1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhập khẩu vũ khí của châu Âu tăng vọt

Minh Phương

(Dân trí) - Cuộc xung đột Nga - Ukraine buộc châu Âu phải tăng cường vũ khí đề phòng thủ, đồng thời kích thích xuất khẩu vũ khí của Mỹ.

Nhập khẩu vũ khí của châu Âu tăng vọt - 1

Một hệ thống phòng không Patriot ở Ba Lan (Ảnh: Reuters).

Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, nhập khẩu các loại vũ khí chính của các quốc gia châu Âu tăng 47% trong 5 năm, tính đến năm 2022. Theo SIPRI, định nghĩa "vũ khí chính" là máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo, tên lửa và các hệ thống phòng thủ hạng nặng khác.

Xung đột Nga - Ukraine leo thang buộc các nước châu Âu phải gấp rút tăng cường phòng thủ cũng như viện trợ cho Kiev.

Pieter D. Wezeman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của SIPRI, nói: "Ngay cả khi việc chuyển giao vũ khí trên toàn cầu giảm, thì dòng chảy vũ khí sang châu Âu vẫn tăng mạnh do căng thẳng giữa Nga và hầu hết quốc gia châu Âu khác".

Nhập khẩu vũ khí của các quốc gia châu Âu trong liên minh quân sự NATO tăng 65% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, chuyển giao vũ khí quốc tế đã giảm 5,1%.

Mỹ và Nga lần lượt là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất và lớn thứ hai thế giới trong ba thập niên qua.

Trong đó, xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng 14% trong giai đoạn năm 2013-2017, với thị phần tăng từ 33% lên 40% xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Ngược lại, thị phần của Nga giảm từ 22% xuống 16%.

Ông Siemon T. Wezeman của SIPRI nhận định: "Khả năng cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến hoạt động xuất khẩu vũ khí của Moscow tiếp tục giảm. Nguyên nhân là Nga sẽ ưu tiên cung cấp vũ khí cho các lực lượng vũ trang của mình, đồng thời nhu cầu từ các quốc gia khác sẽ vẫn ở mức thấp do các lệnh trừng phạt thương mại đối với nước này".

Trong năm 2022, SIPRI cảnh báo, kho vũ khí hạt nhân toàn cầu có khả năng tăng lên trong những năm tới.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine