1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine đang săn lùng "Rồng lửa" S-400 của Nga ở Crimea?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Ukraine đang gia tăng áp lực lên Nga ở Crimea và dường như đang săn lùng các hệ thống phòng không S-400 tiên tiến bằng tên lửa hành trình chống hạm được cải tiến để tấn công đất liền.

Ukraine đang săn lùng Rồng lửa S-400 của Nga ở Crimea? - 1

Ảnh chụp màn hình vụ nổ mà Ukraine nói rằng khoảnh khắc tổ hợp S-400 của Nga ở Crimea bị phá hủy hôm 23/8 (Ảnh: Newsweek).

Tên lửa chống hạm Neptune cải tiến đã phá hủy một hệ thống phòng không S-400 Triumf gần Olenivka ở phía tây Crimea vào ngày 23/8, đồng thời gây thiệt hại cho bệ phóng và các tên lửa đất đối không, theo các quan chức Ukraine.

Đến hôm 14/9, một hệ thống S- 400 nữa của Nga đã bị hư hại trong cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) tại Yevpatoriya, cũng nằm ở phía tây Crimea.

Hai vụ tập kích liên tiếp làm dấy lên câu hỏi Ukraine có phải đang săn lùng hệ thống phòng không tiên tiến S-400 ở Crimea bằng loại tên lửa Neptune cải tiến?

Hai lần Neptune nghi bắn trúng S-400

S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không cơ động tầm xa, có khả năng đánh chặn máy bay và tên lửa đạn đạo trong phạm vi 300km. Hệ thống phòng không này được Nga triển khai ở Crimea từ năm 2016 để kiểm soát không phận trên toàn bộ nửa phía tây Biển Đen. Ảnh vệ tinh chụp năm 2019 cho thấy Nga có ít nhất 5 khẩu đội S-400 tại bán đảo này, theo Defense One.

Với mức giá 600 triệu USD/đơn vị, S-400 là một trong những hệ thống phòng không đắt đỏ nhất trong kho khí tài quân sự của Nga.

Tương phản, tên lửa hành trình cận âm R-360 Neptune của Ukraine có giá chỉ bằng một phần của S-400, kể cả với quy mô sản xuất thấp trước khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022. Nó có tầm bắn khoảng 400km, với tải trọng khoảng 350kg, War Zone dẫn lời một quan chức ẩn danh của Ukraine.

Chính tên lửa Neptune được Ukraine tuyên bố là thứ vũ khí đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen vào tháng 4/2022. Nga khẳng định con tàu chìm do hỏa hoạn.

Ukraine đang săn lùng Rồng lửa S-400 của Nga ở Crimea? - 2

Một phần của tổ hợp phòng không S-400 tại Moscow vào năm 2018 (Ảnh: Dmitriy Fomin).

Neptune ban đầu được Ukraine thiết kế với mục đích chống hạm nhưng sau đó được bổ sung thêm hệ thống dẫn đường GPS, cho phép đưa tên lửa tới tọa độ đại khái của mục tiêu. Khi tên lửa đã tới nơi, đầu dò của Neptune sẽ tiếp tục đối chiếu ảnh thực địa với ảnh có sẵn của mục tiêu để tìm đường tới đích.

Theo Business Insider, thiết kế này (được gọi là DSMAC hoặc ATR) khiến lực lượng Nga gặp khó khăn hơn trong việc làm nghẽn tín hiệu hoặc phát hiện tên lửa, vì nó không phụ thuộc vào tín hiệu GPS để đưa tên lửa tới mục tiêu ở chặng cuối cùng.

Hiện phía Ukraine chưa công bố thông tin cụ thể về các vụ tập kích S-400. Nhưng nhà báo Ukraine Yurii Butusov cho biết trong vụ tấn công hôm 23/8, tên lửa Neptune được phóng đi sau khi Hải quân Ukraine nhận được thông tin chính xác về vị trí khẩu đội S-400 gần làng Olenivka ở Crimea.

Lực lượng Ukraine sau đó đã lập trình đường bay và các thông số khác của Neptune để vượt qua hệ thống do thám của Nga. Tên lửa này bay ở độ cao cực kỳ thấp.

Đối với vụ tập kích hôm 14/9, War Zone đưa tin Ukraine trước tiên dùng UAV để tấn công radar do thám của S-400 và dọn đường cho tên lửa. Nguồn tin tình báo của War Zone cho biết Hải quân Ukraine sau đó đã bắn 2 tên lửa Neptune để hạ gục bệ phóng của S-400.

Ukraine đang săn lùng Rồng lửa S-400 của Nga ở Crimea? - 3

Một lần thử nghiệm tên lửa Neptune hồi tháng 4/2020 (Ảnh: Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine).

Các cuộc tập kích vào Crimea sẽ không dừng lại

Các cuộc tập kích của Ukraine nhấn mạnh một loạt thách thức mà Nga phải đối mặt trong việc bảo vệ lãnh thổ và khu vực mình kiểm soát, ngay cả khi nước này phần lớn đã trì hoãn thành công cuộc phản công mùa hè của Ukraine.

Theo Breaking Defense, một vấn đề của Nga là quân đội nước này đang dàn trải quá mỏng trang bị phòng không hiện đại để đối phó trước các cuộc tấn công của quân đội Ukraine, cũng như trước phạm vi tập kích ngày càng tăng của máy bay không người lái và tên lửa Ukraine sử dụng.

Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu giữa hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1/2 và sở chỉ huy radar của các tổ hợp tầm xa như S-400 ở Crimea được cho là không hiệu quả. Tổ hợp Pantsir lẽ ra phải đánh chặn các mục tiêu bay thấp nhưng nó không những không cản được tên lửa Neptune mà còn không bắn rơi UAV Ukraine đang ghi hình toàn bộ vụ tập kích.

Hai lần tập kích thành công của Ukraine nhằm vào hệ thống phòng không quan trọng của Nga trong 3 tuần qua cho thấy lá chắn phòng không tại Crimea có thể đang gặp vấn đề mang tính hệ thống, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington D.C. viết trong bản đánh giá định kỳ hôm 14/9.

Ukraine đang săn lùng Rồng lửa S-400 của Nga ở Crimea? - 4

Lửa bùng phát ở xưởng đóng tàu Sevastopol trong bức ảnh được chia sẻ trên Telegram ngày 13/9, nghi do bị tên lửa Storm Shadow gây ra (Ảnh: Telegram).

Kiev nhiều khả năng sẽ không dừng lại với hành động hôm 14/9 vì mỗi lần tập kích hiệu quả sẽ làm tăng khả năng thành công của lần tập kích tiếp theo, do nó làm suy yếu mạng lưới radar và tên lửa hỗ trợ lẫn nhau. Đây còn là cơ hội để Kiev thử nghiệm những loại vũ khí cải tiến của mình.

Đầu năm nay, một quan chức cấp cao của Ukraine đã nói bóng gió rằng bán đảo Crimea, nơi Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014, có thể đóng vai trò là nơi thử nghiệm các loại vũ khí mới.

"Crimea là lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi sẽ thử nghiệm và sử dụng ở đó bất kỳ loại vũ khí nào không bị luật pháp quốc tế cấm để giúp giải phóng lãnh thổ", Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Oleksiy Danilov cho biết hồi tháng 4.

Đương nhiên, Nga cũng sẽ không ngồi yên. Ngay từ khi Ukraine nhận được tên lửa Storm Shadow - loại tên lửa có nguyên lý tìm mục tiêu được Ukraine mô phỏng lại trên Neptune - từ Anh, Nga đã có biện pháp đối phó, đó là tìm cách làm ngoại hình mục tiêu tiềm năng khác đi so với nguyên bản.

Chẳng hạn, gần đây trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh tiêm kích và máy bay ném bom Nga được phủ lốp xe lên trên. Cách làm này, theo War Zone, là để đầu dò của tên lửa dùng công nghệ DSMAC hoặc ATR như Neptune không thể nhận ra mục tiêu vì nó có ngoại hình khác với ảnh trong kho dữ liệu.

Càng biết nhiều về đầu dò của những loại tên lửa này, Nga sẽ càng có khả năng thích ứng. Nhưng hiệu quả của các cách đối phó của Nga hiện tại như sơn thân tàu bằng họa tiết khác hoặc phủ lốp xe lên máy bay còn cần chờ thời gian trả lời.

Theo War Zone, Defense One, Breaking Defense, Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm