DNews

Nỗ lực phòng vệ của Nga trước các vụ tấn công vào cầu Crimea huyết mạch

Thành Đạt

(Dân trí) - Cây cầu huyết mạch nối Nga với bán đảo Crimea liên tục trở thành mục tiêu của các cuộc tập kích mà Moscow cáo buộc là do Ukraine tiến hành, bất chấp nỗ lực bảo vệ nghiêm ngặt của Nga.

Nỗ lực phòng vệ của Nga trước các vụ tấn công vào cầu Crimea huyết mạch

Đầu tuần trước, Nga cáo buộc Ukraine sử dụng 2 xuồng tự sát để tấn công cầu Crimea. Vụ tập kích khiến 2 người thiệt mạng và làm một nhịp cầu xệ xuống. Kiev không nhận trách nhiệm về vụ tấn công mới nhất này, song một số nguồn thạo tin nói rằng đây là một chiến dịch đặc biệt của Cơ quan An ninh và hải quân Ukraine.

Sau vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn. Moscow đã thực hiện các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các thành phố cảng ở phía nam Ukraine gồm Odessa và Mykolaiv trong 5 đêm liên tiếp.

Nga cũng thông báo không gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen - thỏa thuận giữa Nga và Ukraine do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Thỏa thuận nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu ra vào cảng của Ukraine để tránh làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này trong thời gian chiến sự.

Bất chấp những cảnh báo của Moscow, giới chức Ukraine tuyên bố sẽ bằng mọi cách giành lại bán đảo Crimea. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 21/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, mục tiêu của Kiev là giành lại toàn bộ bán đảo Crimea bởi vì đây là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine.

Theo ông Zelensky, cầu Crimea không đơn thuần là một tuyến đường hậu cần, đó là tuyến đường để vận chuyển đạn dược và quân sự hóa bán đảo Crimea, do vậy "dễ hiểu tại sao cây cầu này trở thành mục tiêu của Ukraine và tất cả mục tiêu nào liên quan đến chiến tranh đều phải bị vô hiệu hóa".

Mối nguy hiểm thường trực

Nỗ lực phòng vệ của Nga trước các vụ tấn công vào cầu Crimea huyết mạch - 1

Cầu Crimea bị hư hại sau vụ tấn công hôm 17/7 (Ảnh: Reuters).

Các cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái trên biển và trên không vào cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea và cầu Crimea gần đây đã cho thấy sự thay đổi về chiến tranh trên biển, cũng như nguy cơ dễ bị tổn thương của bán đảo Crimea và sự thật đáng lo ngại về các cuộc tấn công từ xa.

Hình ảnh từ cuộc tấn công bằng xuồng tự sát đã giúp hiểu phần nào về cách thức kết hợp công nghệ điều hướng hiện đại với xuồng trên biển và phương pháp chế tạo bom truyền thống.

Những chiếc xuồng tự sát trông giống xuồng cao tốc có mũi nhọn, dài khoảng 5,5m. Ở phần mũi xuồng có một camera xoay tròn được lắp trên một trụ nhỏ. Ở phần đuôi xuồng, một trụ khác dường như là thiết bị nhận tín hiệu từ vệ tinh Starlink.

Động cơ đẩy dường như được lấy từ một nguồn phi quân sự: có khả năng là một động cơ nước do công ty Sea Doo của Canada, một hãng cung cấp mô tô nước dân sự, sản xuất. Thiết bị quân sự duy nhất trên xuồng là hai kíp nổ lấy từ bom trên không FAB-500 do Liên Xô thiết kế.

Việc sử dụng xuồng để tấn công mục tiêu không phải là ý tưởng mới. Nhưng công nghệ không người lái hiện đại đã giúp làm giảm chi phí và lực lượng hải quân không cần dùng người điều khiển xuồng để tiếp cận và tấn công mục tiêu,

Khi khoảng gần chục xuồng chứa bom của Ukraine được cho là tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga ở cảng Sevastopol, một số chuyên gia hải quân đã gọi đây là một bước ngoặt trong chiến tranh trên biển. Không tàu nào của Nga bị đánh chìm, nhưng ít nhất vài chiếc đã bị hư hại sau các cuộc tấn công bằng xuồng tự sát.

Bằng cách xâm nhập vào khu vực cảng được bảo vệ nghiêm ngặt ở Sevastopol, xuồng tự sát đã trở thành một mối đe dọa mới và nghiêm trọng đối với Nga ở Biển Đen.

Cuộc tấn công mới nhất vào cầu Crimea cho thấy mối đe dọa vẫn nghiêm trọng và ngày càng gia tăng. Lực lượng hải quân Nga sẽ phải nghiên cứu mối đe dọa này một cách cẩn trọng.

Các chuyên gia cho rằng, cầu Crimea vẫn là một trong những "lỗ hổng" lớn của Nga. Được hoàn thành từ năm 2018, cây cầu này vừa là thành tựu kỹ thuật lớn vừa là biểu tượng cho sức mạnh của Nga sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Đây được cho là cây cầu vượt biển dài nhất châu Âu và là biểu tượng của sự kết nối giữa Crimea với Nga.

Cầu Crimea cũng giảm bớt áp lực lên tuyến phà quá tải và là tuyến đường thẳng duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Tuy vậy, cầu Crimea dài 19km hiện trở thành "nút thắt cổ chai" trong mạng lưới hậu cần tiếp tế cho các lực lượng của Nga ở miền Nam Ukraine. Việc bảo vệ cây cầu huyết mạch này cũng ngày càng trở nên khó khăn đối với Nga.

Nỗ lực phòng vệ của Nga trước các vụ tấn công vào cầu Crimea huyết mạch - 2

Cháy lớn trên cầu Crimea trong vụ tấn công vào tháng 10/2022 (Ảnh: Reuters).

Ukraine lần đầu tiên bị cáo buộc tấn công cầu Crimea vào tháng 10 năm ngoái khi một vụ nổ bom xe trên cầu khiến cầu bị hư hại nặng. Moscow cáo buộc Kiev đứng sau vụ việc và gọi đây là hành động "tấn công khủng bố". Thời điểm đó, Ukraine phủ nhận liên quan. Chỉ đến gần đây, Kiev mới bóng gió xác nhận.

Về khía cạnh quân sự, phần đường sắt trên cầu Crimea được cho là có vai trò quan trọng hơn phần đường bộ. Mặc dù trong vụ tấn công mới nhất, phần đường sắt dường như không bị hư hại, nhưng việc cây cầu bị phong tỏa tạm thời cũng gây áp lực không thể tránh khỏi cho quân đội Nga khi họ đang nỗ lực đối phó với chiến dịch phản công của Ukraine.

George Barros, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, cho biết nếu cầu Crimea bị hư hại nghiêm trọng, nó sẽ tác động đáng kể đến các tuyến tiếp tế của Nga.

"Nga sẽ chỉ còn một đường tiếp tế trên bộ - đường cao tốc ven biển trên Biển Azov - để duy trì hoặc sơ tán hàng chục nghìn binh lính của họ ở Kherson và Crimea, nếu Ukraine tìm cách làm xuống cấp hoặc phá hủy cây cầu", chuyên gia Barros viết trên Twitter.

Chiến dịch phản công đã bước sang tuần thứ 7, với tốc độ chậm chạp và tổn thất đáng kể, nhưng Ukraine không giành được nhiều vùng lãnh thổ như kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, Ukraine đang cần một bước tiến rõ ràng và theo các chuyên gia, điều đó đã được thể hiện qua cuộc tấn công gần đây vào cầu Crimea.

Cầu Crimea là một trong những địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt dưới sự kiểm soát của Nga. An ninh trên cây cầu cũng được tăng cường sau vụ tấn công vào tháng 10 năm ngoái.

Việc tấn công một cây cầu được bảo vệ gắt gao từ cả trên không, trên biển và trên đất liền sẽ là một "đòn giáng" nghiêm trọng về quân sự. Cuộc tấn công gần đây cho thấy, rõ ràng không có nơi nào an toàn cho các mục tiêu quan trọng của Nga ở Ukraine, thậm chí ở khu vực cách xa tiền tuyến.

Nỗ lực phòng vệ của Nga trước các vụ tấn công vào cầu Crimea huyết mạch - 3

Cầu Crimea là cây cầu huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine (Ảnh: Reuters).

Cầu Crimea không chỉ là biểu tượng của Nga, mà còn là huyết mạch hậu cần quan trọng, vận chuyển binh lính và khí tài quân sự của Nga vào Crimea và tiền tuyến ở Ukraine.

Mặc dù chỉ có phần đường bộ dường như bị hư hại trong cuộc tấn công lần này, nhưng cuộc tấn công cũng là tín hiệu cảnh báo rằng các nhịp đường sắt, nơi chuyên chở khối lượng lớn thiết bị quân sự, cũng rất dễ bị tổn thương và nếu phần đường này bị tấn công sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động tiếp tế của Nga.

Việc tấn công vào các tuyến hậu cần của Nga là yếu tố "sống còn" đối với chiến dịch phản công của Ukraine vì điều đó sẽ làm giảm sức mạnh chiến đấu của Moscow trên các tuyến phòng thủ. Nếu muốn giành được bước tiến trong chiến dịch phản công, Ukraine phải chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga.

Cho đến nay, không có gì đảm bảo rằng cầu Crimea sẽ không tiếp tục bị tấn công. Cây cầu vẫn nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí như tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp cho Ukraine. Ukraine gần đây tập trung mục tiêu tấn công vào các điểm hậu cần của Nga bằng cách sử dụng các tên lửa do Mỹ và các đồng minh phương Tây cung cấp.

Đại tướng Không quân Mỹ Phillip Breedlove, cựu Tư lệnh các lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu, từng nhận định cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối liền lãnh thổ Nga với Crimea là một "mục tiêu tấn công tiềm năng" của quân đội Ukraine.

"Khi phương Tây đã hỗ trợ Ukraine tên lửa chống hạm Harpoon, tôi nghĩ Nga càng có lý do để lo ngại việc Ukraine tấn công cầu. Với tên lửa Harpoon, Kiev có đủ năng lực để thực hiện vụ tấn công nhằm vào hạ tầng bắc qua eo biển Kerch", tướng Breedlove cảnh báo.

Theo Paul Adams, nhà bình luận của BBC, chừng nào cầu Crimea còn được sử dụng cho bất kỳ mục đích quân sự nào của Nga, nó sẽ vẫn "nằm trong tầm ngắm của Kiev".

Cây cầu được bảo vệ nghiêm ngặt

Nỗ lực phòng vệ của Nga trước các vụ tấn công vào cầu Crimea huyết mạch - 4

Vị trí cầu Crimea (Ảnh: AFP).

Kể từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, cầu Crimea trở thành mục tiêu của những lời đe dọa tấn công từ các quan chức chính quyền Ukraine cùng một số đồng minh phương Tây. Sau cuộc tấn công vào năm ngoái, Nga đã tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh cho cây cầu huyết mạch này, đặc biệt trong bối cảnh Ukraine liên tục nhận được các vũ khí hiện đại từ phương Tây.

Cầu Crimea được đánh giá là một trong những cây cầu được bảo vệ tốt nhất trên thế giới, không chỉ từ trên bộ, trên trời, mặt biển, mà còn từ dưới nước và trong không gian.

Theo trang tin Meduza, các lối vào cầu Crimea ở cả hai bên đều được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các đơn vị đặc biệt của lực lượng vệ binh Nga. Nhiệm vụ của họ là kiểm tra các xe ô tô đi vào cây cầu này để phát hiện các loại chất nổ và hàng hóa khả nghi. Lực lượng vệ binh Nga được cho là có sự hỗ trợ của lực lượng kiểm soát biên giới đặc biệt và các nhóm chống phá hoại hoạt động cả trên bộ và dưới nước.

Theo tuyên bố của Bộ Giao thông Nga, các xe đi qua cầu Crimea sẽ được soi chiếu với sự trợ giúp của các hệ thống đặc biệt có thể "phát hiện ngay cả một hạt nhỏ bên trong xe hoặc xem tài xế đã mang gì để ăn trưa". Ngoài ra, các trạm quan sát có trang bị camera cũng được bố trí trên cầu.

Trong trường hợp khẩn cấp, một đội phản ứng nhanh đặc biệt sẽ được điều động đến hiện trường trong vòng vài phút để dọn dẹp hiện trường vụ tai nạn và điều tra chuyện gì đã xảy ra trên cầu.

Trên mặt nước, các đội tàu nhỏ có tính cơ động cao được triển khai để thực hiện nhiệm vụ tuần tra dọc theo bờ biển, trong đó có xuồng chống phá hoại Grachonok (được trang bị súng máy, súng phóng lựu hoặc thậm chí cả hệ thống tên lửa Igla), xuồng Mangust (được trang bị súng máy và tên lửa, nhưng chủ yếu được sử dụng để chặn tàu và kiểm tra).

Ngoài ra, Nga có thể sử dụng cả xuồng đổ bộ BK-16 (cùng tên lửa, súng máy và 19 lính dù trên tàu), xuồng máy Afalina và Sargan.

Để bảo vệ cây cầu khỏi bị va chạm, các công sự bê tông hình trụ đặc biệt đã được xây dựng ở phía trước các trụ cầu, giúp ngăn tàu thuyền đi quá gần các trụ cầu.

Từ trên bộ, các tàu được hỗ trợ bởi tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal, được trang bị tên lửa chống hạm với tầm bắn lên tới 260km, và tổ hợp hiện đại Bastion với tên lửa hành trình Onyx.

Ngoài ra, cầu Crimea cũng được bảo vệ dưới nước để ngăn chặn việc khai thác hoặc phá hoại các trụ cầu. Các thợ lặn quân sự và các biệt đội của Hạm đội Biển Đen thường xuyên tiến hành kiểm tra dưới nước. Hệ thống kiểm soát dưới nước Plavnik được cho là có thể phát hiện một người ở khoảng cách 2km và một tàu ở khoảng cách 3km.

Bẫy âm thanh đặc biệt - hệ thống Amulet-P - cũng hỗ trợ bảo vệ cây cầu. Ngoài thợ lặn và bẫy, cá heo được huấn luyện đặc biệt được cho là tham gia vào việc bảo vệ cầu Crimea.

Nga được cho là theo dõi và bảo vệ cây cầu từ vệ tinh đặc biệt Kosmos-K. Trên bầu trời, các máy bay chiến đấu Su-27 và máy bay trinh sát săn ngầm Il-38 của Nga cũng thường xuyên tuần tra khu vực Crimea.

Nỗ lực phòng vệ của Nga trước các vụ tấn công vào cầu Crimea huyết mạch - 5

Tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh: RT).

Trên mặt đất, Nga triển khai các hệ thống phòng không với các tầm bắn khác nhau gồm hệ thống tên lửa S-400 Triumph và hệ thống phòng không Pantsir-S1. Các hệ thống radar cũng tham gia bảo vệ cầu Crimea, gồm Podsolnukh (nằm ở Crimea và có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 450km) và trạm Voronezh-DM.

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không di động tầm cao đa năng có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết và có chế áp điện tử cường độ cao.

Với khả năng đánh chặn các mục tiêu bay từ khoảng cách lên tới 400km ở độ cao 40-50km, tổ hợp S-400 có khả năng bảo vệ cầu Crimea và các mục tiêu quân sự khác của Nga trên bán đảo này trước máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của đối phương.

Các xe đặc chủng tạo khói ngụy trang đã được điều động đến khu vực cầu Crimea. Các thiết bị tạo khói này có khả năng tạo ra một màn khói trắng dày đặc có khả năng đánh lừa và làm giảm hiệu quả của đầu dò hình ảnh trên một số tên lửa hành trình dẫn đường và máy bay trinh sát của quân đội Ukraine.

Theo thống kê của BBC, 700 triệu rúp (khoảng 11 triệu USD) đã được chi vào năm 2022, cộng với 618 triệu rúp khác, cho các hệ thống an ninh kỹ thuật khác nhau. Theo các phương tiện truyền thông Nga, việc bảo vệ phần đường sắt của cầu Crimea cũng tiêu tốn một khoản tiền tương tự.

Nỗ lực phòng vệ của Nga trước các vụ tấn công vào cầu Crimea huyết mạch - 6

Xuồng tự sát (Ảnh: Telegraph).

Trước mối đe dọa từ xuồng tự sát, truyền thông Nga đưa tin, nhà thầu Ruselectronics của nước này đã chế tạo ra các trạm radar di động nặng 25kg có khả năng phát hiện ra xuồng tự sát của Ukraine từ khoảng cách 6km. Thiết bị này có thể được sử dụng để giám sát cầu Crimea và các mục tiêu quan trọng khác có nguy cơ trong tầm tấn công của Ukraine.

Theo chuyên gia quân sự H I Sutton, các hình ảnh chụp ở St. Petersburg cho thấy, Nga dường như đang thử nghiệm trang bị cho tàu hộ tống tên lửa Sovetsk thiết bị gây nhiễu GPS và ăng-ten từ hệ thống tác chiến điện tử (EW) Pole-21. Trước đó, có thông tin nói rằng Pole-21 có khả năng gây nhiễu và chặn tín hiệu của thiết bị internet vệ tinh Starlink.

Giới quan sát nhận định, Ukraine dường như dùng Starlink để điều hướng và kết nối xuồng tự sát và trung tâm chỉ huy trong các nhiệm vụ chiến đấu.

Theo các chuyên gia, nếu Nga triển khai hiệu quả hệ thống tác chiến điện tử lên tàu Sovetsk, các chiến hạm ở Hạm đội Biển Đen có thể được nhận những cải tiến tương tự nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ xuồng tự sát của Ukraine. 

Nhà sử học quân sự Dmitry Boltenkov nói với báo Izvestia rằng, lữ đoàn hàng hải của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga chịu trách nhiệm bảo vệ vùng biển tiếp giáp với cầu Crimea.

"Vì mục đích này, họ đã được trang bị 3-4 tàu loại Grachonok và họ có thể có cả những xuồng máy khác nữa. Hải quân có thể cũng đóng một vai trò trong nỗ lực bảo vệ cây cầu, với các tàu chiến hải quân được sử dụng cho mục đích này.

Các lực lượng phòng không đóng ở cả hai bên cầu cũng đóng vai trò tương tự. Các hệ thống tên lửa Pantsir và S-400 được cho là đang được triển khai cho mục đích này. Chắc chắn, cầu Crimea là một cơ sở rất quan trọng và nó cần được bảo vệ tương xứng", chuyên gia Boltenkov nhận định.

Những động thái trên cho thấy quân đội Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản cây cầu chiến lược tại Crimea bị tập kích bằng tên lửa hành trình hoặc các vũ khí tầm xa của đối phương. 

Đô đốc Valentin Selivanov, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga, cho rằng việc ngăn chặn các cuộc tấn công gây thiệt hại lớn vào cầu Crimea trong tương lai đòi hỏi phải có sự phân tích kỹ lưỡng về cách thức các cuộc tấn công có thể được thực hiện cũng như loại vũ khí được sử dụng.

"Bây giờ, các cuộc tấn công có thể được thực hiện từ trên không, trên biển và từ dưới nước", ông Selivanov nói, đồng thời cho biết Nga có các phương tiện để đảm bảo khả năng phòng thủ dưới nước, trên biển và trên không.

"Vì vậy, làm thế nào để triển khai tốt hơn và sử dụng những phương tiện này một cách hợp lý cần được suy tính thấu đáo hơn. Chúng ta cần một lớp phòng thủ, cả bên trên và bên dưới cây cầu. Và một số tuyến phòng thủ đối phó với Ukraine cũng nên được thiết lập", ông Selivanov nói, dựa trên giả định rằng Ukraine sẽ không ngừng nỗ lực tấn công cầu Crimea chừng nào chiến dịch quân sự vẫn tiếp diễn.

Theo Telegraph, Pravda, Reuters, New York Times