1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những điểm đặc biệt của hệ thống phòng không "thần sấm" Nga

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Nhiều UAV cỡ nhỏ của Ukraine đã tấn công phá hủy tên lửa phòng không Tor-M2 của Nga. Đây là điều đáng chú ý vì hệ thống phòng không tầm thấp này vốn được xem là rất uy lực.

Những điểm đặc biệt của hệ thống phòng không thần sấm Nga - 1

Tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 của Nga khai hỏa (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Moscow ca ngợi "sát thủ UAV" Tor-M2

Kyiv Post đưa tin, Điện Kremlin ca ngợi khả năng kỹ - chiến thuật của hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 (được NATO định danh là SA-15 Gauntlet) trong việc bắn hạ các máy bay không người lái cỡ nhỏ của Ukraine mà không đề cập đến những chi phí lớn liên quan.

Trong báo cáo cập nhật tình hình chiến sự ngày 22/11, Bộ Quốc phòng Nga tự hào về việc bắn hạ máy bay không người lái của Ukraine trên khu vực Donetsk bằng tên lửa Tor-M2 có giá 800.000 USD mỗi quả, gấp khoảng 30 lần giá mục tiêu.

Báo cáo đã ca ngợi hoạt động của hệ thống tên lửa trong biên chế Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp số 5 thuộc Nhóm lực lượng Vostok Nga trong các hoạt động ở Ukraine. Các kíp chiến đấu "tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên không và bảo vệ các cánh quân trong chiến dịch quân sự đặc biệt khỏi các cuộc tấn công trên không của đối phương ở Nam Donetsk".

"Chỉ trong những ngày gần đây, hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 thuộc Nhóm lực lượng Vostok đã bắn hạ hơn 20 máy bay không người lái tấn công, trinh sát và cảm tử của đối phương", Bộ này cho biết và đồng thời nhấn mạnh, "nó có thể đẩy lùi các cuộc không kích ngay cả khi đang hành tiến. Tên lửa của Nhóm luôn bắn trúng mục tiêu".

TASS ca ngợi khả năng kỹ thuật của hệ thống tên lửa Tor-M2, đây chắc chắn là hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn, tầm thấp đến trung bình, hoạt động hoàn hảo trong mọi thời tiết, có khả năng tấn công bốn mục tiêu cùng lúc.

Điều mà cả hai cơ quan trên đều không đề cập đến là chi phí của mỗi quả tên lửa 9M338K có giá tương đương 800.000 USD, trong khi chiếc UAV đắt nhất của Ukraine có giá khoảng 30.000 USD.

Bản thân tổ hợp Tor-M2 có giá khoảng 25 triệu USD và cả hai cơ quan của Nga cũng nhắc đến việc các máy bay không người lái có góc nhìn thứ nhất (FPV) rẻ hơn của Ukraine đã phá hủy ít nhất 6 tổ hợp tên lửa loại này trong năm nay. Ngoài ra, số lượng Tor-M2 tương tự đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công bằng pháo binh và HIMARS của Ukraine.

Ukraine phá hủy tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2 Nga (Nguồn: UTDF).

Hệ thống phòng không này có gì đáng sợ?

Được đặt tên là Tor - Thần Sấm Thor trong thần thoại - tổ hợp tên lửa phòng không lục quân này đã minh chứng được sức mạnh và không hề có đối thủ khi giữ vững vị trí một trong những vũ khí phòng không tầm thấp uy lực nhất thế giới suốt nhiều thập niên qua.

Hệ thống được thiết kế cho nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng chiến đấu và mục tiêu mặt đất trước các cuộc tiến công đường không bằng các loại vũ khí có điều khiển chính xác cùng các phương tiện mang phóng như máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, tên lửa hành trình và phương tiện bay không người lái của đối phương.

Hệ thống có những ưu điểm vượt trội như sau:

Thứ nhất, đây là hệ thống tên lửa phòng không tự hành tầm ngắn có tính năng tiên tiến, đối phó hữu hiệu với các loại nhiễu tiêu cực và tích cực, cũng như khả năng tác chiến độc lập trong mọi điều kiện thời tiết.

Thứ hai, các xe chiến đấu được trang bị khí tài trinh sát và điều khiển tên lửa bằng radar, quang học cùng máy tính phần tử, thùng phóng kèm đạn tên lửa sẵn sàng phóng, hệ thống phát nguồn cơ hữu, cho phép xe hoạt động chiến đấu độc lập với khả năng phóng đạn khi dừng ngắn hoặc cả trong hành tiến ở vận tốc 40km/h.

Toàn bộ các thành phần của tổ hợp đều được đặt trên xe bánh xích có độ việt dã cao. Ngoài ra, tùy yêu cầu khách hàng, Tor có thể sử dụng khung gầm xe bánh hơi. 

Thứ ba, việc đồng bộ hóa cao độ giữa máy tính phần tử kỹ thuật số với hệ thống ống phóng đạn thẳng đứng kèm đạn tên lửa có tính năng hướng về mục tiêu nhờ lái hướng bằng liều phụ sau khi rời thùng phóng cho phép hệ thống giảm tới mức thấp nhất thời gian chuẩn bị xạ kích.

Phiên bản Tor-M2 nổi tiếng ở thời gian triển khai và thu hồi ngắn (khoảng 3 phút). Hiện tại, không có tổ hợp vũ khí phòng không nào trên thế giới có thể làm được điều này. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng sống sót của tổ hợp trong điều kiện tác chiến cơ động. 

Ở trạng thái chiến đấu, tổ hợp chỉ mất 1 đến 3 giây để phản ứng với các mục tiêu bay, kể cả các mục tiêu bay thấp và có độ phản xạ radar thấp. Tổ hợp có thể theo dõi cùng lúc 144 mục tiêu ở phạm vi 32km và dẫn bắn vào 4 mục tiêu nguy hiểm nhất. Trong khi đó, kíp điều khiển chỉ có 2 người.

Do có phương thức phóng thẳng đứng và hiệu quả tác chiến cao, tương tự như tổ hợp tên lửa S-300, Tor đã được đặt biệt danh là "S-300 mini".

Thứ tư, đạn tên lửa 9M338 cho phép khả năng bắn hạ các mục tiêu bay ở khoảng cách 16km, trần bắn 10km.

Mỗi xe phóng mang theo 16 đạn tên lửa chứa trong ống phóng kiêm khoang bảo quản. Đạn tên lửa được đánh giá có tỷ lệ chính xác tới 97% và đạt tốc độ bay tới 1.000m/giây, tương đương gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

Theo Kyiv Post, TASS, BQP Nga
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine