1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những khó khăn của Ukraine khi phát động chiến dịch phản công

Ngọc Huy

(Dân trí) - Ukraine đang nằm ở thế "trên đe dưới búa" khi buộc phải phản công, nhưng nếu thất bại, họ có thể sẽ "thua cả ván cờ". Chính vì thế, sự thận trọng của Kiev cũng là điều dễ hiểu.

Những khó khăn của Ukraine khi phát động chiến dịch phản công - 1

Binh sĩ Ukraine trên chiến trường Bakhmut hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters).

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Volodymyr Havrylov nói trong cuộc phỏng vấn ngày 7/5 rằng: "Chúng tôi sẽ phát động cuộc phản công, ở đâu và khi nào không quan trọng… Nhưng khi điều đó xảy ra, Nga sẽ rất hoảng loạn".

Tuy vậy, cuộc phản công của Ukraine được phương Tây rất kỳ vọng vẫn bị trì hoãn nhiều lần và tới thời điểm hiện tại vẫn chưa biết lúc nào sẽ diễn ra. Trên thực tế, Ukraine có nhiều vấn đề cần giải quyết để thực hiện cuộc phản công có kết quả, cũng như nhìn thấy trước mức độ thành công thấp và rủi ro sau đó có thể là quá lớn đối với Kiev, khiến họ buộc phải thận trọng.

Ukraine đã chuẩn bị nguồn lực để phản công đến đâu?

Sau hơn 1 năm chiến sự, cả Nga và Ukraine đã có nhiều lần điều chỉnh phương thức tác chiến. Ukraine cũng từng giành những kết quả khả quan trong đợt phản công cuối năm 2022 tại Kharkov và Kherson, tuy nhiên, điều đó được cho là vẫn chưa gây những khó khăn đáng kể với cường quốc bậc nhất thế giới về tiềm lực quân sự và công nghiệp quốc phòng như Nga.

Trải qua nhiều cuộc đại chiến, lại có quy mô dân số lớn và ngành công nghiệp quốc phòng hùng hậu, Lực lượng vũ trang Liên bang Nga dù bắt đầu cuộc chiến không mấy thành công, giống các cuộc chiến trong quá khứ, nhưng một khi "Gấu Nga" thức tỉnh, ưu thế khó thuộc về Ukraine kể cả khi Kiev có sự viện trợ và hậu thuẫn rất mạnh từ Mỹ và phương Tây.

Điều lo lắng nhất của Ukraine hiện tại chính là sự hao hụt nhân sự trong chiến đấu bởi quân đội Nga với ưu thế hỏa lực vượt trội, luôn gây thương vong lớn cho đối phương. Những "cối xay thịt" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng như Bakhmut, Avdiivka hay Soledar… đã bào mòn đáng kể lực lượng binh sĩ chính quy tinh nhuệ và dày dạn kinh nghiệm mà Ukraine phải mất nhiều năm mới đào tạo được.

Bên cạnh đó, lực lượng tân binh mới gọi nhập ngũ của Ukraine qua các đợt tổng động viên chưa thế đáp ứng yêu cầu tác chiến phức tạp hay hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn trong các đợt phản công quy mô lớn.

Con số thiệt hại của Ukraine và Nga dù còn có nhiều tranh cãi, nhưng với mức độ ác liệt của chiến trường, chỉ số này có thể lên tới hàng trăm nghìn binh sĩ.

Trong khi Nga có quy mô quân đội và nguồn lực tổng động viên lớn hơn có thể phục hồi nhanh chóng sau các thiệt hại, Ukraine không có được nguồn lực bổ sung dồi dào như vậy.

Một vấn đề khác cần tính tới để thực hiện phản công là hậu cần và nguồn lực quân sự. Rõ ràng là với ưu thế về vũ khí tầm xa, chính xác cao, Nga cơ bản có thể vươn tới bất kỳ địa điểm nào trong lãnh thổ Ukraine.

Dù có nhận được nguồn viện trợ quân sự, vũ khí hiện đại từ Mỹ và phương Tây, nói chung Ukraine khó có thể xoay chuyển được cục diện chiến trường. Nhiều loại vũ khí được ca tụng là hiệu quả tại Ukraine như: pháo phản lực HIMARS, tên lửa hành trình Shadow Storm hay hệ thống phòng không Patriot…, nhưng cũng không phát huy hết hiệu quả.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống kho tàng, địa điểm tập kết đạn dược và trang bị của Ukraine liên tục bị tấn công dọc theo chiến tuyến dài cả nghìn km tại phía Đông và Đông Nam đã khiến khả năng tập trung quân để tổ chức phản công lớn của Kiev rất khó thực hiện.

Sau hơn 1 năm chiến sự, qua những thành công và cả thất bại, người Nga đã có nhiều bài học từ chiến trường và đang thể hiện khả năng thích nghi nhanh chóng với các phương thức tác chiến của Ukraine. Điều này có thể thấy qua hệ thống công sự phòng thủ nhiều lớp, phương thức tổ chức tác chiến và lựa chọn điểm quyết chiến… đã một lần nữa khẳng định Nga là cường quốc quân sự.

Một điểm khác cần lưu ý là sau khi tổ chức tổng động viên một phần lực lượng dự bị, hơn 300.000 binh sĩ Nga đã có gần 10 tháng huấn luyện và là dự trữ đáng kể có thể huy động để chống lại mọi đòn phản công của Ukraine.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng được tối ưu và tăng công suất sản xuất các loại vũ khí có hiệu quả cao trên chiến trường. Sự ra đời của các biến thể nâng cấp của xe tăng T-72, T-90; tái trang bị xe tăng T-62, T-54 thế hệ cũ hay mở rộng việc sử dụng các loại UAV cảm tử đã minh chứng cho việc thay đổi và thích nghi của Nga.

Ai đang kiểm soát bầu trời?

Trong tác chiến hiện đại, ai kiểm soát bầu trời sẽ làm chủ chiến trường. Đó là thực tiễn đã được chứng minh qua nhiều cuộc chiến dọc chiếu dài thế kỷ 20. Điều đó cũng giải thích tại sao Mỹ lại sở hữu lực lượng không quân hùng hậu bậc nhất thế giới.

Tại chiến trường Ukraine, Nga là bên đang kiểm soát bầu trời, mặc dù Moscow chưa tung hết năng lực không quân đồ sộ vào chiến trường.

Về cơ bản, sau hơn một năm cuộc xung đột xảy ra, lực lượng Không quân Ukraine đang gặp khó khăn trong việc ngăn chặn các đòn tấn công đường không của Nga, cũng như việc hệ thống phòng không bị bào mòn liên tục khi cường độ cuộc chiến tăng cao.

Các chuyên gia quân sự phương Tây từng đánh giá, với cường độ không kích của Nga đang thực hiện, Ukraine sẽ sớm hết tên lửa phòng không. Trong khi đó, Kiev không có khả năng sản xuất và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ có giới hạn từ Mỹ và phương Tây.

Điều đó chưa kể tới những loại vũ khí Nga chưa sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến. Đặc biệt chú ý gần đây chính là các loại bom lượn giá rẻ, nhưng sức hủy diệt mạnh mẽ. Không khó để hình dung các mũi đột kích sẽ bị bẻ gẫy ra sao với những đòn không kích chính xác cao.

Gần đây, Ukraine cũng ra sức thuyết phục các quốc gia NATO viện trợ máy bay chiến đấu F-16, nhưng vấn đề đặt ra là việc chuyển loại phi công từ hệ máy bay Liên Xô và Nga sang máy bay phương Tây không phải là quá trình nhanh chóng và dễ dàng.

Điều đó còn chưa kể tới việc các máy bay F-16 khi xuất hiện tại Ukraine liệu có phát huy được sức mạnh, khi nó là dòng máy bay đa năng hạng trung cần hoạt động với sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không. Điều này hoàn toàn không có tại Ukraine.

Tương quan lực lượng hiện tại trên chiến trường miền Đông Ukraine không còn quá chênh lệch như thời điểm bắt đầu xung đột. Nga hiện cũng đã tích tụ được lực lượng đáng kể với trang bị quân sự hiện đại.

Điều này đặt ra vấn đề là điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc phản công của Ukraine bị ngăn chặn còn Nga sẽ tổ chức phản công lại? Trên thực địa chiến trường đã ghi nhận các đơn vị mạnh của Nga tại Kharkov, Kherson và thậm chí là Hải quân đánh bộ của Hạm đội Biển Đen… Đây đều là những đơn vị cơ động mạnh, có khả năng đột kích hiệp đồng binh chủng. Nếu Ukraine phản công thất bại, kịch bản cuộc phản công cuối năm 2022 có thể lặp lại, nhưng lần này nắm thế chủ động có thể là Nga. Đây là điều Kiev không hề mong muốn.

Có thể nhận định, Ukraine đang nằm ở thế "trên đe dưới búa" khi buộc phải phản công để được tiếp nhận thêm viện trợ, nhưng nếu tổ chức phản công thất bại thì sẽ "thua cả ván cờ". Do đó, sự thận trọng của Kiev, sau những tuyên bố đanh thép cũng là điều dễ hiểu.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine