhập của Ukraine".
Trong nhiều ngày, truyền hình nhà nước đã đưa tin về các cuộc tấn công thành công của Nga vào quân đội Ukraine ở khu vực biên giới nhưng lại không cho biết quân đội nước ngoài có còn trên lãnh thổ của họ hay không. Truyền thông đưa tin về hàng chục nghìn người Nga phải di dời nhưng chủ yếu gọi họ là "những người di tản tạm thời" chứ không phải là người tị nạn hoặc người di tản trong nước (IDP).
Các quan chức của Nga cuối cùng đã cho biết số người phải di tản khỏi Kursk là 76.000 người. Các cuộc không kích đã trở thành thường lệ ở Kursk, thậm chí nhiều người dân địa phương còn phớt lờ còi báo động, số khác thì trú ẩn ở những nơi an toàn hơn
Nhưng chính dòng người Nga di tản đã cho thấy thực tế về cuộc chiến tại vùng biên giới.
Ông Stas Volobuyev, một người dân tại địa phương, cho biết: "Tôi làm việc ở trung tâm thành phố và ngày nào tôi cũng thấy mọi người xếp hàng để xin viện trợ nhân đạo. Có quá nhiều người tị nạn, họ chẳng có gì cả".
Trước đó, Điện Kremlin đã dành 3 tỷ rúp cho một tuyến phòng thủ ở khu vực Kursk và một lực lượng phòng thủ lãnh thổ mới, điều này đã được kỳ vọng đủ để ngăn chặn cuộc tấn công.
Cô Antipova nhớ lại đã nhìn thấy một số lượng lớn lính biên phòng ở Sudzha vào tháng 5.
Khi Sudzha bị mất liên lạc, cô Antipova đã đến các trung tâm IDP ở Kursk để tìm cha mẹ cô. Vào ngày 16/8, Liza Alert, một tổ chức từ thiện toàn quốc dành cho những người mất tích, cho biết rằng họ đã nhận được thông báo mất tích của gần 1.000 người trong khu vực.
Điều cuối cùng mà cô Antipova nghe được từ ngôi làng nơi cha mẹ cô sống là một người hàng xóm lớn tuổi cũng ở lại, điều này khiến cô hy vọng rằng họ đã tìm được nơi trú ẩn.
Hải Đăng - Anh Ngọc