1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những tín hiệu tích cực liên quan đến biến chủng Omicron

Minh Phương

(Dân trí) - Mặc dù Omicron bắt đầu cho thấy dấu hiệu lây lan nhanh, nhưng phần lớn ca bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ và hiện tại các phòng thí nghiệm ở Mỹ đã có thể phát hiện Omicron qua xét nghiệm PCR.

Những tín hiệu tích cực liên quan đến biến chủng Omicron - 1

Omicron được phát hiện lần đầu ở châu Phi (Ảnh: Getty).

Omicron chỉ né một phần miễn dịch

Viện quốc gia về Bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) ngày 1/12 cho biết, dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron chỉ né một phần miễn dịch và ảnh hưởng không đáng kể đến hiệu quả của vaccine Covid-19.

"Dữ liệu về các đột biến và bức tranh dịch tễ ban đầu cho thấy, Omicron có thể né một số miễn dịch của con người (khiến con người nhiễm bệnh), nhưng mức độ bảo vệ của vaccine nhằm hạn chế nguy cơ bệnh nặng và tử vong không bị ảnh hưởng nhiều", báo cáo của NICD cho hay.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Omicron có thể né một phần miễn dịch ở người đã tiêm chủng và những người từng mắc Covid-19 dẫn đến các ca nhiễm đột phá, nhưng vấn đề quan trọng là họ đã có miễn dịch để tránh nguy cơ bệnh nặng và tử vong kể cả khi xuất hiện biến chủng mới. Tuy nhiên, không phải nơi nào trên thế giới cũng có độ phủ vaccine đủ để ngăn chặn làn sóng Covid-19. Đó là lý do giới y tế toàn cầu hối thúc các nước nhanh chóng mở rộng độ phủ vaccine, đặc biệt ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Nhiều bệnh nhân có triệu chứng nhẹ

Giới chức y tế Nam Phi cho biết, số ca Covid-19 ở nước này đang tăng nhanh nhưng phần lớn là người có triệu chứng nhẹ. Nói về triệu chứng ở người nhiễm Omicron mà bà trực tiếp điều trị, bà Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi cho biết, nó rất khác với triệu chứng ở người nhiễm biến chủng Delta. Người nhiễm Omicron có triệu chứng rất mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, chóng mặt hoặc ho, nhưng không ai bị mất vị giác hay khứu giác.

Tại cuộc họp báo ngày 1/12, Tiến sĩ Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO, cho biết những người nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng không giống nhau, nhưng nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ và tin rằng vaccine có thể bảo vệ người bệnh diễn tiến nặng.

Những tín hiệu tích cực liên quan đến biến chủng Omicron - 2

Tiến sĩ Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi đã nhận được các báo cáo về các trường hợp nhiễm Omicron có triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Có một số dấu hiệu cho thấy nhiều bệnh nhân đang có biểu hiện bệnh nhẹ, tuy nhiên, đây mới chỉ là những ngày đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các trường hợp được phát hiện", bà Kerkhove nói.

Trước đó, WHO cho biết: "Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ không phải là hệ quả của một sự lây nhiễm cụ thể nào".

Biến chủng Omicron hiện đã lan ra ít nhất 23 quốc gia, vùng lãnh thổ, song số ca nhiễm chưa nhiều và cũng chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến biến chủng này. Mỹ và Hàn Quốc là hai quốc gia mới nhất ghi nhận ca nhiễm Omicron là người có lịch sử đi lại châu Phi gần đây và đều có triệu chứng nhẹ.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo, vẫn còn quá sớm để khẳng định khả năng lây lan hay mức độ nghiêm trọng của Omicron. Trong một kịch bản tích cực, nếu Omicron có lây lan nhanh hơn nhưng độc lực giảm, nó có thể sớm trở thành biến chủng trội toàn cầu, thay thế Delta và Covid-19 sẽ không gây mối đe dọa lớn như hiện nay khi độ phủ vaccine toàn cầu tăng lên.

Có thể phát hiện bằng xét nghiệm PCR

Những tín hiệu tích cực liên quan đến biến chủng Omicron - 3

Biến chủng Omicron có thể được phát hiện thông qua xét nghiệm PCR (Ảnh minh họa: Getty).

Vài ngày hoặc thậm chí vài tuần trước khi Nam Phi và Botswana phát hiện biến chủng Omicron hồi tháng 11, các nhân viên phòng xét nghiệm ở Nam Phi phát hiện sự kỳ lạ ở nhiều mẫu xét nghiệm Covid-19 PCR.

Sau khi tiến hành giải trình tự gen, các chuyên gia nhận thấy các mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 mới có điểm chung là chứa nhiều đột biến. Họ cũng phát hiện ra một điều là gen S - một gen mục tiêu để xác định mẫu bệnh phẩm có nhiễm SARS-CoV-2 hay không - biến mất. Đây là một trong những đột biến mà sau này các nhà khoa học dùng để phân biệt biến chủng Omicron với biến chủng Delta.

Thông thường, SARS-CoV-2 bao gồm 4 gen là N, S, E và ORF. Xét nghiệm PCR hoàn chỉnh có thể chỉ ra toàn bộ những gen này, nhưng trong các mẫu thử của Nam Phi, các nhà khoa học phát hiện gen S đã biến mất, có thể do virus đột biến.

Thông qua nghiên cứu của các nhà khoa học Nam Phi, WHO cho biết các quốc gia có thể sử dụng xét nghiệm PCR để tìm ra những mẫu virus thiếu gen S, từ đó phát hiện biến chủng Omicron mà không cần giải trình tự. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực để phát hiện Omicron ở các điểm nóng.

Mặc dù hiện tại không phải bộ công cụ xét nghiệm PCR cũng có thể xác định được Omicron, nhưng với phát hiện mới, trong thời gian tới, bộ xét nghiệm như vậy sẽ trở nên phổ biến hơn.