1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhà thầu quân sự Đức: Châu Âu không còn có thể trông chờ Mỹ bảo vệ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Lãnh đạo công ty Đức Rheinmetall Armin Papperger nhận định, Mỹ đã gửi một thông điệp rõ ràng tới các thành viên NATO ở châu Âu rằng họ không còn có thể trông đợi Washington bảo vệ.

Nhà thầu quân sự Đức: Châu Âu không còn có thể trông chờ Mỹ bảo vệ - 1

Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger (Ảnh: Reuters).

Theo giám đốc điều hành Rheinmetall, nhà thầu quốc phòng lớn của Đức, trong hàng chục năm qua, châu Âu đã xem việc Mỹ sẽ tới bảo vệ khu vực này khi xung đột xảy ra là lẽ đương nhiên.

Tuy nhiên, ông Armin Papperger nói với Financial Times rằng, tình hình giờ đây dường như đã thay đổi. Ông viện dẫn việc quốc hội Mỹ không thể thông qua gói viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trong vài tháng qua do xung đột nội bộ giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. 

Ông cho rằng, đây là một tín hiệu rằng Mỹ sẽ không sẵn lòng chi trả cho an ninh của châu Âu trong tương lai. Ông cũng nhận định đây là thông điệp rõ ràng tới các thành viên NATO ở châu Âu rằng họ không còn có thể dựa vào Mỹ liên quan tới vấn đề an ninh.

Theo hiệp ước NATO, Washington có nghĩa vụ coi một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên liên minh nào là một cuộc tấn công vào chính Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ nghi vấn về cam kết này, nhấn mạnh các quốc gia NATO khác cần đáp ứng nghĩa vụ chi tiêu quân sự để được Mỹ bảo vệ.

Trong sự kiện vận động tranh cử hôm 10/2, ông Trump kể từng đe dọa sẽ khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với nước nào "không trả đúng hạn" các khoản đóng góp tài chính và quân sự của NATO.

Ông Papperger cho biết, nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống vào tháng 11, "áp lực sẽ gia tăng" đối với Đức, nhưng rủi ro vẫn sẽ hiện hữu, bất kể ai đắc cử tổng thống.

Ông nói: "Mỹ đang tập trung nhiều vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương hơn là châu Âu. Nếu một cuộc xung đột vũ trang toàn diện nổ ra trong khu vực, Mỹ sẽ tập trung vào châu Á và khi đó châu Âu sẽ có thể đơn độc".

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022, giá cổ phiếu của Rheinmetall đã tăng gấp 5 lần. Nhà thầu quốc phòng Đức đã công bố kế hoạch mở các nhà máy sản xuất xe bọc thép và đạn dược ở Ukraine, bất chấp nguy cơ những cơ sở này có thể trở thành mục tiêu của lực lượng Nga.

Ukraine và đồng minh phương Tây cáo buộc rằng nếu Nga chiến thắng trong cuộc xung đột, Moscow sẽ nhằm mục tiêu vào các thành viên NATO ở châu Âu trong tương lai. Nga nhiều lần bác bỏ những nghi vấn này.

Theo Financial Times, RT