DNews

Những biến số khó lường trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cuộc chiến Nga - Ukraine diễn ra đã 2 năm với hàng loạt những diễn biến phức tạp và kết cục của xung đột hiện vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Những biến số khó lường trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine

Ngày 24/2/2022, Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine bằng các mũi tấn công từ nhiều hướng. Kể từ đó tới nay, cuộc chiến khốc liệt đã khiến 2 bên chịu nhiều thiệt hại về người và của sau những trận giao tranh nảy lửa, tạo nên những bước ngoặt trên chiến trường.

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự với mục tiêu nhanh chóng giành thủ đô Kiev của Ukraine. Lực lượng Nga tiến về Kiev từ nhiều hướng, kiểm soát được nhiều khu vực quan trọng. Tuy nhiên, trước sự phòng vệ quyết liệt của Ukraine, Nga đã thông báo rút quân khỏi Kiev. Từ đó tới nay, chiến sự tiếp tục chứng kiến những bước ngoặt lớn khác.

Sau khi rút khỏi vùng Kiev, Nga tuyên bố tập trung chiến dịch quân sự vào miền Đông. Sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực, Nga đã giành được đà tiến mạnh mẽ trên chiến trường. Một trong những trận chiến nổi bật nhất là Mariupol, thành phố cảng nằm ở biển Azov.

Đến mùa hè năm 2022, giao tranh Nga - Ukraine đã trở thành cuộc chiến tiêu hao khi 2 bên giành giật nhau từng tấc đất ở khu vực Donbass.

Vài tháng sau đó, Ukraine tiến hành 2 cuộc phản công quy mô lớn ở các mặt trận Đông bắc và miền Nam. Ukraine đã thành công giành lại được lượng lớn lãnh thổ từ Nga ở Kharkov và Kherson, củng cố niềm tin cho đồng minh phương Tây rằng họ có cơ hội để chiến thắng Nga.

Sự tin tưởng đó đã được chuyển hóa thành các gói viện trợ quân sự dồn dập cho Ukraine, với mục tiêu rằng Kiev sẽ tổ chức phản công lớn vào năm 2023 để giành được ưu thế trước Nga. Tuy nhiên, chiến dịch trên đã không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Trong năm 2023, các bên hầu như không đạt được thành tựu đáng kể trên chiến trường khi Nga tập trung vào phòng thủ trong khi các nỗ lực tấn công của Ukraine không thể xuyên phá được các lớp phòng tuyến của Moscow.

Vào đầu năm nay, tận dụng viện trợ phương Tây cho Ukraine nhỏ giọt, Nga lên dây cót cho các trận tấn công trên nhiều hướng và bắt đầu phá thế bế tắc trên chiến sự.

Có thể thấy, trong cuộc chiến mà Nga có ưu thế áp đảo về mặt nguồn lực, kịch bản chiến thắng nhanh chóng đã không xảy ra vì Ukraine có sự hỗ trợ từ khối phương Tây. Chính điều này đã tạo ra nhiều "biến số" quan trọng trong 2 năm Nga - Ukraine xung đột "hao người, tốn của".

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine tính đến 30/1/2024 (Video: Newsweek).

Tính toán bước đầu của Nga

Theo chuyên gia Alessandro Marrone, tổ chức Istituto Affari Internazionali (Italy), biến số đầu tiên dẫn tới tình hình khó lường trong cuộc chiến là tính toán chưa chính xác của Nga trong giai đoạn đầu.

Ông nhận định, khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022, Nga đã có những nhận định chưa chuẩn về cục diện cuộc chiến, ví dụ như năng lực của quân đội Ukraine, khả năng phản kháng của đối phương, cũng như sự hỗ trợ về cả quân sự và kinh tế từ phương Tây.

Đó là lý do mà Nga vào thời điểm ban đầu tin rằng, họ sẽ không mất nhiều thời gian để có thể kiểm soát thủ đô Kiev và đạt được lợi thế trên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, thực tế đã không như người Nga kỳ vọng. Nga đối mặt với thách thức lớn về mặt hậu cần. Ví dụ, trong quá trình Nga di chuyển tới trung tâm Kiev vào những ngày đầu của cuộc chiến, đoàn xe quân sự của Nga gặp thách thức khi thiếu nhiên liệu, đạn dược, không có mạng lưới hậu cần để có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Các tuyến tiếp tế không thể theo kịp các đợt tấn công kéo dài và các phương tiện hậu cần không được bảo vệ thích hợp.

Những biến số khó lường trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 1

Đoàn xe quân sự của lực lượng dân quân thân Nga di chuyển tại Donbass trong giai đoạn đầu của cuộc chiến (Ảnh: Reuters).

Mặt khác, trước sự áp đảo của Nga về lực lượng, Ukraine đã triển khai lối đánh du kích trong đô thị, sử dụng tên lửa chống tăng, máy bay không người lái và pháo để chặn đội thiết giáp của đối thủ. Nga buộc phải rút quân và kế hoạch giành Kiev trong thời gian ngắn bất thành. 

Tuy nhiên, sau đó, Nga đã bắt đầu có những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình và thích nghi với cuộc chiến. Nga tận dụng ưu thế là một trong những cường quốc quân sự, triển khai hàng loạt hệ thống pháo, bom, UAV áp đảo đối phương trên tiền tuyến và di chuyển đội hình linh hoạt hơn, đảm bảo hoạt động tiếp tế hậu cần, khắc phục những điểm yếu trước đó.

Trong năm 2023, Nga đã thể hiện được khả năng phòng thủ hiệu quả, ngăn chặn được đà tiến của đối thủ bằng những phòng tuyến, chiến hào kiên cố.

Nga áp đảo đối phương bằng tiềm lực vũ khí mạnh mẽ, tạo ra thuận lợi trên tiền tuyến trong vài tháng qua kể từ khi Ukraine phải tiêu hao năng lực quân sự trong cuộc phản công bất thành trước đó.

Chuyên gia Marrone nhận định, Nga dự kiến chi số tiền lớn cho ngân sách quân sự, khoảng hơn 100 tỷ USD cho năm 2024. Đây là mức cao so với Nga trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, con số này chỉ chiếm khoảng 6% GDP Nga, thấp hơn rất nhiều so với mức chi trung bình của một quốc gia đang trong tình trạng chiến sự. Ông cho rằng, Nga vẫn còn dư địa để huy động thêm nguồn lực nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu. Trong cuộc chiến tiêu hao, Nga rõ ràng vẫn đang có lợi thế lớn hơn.

Sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine

Những biến số khó lường trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 2

Lô vũ khí Ukraine được phương Tây viện trợ (Ảnh: Reuters).

Một biến số mà ông Marrone đã kể đến ở trên chính là sự hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây cho Ukraine. Trong giai đoạn đầu, điều này dường như đã khiến cho Nga bất ngờ.

Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Gruzia vào năm 2008, hay Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, phương Tây có các động thái chỉ trích, lên án Nga, nhưng họ chưa có các hành động quyết liệt như từ năm 2022 trở lại đây.

NATO đã cam kết cung cấp các gói viện trợ quân sự trị giá hàng trăm tỷ USD tới Ukraine. Điều này đã giúp Ukraine đạt được những thành tựu trên chiến trường từ mùa thu năm 2022 tới nay.

Những biến số khó lường trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 3

Mỹ và các đồng minh viện trợ cho Ukraine hàng trăm tỷ USD trong 2 năm qua (Đồ họa: Viện Kinh tế Thế giới Kiel).

Phương Tây và Ukraine nhiều lần nhấn mạnh Kiev đã giành lại được 50% lãnh thổ do Nga kiểm soát kể từ đầu cuộc chiến. Vũ khí tầm xa của phương Tây cũng góp phần giúp Ukraine phá được thế áp đảo của Nga ở Biển Đen. Ukraine tuyên bố tên lửa tầm xa và xuồng tự sát nội địa đã phá hủy tới 20% Hạm đội Biển Đen của Nga. 

Có thể nói, nhờ sự hỗ trợ của NATO, Ukraine đã duy trì đà phòng thủ trước Nga trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Nếu thiếu điều này, Ukraine có thể khó duy trì được cục diện chiến sự tới lúc này.

Một ví dụ cụ thể nhất chính là HIMARS, vũ khí do Mỹ sản xuất mà Ukraine đã sử dụng để tấn công dồn dập vào các tuyến tiếp tế hậu cần của Nga, phá hủy kho vũ khí, đạn dược của đối thủ vào mùa hè năm 2022.

Dù Nga sau đó tuyên bố đã tìm cách bắt bài được HIMARS, nhưng tác động của vũ khí này tới cục diện chiến sự là không nhỏ. Một trong những hiệu quả lớn nhất của vũ khí này là giúp Ukraine giành lại được thành phố Kherson chiến lược vào mùa thu năm 2022 mà không bị hao tổn quá nhiều nguồn lực.

Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến cục diện châu Âu bước sang một trang mới chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khiến họ phải đánh giá lại các ưu tiên an ninh.

Hiện thời, trong nội bộ EU và NATO đang diễn ra các cuộc tranh luận về việc làm thế nào để củng cố cấu trúc phòng thủ ở châu Âu cũng như an ninh chung của khối và buộc họ phải có những điều chỉnh chiến lược.

Một dấu hiệu cụ thể nhất là các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng trong nước để gia tăng khả năng phòng thủ. 

NATO đồng thời hình thành "Khái niệm chiến lược an ninh mới", kết nạp thêm Phần Lan - quốc gia nhiều năm theo đuổi lập trường trung lập, cũng như đang trên đà nhận Thụy Điển làm thành viên mới của Liên minh.

Phương Tây cũng đã thống nhất áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhằm vào Moscow, biến Nga thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới (khoảng 17.500 lệnh cấm vận tính đến cuối năm 2023).

Những biến số khó lường trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 4

Số lượng lệnh trừng phạt áp lên Nga tính theo tháng đến tháng 12/2023 (Đồ họa: Statista).

Các động thái của NATO đã tạo ra những bước ngoặt mạnh mẽ trong cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Moscow nhiều lần tuyên bố rằng cuộc xung đột đã chuyển thành "cuộc chiến ủy nhiệm" giữa Nga và phương Tây tại chiến trường Ukraine.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh có tổng sản lượng kinh tế hàng năm khoảng 45.000 tỷ USD, gấp 20 lần quy mô nền kinh tế Nga, và có công nghệ quân sự hiện đại.

Trên lý thuyết, nền kinh tế của những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh hơn nhiều so với Nga tuy nhiên mâu thuẫn chính trị nội bộ giữa các đảng phái và thành viên trong liên minh phương Tây đang tạo ra thế bất lợi cho Ukraine.

Đây là biến số đã được dự đoán từ trước khi giới quan sát cảnh báo, chiến sự càng kéo dài thì tâm lý mệt mỏi sẽ có nguy cơ xuất hiện ngày càng cao.

Các nước châu Âu đang cạn kiệt vũ khí và đạn dược dự trữ để có thể cung cấp cho Ukraine. EU đã cam kết cung cấp cho Ukraine 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3 tới, nhưng các quan chức cho biết khối này sẽ còn thiếu rất nhiều. 

Sự chia rẽ chính trị ở Washington đã làm chậm quá trình bàn giao vũ khí của Mỹ cho Ukraine. Khoản 60 tỷ USD viện trợ vẫn đang kẹt ở Quốc hội Mỹ và nó đã làm suy giảm đáng kể khả năng chiến đấu của Ukraine. Với nguồn lực hạn chế, Ukraine phải kéo căng vũ khí, quân nhân dọc theo tiền tuyến 1.000km để đối phó với đà tiến mới của Nga.

Cuộc chạy đua tiềm lực quân sự

Những biến số khó lường trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 5

Tính đến tháng 2/2024, Nga kiểm soát 20% lãnh thổ của Ukraine. Nga đã sáp nhập 4 vùng Zaprorizhia, Lugansk, Donetsk, Kherson từ năm 2022 thông qua các cuộc trưng cầu dân ý không được Ukraine và phương Tây công nhận (Đồ họa: SCMP).

Một biến số khác trong chiến sự Nga - Ukraine chính là khả năng duy trì năng lực tác chiến của Moscow và Ukraine trong cuộc chiến tiêu hao.

Cuối tháng trước, Tổng tư lệnh quân đội Estonia Martin Herem thừa nhận liên minh NATO từng đánh giá thấp tiềm lực quân sự của Nga.

Trong bài trả lời phỏng vấn Bloomberg, người đứng đầu quân đội Estonia, một thành viên NATO, tiết lộ rằng thông tin tình báo mới về khả năng của Nga đã khiến liên minh quân sự phương Tây phải tiến hành đánh giá lại về đối thủ.

Ông cho biết, trái ngược với những dự đoán trước đó, Nga hiện có thể sản xuất vài triệu quả đạn pháo mỗi năm và tuyển mộ hàng trăm nghìn binh sĩ.

"Rất nhiều người nghĩ rằng họ không thể vượt xa được cột mốc đó nhưng sự thật lại cho chúng ta thấy điều ngược lại", ông Herem nói với Bloomberg.

Ông nói thêm: "Họ thậm chí có thể sản xuất nhiều hơn - gấp nhiều lần - đạn dược".

Trước đó, Đô đốc Tony Radakin, cựu chỉ huy của lực lượng vũ trang Anh, nói rằng trong kịch bản tốt nhất, Nga sẽ sản xuất 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm.

Bộ Quốc phòng Anh cũng ước tính Nga có thể cần tới 10 năm để sản xuất quốc phòng tiếp tế đủ cho lực lượng vũ trang.

Những biến số khó lường trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 6

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thị sát một nhà máy vũ khí (Ảnh: Bộ quốc phòng Nga).

Tuy nhiên, những nhận định đó đã thay đổi trong vài tháng qua, khi các chỉ huy quân sự, nhà phân tích và quan chức NATO cảnh báo về năng lực ngày càng tăng của Nga.

Ngày 19/2, Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, thừa nhận rằng các cường quốc phương Tây đã "quá lạc quan về tình hình cuộc chiến năm 2023".

Ông cho rằng, phương Tây tin rằng "nếu chúng tôi cung cấp cho Ukraine đạn dược và sự huấn luyện mà họ cần, họ sẽ giành chiến thắng". Tuy nhiên, tình hình thực tế đã không diễn ra như kỳ vọng.

Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn đang huy động ngành công nghiệp quốc phòng tăng năng suất.

Tháng trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko cho biết, Lực lượng vũ trang nước này sẽ nhận được hơn 36.000 thiết bị quân sự và 16,5 triệu vũ khí trong năm nay. Quan chức trên cho biết thêm, con số này cao gấp nhiều lần so với 2 năm trước.

Trong khi đó, khi dòng viện trợ từ phương Tây giảm dần trong thời gian qua, Ukraine cố gắng duy trì năng lực quân sự bằng cách đẩy mạnh sản xuất vũ khí nội địa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ngành công nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước sẽ đóng một vai trò quan trọng trong khả năng tự vệ lâu dài của nước này.

Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine, Oleksandr Kamyshin, nói thêm rằng với sự phát triển phù hợp, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có tiềm năng trở thành "kho vũ khí của thế giới tự do".

Những biến số khó lường trong 2 năm chiến sự Nga - Ukraine - 7

Ukraine phát triển một đội quân UAV hùng hậu trong 2 năm qua (Ảnh: Reuters).

Mặt khác, Ukraine cũng đang tăng cường hợp tác với phương Tây trong lĩnh vực sản xuất vũ khí. Một số công ty châu Âu cho biết họ quan tâm đến việc hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sẽ khép lại và trong cuộc chiến tiêu hao này, bên nào có thể duy trì năng lực quân sự lâu hơn sẽ là bên có ưu thế.

Theo Wall Street Journal, bất cứ cuộc xung đột nào cũng sẽ phải kết thúc bằng việc đàm phán. Cục diện trên chiến trường sẽ quyết định xem bên nào có vị thế tốt hơn và giành được ưu thế lớn hơn.

Tiềm lực sản xuất vũ khí dự kiến sẽ là biến số mới tác động mạnh mẽ tới chiến sự trong năm thứ 3 và có thể quyết định cục diện của cuộc chiến gây hao người tốn của trong 2 năm qua.

Những thống kê cụ thể: 

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, Ủy ban Châu Âu và chính phủ Ukraine cho thấy, việc tái thiết lại nền kinh tế Ukraine sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga dự kiến sẽ tiêu tốn 486 tỷ USD.

Thiệt hại cơ sở hạ tầng của Ukraine: Khoảng 2 triệu đơn vị nhà ở. Có 10% tổng số nhà ở của Ukraine bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, cũng như 8.400km đường cao tốc và các quốc lộ khác và gần 300 cây cầu bị phá hủy.

Tháng 2, Liên hợp quốc ước tính: Gần 10.500 dân thường Ukraine thiệt mạng, 19.875 người bị thương. Theo Liên hợp quốc, 14,3 triệu người Ukraine dự kiến sẽ cần viện trợ và bảo vệ nhân đạo vào năm 2024. Có 6,3 triệu người tị nạn bên ngoài Ukraine và 3,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong lãnh thổ nước này do chiến sự, tính đến tháng 12/2023. 

Mỹ ước tính, sau 2 năm chiến sự, có 315.000 binh sĩ Nga bị thương hoặc thiệt mạng. Nga được cho đã chi 211 tỷ USD cho chiến dịch quân sự đặc biệt cho tới nay. Mỹ cuối năm ngoái cho rằng, Ukraine có 200.000 binh sĩ bị thương hoặc thiệt mạng. Chưa thể xác minh chính xác của những con số này khi chiến sự vẫn đang diễn ra khốc liệt.

Theo PBS, Washington Post, Sputnik, UP

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine