1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên cạn

(Dân trí) - Nhật Bản lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên cạn vào năm tới, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên, một nguồn tin chính phủ cho biết.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên cạn của Mỹ triển khai tại Romania. (Ảnh: Reuters)
Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên cạn của Mỹ triển khai tại Romania. (Ảnh: Reuters)

SCMP trích dẫn nguồn tin chính phủ ngày 17/8 cho hay Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang lên kế hoạch tìm kiếm và kêu gọi tài trợ tài chính cho dự án xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên cạn nhằm ứng phó với mối hiểm họa tiềm ẩn từ tên lửa của Triều Tiên.

Trước đó, cơ quan này chỉ lên phương án xin hỗ trợ ngân sách để thực hiện nghiên cứu về hệ thống phòng thủ này. Tuy nhiên, sau 2 vụ thử lên lửa đạn đạo liên lục địa liên tiếp của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định đẩy nhanh tốc độ dự án.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ thành lập một đơn vị không gian mới trong Lực lượng Phòng vệ. Lực lượng này có nhiệm vụ bảo vệ các vệ tinh của Nhật Bản và Mỹ, vốn được dùng để cảnh báo hoạt động phóng tên lửa đạn đạo.

Trong bản đề xuất ngân sách dự kiến được đệ trình vào cuối tháng 8, Bộ Quốc phòng để ngỏ kinh phí cụ thể để nghiên cứu và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa vì cần tham khảo tư vấn từ phía Mỹ. Đến cuối năm nay, Bộ Quốc phòng sẽ đưa ra con số chính xác.

Hiện tại, Nhật Bản đang sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên tàu khu trục, được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 có thể ngăn chặn tên lửa tấn công ở trên không. Nếu hệ thống Aegis trên tàu khu trục thất bại trong việc đánh chặn, hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 đất đối không sẽ được kích hoạt để ngăn chặn mục tiêu tấn công.

Hệ thống Aegis trên cạn có cấu tạo tương tự hệ thống Aegis trên tàu khu trục, chỉ khác là nó được triển khai trên mặt đất. Tuy nhiên, nó giúp cho Lực lượng phòng vệ dễ thực hiện các nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu do nó được triển khai cố định.

Một ước tính cho thấy Nhật Bản có thể phải bỏ ra hơn 700 triệu USD cho hạng mục hệ thống Aegis trên cạn. Con số này có thể tăng hơn nữa trong trường hợp chính phủ Nhật phải bỏ tiền ra để mua đất nhằm triển khai hệ thống.

Ngoài ra, hệ thống đánh chặn SM-3 Block IIA đang được Mỹ và Nhật Bản phối hợp phát triển cũng có thể được trang bị cho bãi phóng của hệ thống Aegis trên cạn. Điều này sẽ giúp Nhật Bản mở rộng phạm vi phòng thủ và tấn công mục tiêu chính xác hơn.

Việc triển khai hệ thống phòng thủ mới sẽ giúp tăng cường khả năng phòng vệ của Nhật Bản nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về việc có thể khiến cho căng thẳng khu vực leo thang.

Trước đó vào ngày 12/8, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố cân nhắc việc phóng 4 tên lửa tấn công đảo Guam của Mỹ, Nhật Bản đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 tại 4 tỉnh phía Tây, nơi tên lửa Triều Tiên có thể bay qua.

Đức Hoàng