1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tên lửa Kalibr Nga từng gây chấn động thế giới, Ukraine đối phó ra sao?

Nguyễn Bình

(Dân trí) - So với năm ngoái, gần đây Nga ngày càng ít sử dụng tên lửa hành trình Kalibr tấn công các mục tiêu của Ukraine.

Tên lửa Kalibr Nga từng gây chấn động thế giới, Ukraine đối phó ra sao? - 1

Một tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Theo Kyiv Post, Điện Kremlin có thể dự trữ tên lửa Kalibr cho các cuộc tấn công mùa đông, nhưng thành công của Ukraine ở Biển Đen và các hệ thống NASAMS và IRIS-T của các đối tác phương Tây đã hỗ trợ rất nhiều cho phòng không Ukraine.

Nga đang nhắm mục tiêu vào Ukraine bằng tên lửa Kalibr ít thường xuyên hơn so với năm ngoái, trong giai đoạn đầu khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và khai hỏa gần như hàng ngày.

Hãy xem xét kỹ hơn những tên lửa này đáng sợ ra sao và Lực lượng Vũ trang Ukraine đã làm thế nào để phòng thủ tốt hơn.

Tên lửa Kalibr Nga từng gây chấn động thế giới

Năm 2015, một tuần sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria, quân đội Nga đã gây chấn động thế giới khi nã một loạt hơn 20 tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đánh dấu lần thực chiến đầu tiên của loại tên lửa này.

Loạt tên lửa được bắn đi từ tàu chiến trên biển Caspian, bay qua không phận Iran và Iraq, trước khi đánh trúng nhiều mục tiêu IS trong lãnh thổ Syria từ khoảng cách 1.500km với sai số vòng tròn chưa tới 3m. Khối lượng đầu nổ  nặng 450kg, đủ để phá hủy hoàn toàn một tòa nhà.

Đòn tấn công bất ngờ và hiệu quả ngoài sức tưởng tượng đã biến Kalibr thành nỗi khiếp sợ của các tay súng khủng bố.

Tên lửa hành trình Kalibr sử dụng các hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh GLONASS, dẫn đường quán tính và radar chủ động ARGS-14E kèm theo một hệ thống đo cao và khớp ảnh địa hình giúp nó tự điều chỉnh đường đi theo thực địa và bám sát mặt đất cũng như mặt nước để tránh sự phát hiện của radar đối phương.

Ở pha cuối, khi cách mục tiêu khoảng 60km, hệ thống điều khiển của tên lửa sẽ tách đầu đạn khỏi phần thân chính, sau đó động cơ nhiên liệu rắn sẽ giúp nó tăng tốc lên 3.600km/h, khiến việc đánh chặn trở nên cực kỳ khó khăn.

Hiện gần như toàn bộ tàu chiến và tàu ngầm thế hệ mới của Nga đều được thiết kế để mang tên lửa Kalibr với tầm bắn tối đa 2.600km, bao phủ toàn bộ Ukraine.

Tên lửa loại này cũng được sử dụng trong tổ hợp Iskander-K trên mặt đất, nhưng tầm bắn của chúng ngắn hơn, 500-2.350km.

Tổ hợp Iskander-K có thể được trang bị hai loại tên lửa: R-500 và 9M729. Loại thứ hai trông giống tên lửa hành trình phóng từ biển 3M-14, được phát triển với những thay đổi nhỏ về thiết kế.

Theo ước tính sơ bộ, kể từ khi xung đột bùng nổ, Nga đã bắn khoảng 250 tên lửa Kalibr, nhằm vào các tòa nhà chung cư, cảng biển, kho chứa ngũ cốc và các cơ sở hạ tầng khác của Ukraine.

Trong những tháng đầu chiến sự, tỷ lệ đánh chặn thành công thấp, nhưng sau đó, lực lượng phòng không Ukraine đã được cải thiện đáng kể cả về số lượng và chất lượng.

Tên lửa Kalibr Nga từng gây chấn động thế giới, Ukraine đối phó ra sao? - 2

Tàu chiến Nga khai hỏa tên lửa hành trình Kalibr về phía mục tiêu (Ảnh: RT).

Ukraine đã tìm ra cách đối phó với Kalibr

Ở một khía cạnh nào đó, tên lửa Kalibr có thể được so sánh với máy bay không người lái, nhưng nó bay nhanh hơn rất nhiều và sức công phá của nó lớn hơn rất nhiều.

Cùng với khả năng bay thấp, các tên lửa hiện đại có độ chính xác cao như Kalibr có thể thay đổi quỹ đạo và hướng tiếp cận, khiến nhiệm vụ phòng không trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, Ukraine đã học được cách đối phó.

Nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ của các đối tác phương Tây, trong đó có việc cung cấp hệ thống NASAMS và IRIS-T, hệ thống phòng không của Ukraine đã được cải thiện đáng kể và tỷ lệ đánh chặn đã tăng lên gấp nhiều lần.

Yury Ihnat, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine cho biết, trong trận tập kích đường không của Nga vào ngày 5/12/2022, các hệ thống này đã tiêu diệt 100% mục tiêu trên không.

"Tất cả các mục tiêu đều bị hệ thống NASAMS và IRIS-T bắn hạ thành công. Đó là một kết quả ấn tượng. Tỷ lệ đánh chặn 100% này cho thấy Ukraine cần hoàn toàn dựa vào những loại vũ khí tối tân này khi đối mặt với những thách thức và mối đe dọa hiện đại. Cho đến nay, xương sống của hệ thống phòng không của chúng tôi bao gồm các hệ thống thời Liên Xô", ông Ihnat nói thêm.

Do phần lớn hành trình Kalibr bay với tốc độ cận âm nên nó có thể bị bắn hạ bởi các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Stinger của Mỹ hoặc Igla, loại tương tự của Liên Xô. Những tên lửa này có tốc độ 750m/s (2.700km/h), hoặc hơn 2 Mach, đủ để đánh chặn Kalibr.

Ukraine đã có các tiểu đoàn chuyên đánh chặn những tên lửa này và các tên lửa tương tự ở những khu vực mà các mảnh vỡ tên lửa không gây hại cho con người hoặc cơ sở hạ tầng.

Một công cụ hiệu quả khác để giúp chống lại tên lửa Nga là ứng dụng di động ePPO (e-Air Defense), qua đó bất kỳ ai cũng có thể thông báo cho lực lượng phòng không Ukraine về tên lửa được phát hiện hoặc các vật thể bay nguy hiểm tiềm tàng khác. Thông tin ngay lập tức đến được với quân đội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của họ.

Ví dụ, vào buổi sáng 22/10/2022, khoảng 10 người dùng ứng dụng ePPO đã phát hiện một tên lửa hành trình đang bay bám địa hình. Nó không xuất hiện trên radar, nhưng các dấu hiệu định vị địa lý ngay lập tức xuất hiện trên bản đồ của những người điều hành phòng không, giúp họ có đủ thời gian chuẩn bị.

Ngay khi tên lửa xuất hiện trên radar, nó đã bị khóa và bắn hạ.

Tên lửa Kalibr Nga từng gây chấn động thế giới, Ukraine đối phó ra sao? - 3

Xe phóng đạn thuộc tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T của Ukraine (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Tại sao người Nga lại giữ hỏa lực Kalibr?

Một yếu tố quan trọng làm giảm số vụ tấn công tên lửa vào Ukraine là sự suy giảm dần khả năng phóng tên lửa của Nga ở Biển Đen và Crimea.

Sau khi tàu tuần dương tên lửa Moskva bị phá hủy vào tháng 4/2022, Ukraine đã gây thêm thiệt hại cho các tàu chiến Novocherkassk, Tsezar Kunikov, Vasiliy Bekh và Vsevolod Bobrov của Hải quân Nga.

Vào tháng 10/2022, Ukraine tấn công căn cứ hải quân Nga ở Sevastopol, gây hư hại nghiêm trọng cho khinh hạm Đô đốc Makarov vốn thường xuyên phóng tên lửa Kalibr vào các thành phố của Ukraine, cũng như một số tàu chiến khác, mặc dù Điện Kremlin báo cáo "tổn thất tối thiểu".

Cùng năm, Ukraine cũng phá hủy tàu đổ bộ lớn Saratov cùng một số tàu đổ bộ và tàu tuần tra nhỏ hơn.

Sau đó, đã có những cuộc tấn công thành công vào các tàu trinh sát Priazovye và Ivan Khurs và tàu hộ tống Vasiliy Bykov. Một cuộc tấn công khác của Ukraine đã làm hư hỏng tàu đổ bộ lớn Olenegorskiy Gornyak.

Gần đây hơn, một cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào một ụ tàu ở Sevastopol đã hạ gục tàu ngầm Rostov-na-Donu lớp Kilo có khả năng mang phóng tên lửa Kalibr và tàu đổ bộ lớn Minsk. Thông tin này đã được Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận.

Trước năng lực của Hạm đội Biển Đen bị thu hẹp, Moscow quyết định chuyển một phần lực lượng đến Novorossiysk.

Bất chấp những khó khăn này, Nga vẫn có nhiều tên lửa Kalibr hơn.

Mặc dù Nga nhắm mục tiêu vào Ukraine bằng tên lửa Kalibr ít thường xuyên hơn nhưng rất có thể nước này sẽ dự trữ chúng cho các cuộc tấn công lớn vào mùa đông. Ukraine sẽ cần gấp nhiều tổ hợp phòng không hơn để bảo vệ cơ sở hạ tầng của mình.

Theo Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine