Nguy hiểm sức khỏe rình rập các thợ lặn Hàn Quốc
(Dân trí) - Theo một trung tâm cứu hộ, các thợ lặn Hàn Quốc đang tìm kiếm những người mất tích bên trong chiếc phà bị chìm đang gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe khi phải hoạt động dưới nước trong thời gian dài.
10 thợ lặn từ một nhóm cứu hộ của các tổ chức nhà nước và dân sự đã được điều trị trong các khoang dưỡng bệnh trên 2 tàu hải quân hôm 23/4, sau khi có các triệu chứng tê người và đau đầu nghiêm trọng. Một người trong số họ đã được xác nhận là mắc phải bệnh giảm áp.
"Các thợ lặn đang thực hiện công việc rất mệt nhọc khi chiến dịch cứu hộ mở rộng. Chúng tôi đang tìm kiếm các biện pháp an toàn để ngăn ngừa các nguy cơ đối với sức khỏe của họ", phát ngôn viên Bộ quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok cho biết trong một cuộc họp báo.
Khoảng 700 thợ lặn từ 3 đơn vị khác nhau đã được điều tới hiện trường kể từ khi vụ tai nạn chìm phà Sewol xảy ra hôm 16/4.
Các chuyên gia lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều các thợ lặn có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh giảm áp, vốn gây ra khi họ ở trong nước lạnh quá lâu và nổi lên quá nhanh.
Khi bệnh nặng, các thợ lặn có thể bị nôn mửa, tê liệt, đau khắp cơ thể và thậm chí đau tim.
"Chúng tôi sẽ phải kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của các thợ lặn và cho phép họ nghỉ ngơi đầy đủ sau các hoạt động tìm kiếm", Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
Các thợ lặn xuống nước cùng các thiết bị thông tin và bình ôxy. Họ phải dùng rìu phá các cửa sổ để vào bên trong chiếc phà và tìm kiếm thi thể các hành khách.
Trong bối cảnh chiến dịch cứu hộ được đẩy nhanh, các thợ lặn đã đưa lên thêm nhiều thi thể từ chiếc phà đắm. Một tay họ kéo các thi thể và tay kia bám lấy dây dẫn đường để bơi trở lại mặt nước.
Các dòng chảy mạnh và tâm nhìn giảm cũng là những thách thức, gây ra thêm nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ.
"Chúng tôi đã được huấn luyện để hoạt động trong các môi trường khắc nghiệt, nhưng thật khó khăn khi đối mặt với các thi thể trong vùng nước tối", ông Hwang Dae-sik, giám đốc Hoạt động cứu hộ và cứu nạn hàng hải, cho biết.
Nhiều người đã bày tỏ những lo ngại rằng áp lực từ gia đình các nạn nhân đối với các thợ lặn có thể gây nguy hiểm cho chính sự an toàn của các nhân viên cứu hộ.
Vào năm 2010, người Hàn Quốc đã rất đau buồn trước thông tin một thợ lặn kỳ cựu đã tử nạn trong chiến dịch cứu hộ sau vụ chìm tàu chiến Cheonan.