1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗ lực "tháo ngòi" xung đột sau vụ nổ tên lửa ở Ba Lan

Thành Đạt

(Dân trí) - Các bên đã nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và tìm cách ngăn chặn xung đột leo thang sau vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng.

Nỗ lực tháo ngòi xung đột sau vụ nổ tên lửa ở Ba Lan - 1

Cảnh sát Ba Lan kiểm tra khu vực gần làng Przewodow, nơi tên lửa rơi ở Ba Lan (Ảnh: Getty).

Vụ nổ tên lửa phòng không ở Ba Lan là cảnh báo đáng lo ngại về khả năng lan rộng của cuộc xung đột Nga - Ukraine sang lãnh thổ các nước thành viên NATO, cùng với đó là nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân.

Tuy nhiên, những nỗ lực nhanh chóng của các bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng đang leo thang cho thấy, bất chấp sự tàn khốc của cuộc xung đột và số người thiệt mạng ngày càng tăng, cả Nga và các nước NATO đều không muốn giao tranh lan rộng về phía Tây Ukraine.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy nỗ lực ngăn chặn xung đột leo thang diễn ra vài giờ sau khi tên lửa rơi ở Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, thông tin sơ bộ cho thấy tên lửa ít có khả năng được bắn từ Nga và cam kết điều tra vụ việc.

Vài giờ sau, các quan chức của NATO cho biết, tên lửa rơi ở Ba Lan có khả năng là vũ khí do Liên Xô sản xuất, được phóng từ hệ thống phòng không của Ukraine và không có bằng chứng nào cho thấy nó được bắn đi một cách có chủ ý.

"Ukraine đã tự bảo vệ mình, đó là điều hiển nhiên và dễ hiểu, bằng cách phóng tên lửa của họ để đánh chặn tên lửa Nga. Phía Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc nghiêm trọng này", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố.

Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định tên lửa rơi ở Ba Lan không phải tên lửa của Ukraine, Tổng thống Biden đã đáp lại: "Đó không phải là bằng chứng".

Hai công dân Ba Lan thiệt mạng trong vụ việc trên dường như là những trường hợp đầu tiên tử vong trên lãnh thổ của một quốc gia NATO, liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ngày 15/11, Nga đã tiến hành trận tập kích tên lửa quy mô lớn chưa từng có vào Ukraine, bắn 96 tên lửa vào các thành phố của Ukraine sau khi rút quân khỏi thành phố miền nam Kherson vào tuần trước.

Mặc dù nghiêng về giả thuyết tên lửa do Ukraine phóng rơi ở Ba Lan, song các bên ủng hộ vẫn quy trách nhiệm cho Nga. "Đây không phải là lỗi của Ukraine. Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố.

Trong khi đó, Moscow cũng thể hiện mong muốn ngăn chặn căng thẳng leo thang. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tên lửa rơi ở Ba Lan là đạn phòng không thuộc tổ hợp S-300 của quân đội Ukraine, chứ không phải vũ khí Nga. Cơ quan này khẳng định các cuộc tấn công chính xác của Nga chỉ được tiến hành nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine và cách xa biên giới Ukraine - Ba Lan.

Tổng thống Ba Lan xác nhận đây "có thể là một tai nạn" của lực lượng phòng không Ukraine. Giới phân tích cho rằng, việc coi đây là một tai nạn là phương án tốt nhất cho tất cả các bên lúc này. Đây cũng là cơ hội để NATO tăng cường năng lực phòng không cho Ukraine nhằm bảo vệ Kiev cũng như ngăn chặn nguy cơ xung đột lan sang các nước thành viên của khối.

Nỗ lực tháo ngòi xung đột sau vụ nổ tên lửa ở Ba Lan - 2

Làng Przewodow, nơi tên lửa rơi hôm 15/11, nằm sát biên giới Ba Lan - Ukraine (Ảnh: FT).

Ở thời điểm hiện tại, Nga cũng không muốn căng thẳng leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện với NATO, liên minh quân sự quy mô lớn do Mỹ dẫn đầu.

Phương Tây cho rằng Nga đang chịu nhiều tổn thất trong các cuộc giao tranh với quân đội Ukraine trên các mặt trận. Quân đội Nga tuyên bố rút khỏi các khu vực mà họ từng kiểm soát, động viên quân để đưa tới chiến trường Ukraine. Một vụ tấn công, dù là không chủ ý, vào Ba Lan có thể sẽ đánh lạc hướng câu chuyện về sự tổn thất của Nga, nhưng cũng có thể khiến xung đột leo thang và khiến quân đội Nga gặp nhiều tổn thất hơn nữa trước đòn đáp trả của NATO.

Ba Lan có thể sẽ đối phó với vụ rơi tên lửa lần này bằng cách tăng cường năng lực phòng không. Đức đã đề nghị giúp tuần tra không phận của Ba Lan. Tuy vậy, sự xuất hiện nhiều hơn của máy bay và tên lửa phòng không trong khu vực vốn được coi là "điểm nóng" này chỉ làm tăng khả năng xảy ra nhiều tai nạn hơn. Trước đó, máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine vào năm 2014 khi đang trong hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia), khiến 298 người thiệt mạng.

Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoàng gia Anh Lord Richard Dannatt cho rằng, một trong những điều quan trọng nhất ở giai đoạn này là các bên liên quan tới vụ việc tiếp tục đối thoại và hành xử thận trọng. Ông Dannatt đưa ra 2 giả thuyết về nguyên nhân vụ rơi tên lửa, bao gồm do sơ suất của Nga hoặc Nga đang thử phản ứng của NATO. 

"Công nghệ hiện đại khá chính xác, vì vậy khó giải thích rằng đây có thể là một tai nạn. Nếu đó không phải là một tai nạn và là một phép thử đối với phản ứng của phương Tây, thì đó là điều phải được xem xét rất cẩn trọng. Cần phải có những cái đầu lạnh để đảm bảo cuộc chiến kinh hoàng này không leo thang do tính toán sai lầm", ông Dannatt nói.

Theo WSJ, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine