Những hệ thống tên lửa phòng không của Nga "biến mất" bí ẩn
(Dân trí) - Hình ảnh vệ tinh cho thấy hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga đột ngột biến mất trong quá trình vận chuyển từ khu vực Kaliningrad đến chiến trường Ukraine.
Bellingcat, một tổ chức điều tra độc lập có trụ sở tại Hà Lan, mới đây đã thực hiện một cuộc điều tra với tiêu đề "Hệ thống phòng không của Nga đột nhiên mất tích khi rời khỏi khu vực Kaliningrad".
Kaliningrad là thành phố cảng nằm trên biển Baltic, vùng lãnh thổ tách biệt với phần còn lại của Nga và giáp với các quốc gia thành viên NATO như Litthuania và Ba Lan. Đối với Moscow, đây là khu vực vô cùng quan trọng, mang tính chiến lược cao.
Câu chuyện bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10, khi nhiều người dùng mạng xã hội và các nhà phân tích nhận ra Nga đang tăng số lượng các chuyến bay vận tải quân sự, đặc biệt là máy bay Il-76 và An-124. Theo báo cáo từ Bellingcat, đây là một trong những vận tải cơ hạng nặng hàng đầu thường xuyên được không quân Nga sử dụng.
Một số nhà quan sát suy đoán rằng Nga có thể đang vận chuyển hệ thống tên lửa S-400 đến Rostov-on-Don, một thành phố nằm gần biên giới phía đông nam Ukraine. Động thái di dời này của Moscow xuất hiện sau khi có thông tin lực lượng Kiev đã chặn đứng một cuộc tấn công của Moscow, đồng thời phá hủy 3 tổ hợp S-400 của Nga bằng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) do Mỹ cung cấp.
Bellingcat đã tìm hiểu các chuyến bay vận tải An-124 và Il-76 rời khỏi Kaliningrad trong suốt đầu tháng 11. Thông qua hình ảnh vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự thay đổi rõ rệt tại hai cứ điểm phòng không của Nga, chứng minh rằng Nga đã di dời không ít hệ thống S-400.
Tuy nhiên, cơ quan này hiện chưa thể nắm được chính xác địa điểm triển khai mới của hệ thống tên lửa đó.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không di động (SAM) do Nga thiết kế. Chúng có thể tấn công máy bay, UAV và tên lửa hành trình, đồng thời có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo.
CSIS cho biết, Nga bắt đầu phát triển loại vũ khí này từ năm 1993. Nga chủ yếu sử dụng loạt tên lửa 48N6, cho phép tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 250km và khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo với bán kính phạm vi lên tới 60km.
Các cuộc điều tra được Bellingcat bắt đầu sau báo cáo ngày 9/11 của Bộ Quốc phòng Anh. Báo cáo phân tích rằng để có thể duy trì khả năng kiểm soát bầu trời Ukraine cũng như bảo vệ Nga từ xa, Moscow có thể sẽ cần phải phân bổ lại các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào thời điểm đó: "Việc tái phân bổ hệ thống phòng không - không quân chiến lược chứng tỏ rằng quân đội Nga đang trong trạng thái căng thẳng quá mức, đồng thời khả năng phòng thủ của Moscow đang suy yếu khi phải liên tục duy trì sự hiện diện trên một vùng lãnh thổ rộng lớn".