1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga đưa ra bằng chứng vô can trong vụ rơi tên lửa xuống Ba Lan

Thành Đạt Minh Phương

(Dân trí) - Dựa vào phân tích hình ảnh, các chuyên gia của Nga kết luận tên lửa rơi xuống Ba Lan hôm 15/11 là của Ukraine. Phương Tây cũng bắt đầu cho rằng đó là tên lửa phòng không do Kiev khai hỏa.

Nga đưa ra bằng chứng vô can trong vụ rơi tên lửa xuống Ba Lan - 1

Khói bốc lên ở Lviv, vùng giáp biên giới Ba Lan, ngày 15/11 sau các cuộc tập kích tên lửa của Nga (Ảnh: AFP).

Theo RT, Bộ Quốc phòng Nga hôm nay 16/11 ra thông cáo nói rằng, các chuyên gia của họ đã phân tích ảnh chụp những mảnh vỡ tên lửa tại hiện trường vụ nổ ở làng Przewodow của Ba Lan gần biên giới Ukraine.

"Dựa vào hình ảnh ghi lại các mảnh vỡ ở Przewodow, Ba Lan, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nga xác định được đó là các bộ phận của tên lửa phòng không dẫn đường S-300 của Không quân Ukraine", thông cáo nêu rõ.

Cả Nga và Ukraine đều sử dụng tổ hợp phòng không S-300 thiết kế từ thời Liên Xô, song đến nay Moscow đã nâng cấp lên thành tổ hợp S-400 và S-500.

Thông cáo cho biết thêm, tất cả các cuộc tập kích chính xác cao của tàu chiến và máy bay Nga hôm 15/11 đều nhằm vào sở chỉ huy quân sự hoặc hạ tầng năng lượng của Ukraine, cách biên giới Ba Lan ít nhất 35km. Trong khi đó, làng Przewodow cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 6km.

Chiều 15/11, một tên lửa bất ngờ rơi xuống khu vực trang trại ở Przewodow của Ba Lan, khiến 2 người thiệt mạng. Giới chức Ba Lan sau đó nói rằng, đây dường như là tên lửa do Nga sản xuất nhưng họ chưa thể xác định được bên nào đã khai hỏa.

Tổng thống Ba Lan: Vụ nổ tên lửa nhiều khả năng do Ukraine khai hỏa

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết tên lửa khiến 2 người thiệt mạng trên lãnh thổ nước này hôm 15/11 nhiều khả năng do lực lượng phòng không Ukraine khai hỏa.

Nga đưa ra bằng chứng vô can trong vụ rơi tên lửa xuống Ba Lan - 2

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (Ảnh: EPA).

Phát biểu với báo chí hôm nay, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói: "Nhiều khả năng, tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là tên lửa do Nga sản xuất từ những năm 1970. Chúng tôi không có bằng chứng Nga đã khai hỏa nó. Rất có thể đó là một tên lửa phòng không của Ukraine.

Theo ông, đây có vẻ là một "sự việc sơ suất ngoài ý muốn" hơn là một vụ tấn công chủ ý. Cụ thể, tên lửa đã lao xuống lãnh thổ Ba Lan khi quân đội Ukraine tìm cách ngăn chặn cuộc tập kích của Nga. "Điều này hoàn toàn dễ hiểu, Ukraine tự vệ bằng cách khai hỏa tên lửa nhằm phá hủy tên lửa của Nga. Do vậy, Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc", ông Duda bình luận.

"Từ thông tin mà chúng tôi và các đồng minh có được, đó là một tên lửa S-300 do Liên Xô sản xuất, một tên lửa cũ và không có bằng chứng nào cho thấy tên lửa này được phóng từ phía Nga. Nhiều khả năng tên lửa do lực lượng phòng không Ukraine phóng", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói với các phóng viên hôm nay 16/11.

Tổng thống Duda nói rằng đây là một "tai nạn đáng tiếc", chứ không phải là một cuộc tấn công có chủ ý trên lãnh thổ Ba Lan. Ông xác nhận tên lửa đã rơi xuống Ba Lan khi lực lượng Ukraine đang cố gắng đánh chặn các cuộc tấn công của Nga.

"Ukraine đang tự bảo vệ mình - đó là điều hiển nhiên và dễ hiểu - bằng cách phóng tên lửa có nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa của Nga (ở trên không). Vì vậy, phía Nga chắc chắn phải chịu trách nhiệm về vụ việc hôm qua", ông Duda tuyên bố.

Phương Tây nghi ngờ tên lửa phòng không của Ukraine

Các nước phương Tây kêu gọi thận trọng và điều tra toàn diện trước khi đưa ra bất cứ kết luận nào. Tuy nhiên, họ bắt đầu cho rằng, tên lửa do Ukraine khai hỏa.

Tại một cuộc họp báo hôm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, nhưng "các phân tích ban đầu cho thấy vụ việc dường như do tên lửa phòng không của Ukraine gây ra khi họ tìm cách đánh chặn tên lửa hành trình của Nga". "Tôi muốn nói rõ rằng, đó không phải lỗi của Ukraine. Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng", người đứng đầu NATO bày tỏ quan điểm.

Ông cho biết thêm, NATO họp khẩn cấp về vụ việc nhưng không phải do kích hoạt Điều 4 trong Hiến chương NATO khi các thành viên cần tham vấn về một mối đe dọa an ninh nào đó nhằm vào thành viên.

"Chúng tôi không thấy bất cứ dấu hiệu nào rằng đây là một vụ tấn công chủ ý nhằm vào lãnh thổ NATO, không có dấu hiệu Nga có ý định hành động quân sự chống lại các đồng minh NATO", ông Stoltenberg bổ sung thêm.

Một quan chức NATO giấu tên nói với CNN, một máy bay của liên minh có thể đã theo dõi được đường đi của tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan. Theo quan chức này, "thông tin tình báo về đường đi radar của tên lửa đã được cung cấp cho NATO và Ba Lan". Tuy nhiên, nguồn tin không cung cấp thông tin chi tiết về việc tên lửa có thể được phóng từ đâu hoặc do ai.

Trong một diễn biến liên quan, Reuters dẫn một nguồn tin NATO cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với các đối tác G7 và NATO rằng vụ nổ tên lửa ở miền Đông Ba Lan là do tên lửa phòng không của Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder viết trên Twitter: "Dựa vào thông tin hiện tại, vụ nổ ở Ba Lan dường như là do hệ thống phòng không của Ukraine. Các mảnh vỡ tên lửa của cả Nga và Ukraine được cho là đã rơi xuống Ba Lan. Điều này sẽ được xác thực thông qua các cuộc điều tra".

Nga đưa ra bằng chứng vô can trong vụ rơi tên lửa xuống Ba Lan - 3

Làng Przewodow của Ba Lan sát biên giới Ukraine (Bản đồ: Mbox).

Sau vụ tên lửa rơi, Ba Lan - một thành viên của NATO - đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh quốc gia, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động cao. Nhiều ý kiến cho rằng, Ba Lan có thể sẽ cân nhắc kích hoạt Điều 4 của Hiến chương NATO. Điều này làm dấy lên lo ngại xung đột ở Ukraine lan rộng sang nước láng giềng và NATO có thể bị cuốn vào xung đột.

Tuy nhiên ông Stoltenberg khẳng định, dựa trên những phân tích sơ bộ, hiện không có lời kêu gọi nào về việc kích hoạt Điều 4 của Hiến chương NATO. Điều 4 của Hiến chương NATO nói rằng, theo ý kiến của bất kỳ quốc gia thành viên nào, liên minh này sẽ cùng nhau tham vấn mỗi khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh chính trị của một thành viên bị đe dọa. 

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm