1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nguy cơ Nga lộ bí mật quân sự sau khi rút khỏi Kharkov

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Nhiều khí tài hiếm gặp của quân đội Nga đã bị các binh sĩ Ukraine phát hiện và thu giữ tại khu vực Kharkov.

Nguy cơ Nga lộ bí mật quân sự sau khi rút khỏi Kharkov - 1
Xe chỉ huy hỏa lực 1B14 của quân đội Nga bị Ukraine thu giữ (Ảnh: Defense Express).

Defense Express, dựa vào những hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội, cho biết xe chỉ huy hỏa lực pháo binh 1B14 của quân đội Nga đã bị các binh sĩ Ukraine thu giữ. 

Theo giới quan sát, xe chỉ huy hỏa lực cực hiếm này đã bị bỏ lại sau khi quân đội Nga rút lui khỏi khu vực tỉnh Kharkov của Ukraine.

Được đưa vào sản xuất từ những năm 1972, xe chỉ huy 1B14 không được chế tạo một cách ồ ạt. Tuy nhiên, những chiếc xe loại này khi được đưa vào chiến đấu đều phát huy được năng lực vượt trội trong việc tính toán và đưa ra chỉ dẫn cho các trận tập kích của pháo binh Nga.

Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev, xe chỉ huy hỏa lực 1B14 đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra ưu thế hỏa lực áp đảo cho quân đội Nga.

Cũng trong chiến dịch phản công tại Kharkov, quân đội Ukraine cũng đã thu giữ một khí tài đáng chú ý, đó là mìn chống tăng tự tìm mục tiêu PTKM-1R của Nga.

Nguy cơ Nga lộ bí mật quân sự sau khi rút khỏi Kharkov - 2
Mìn chống tăng PTKM-1R còn nguyên vẹn của Nga được tìm thấy tại Kharkov (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Đây là loại vũ khí chống tăng thế hệ mới được trang bị hệ thống cảm biến hiện đại có thể tự phát hiện và tấn công xe tăng, xe thiết giáp cũng như các xe cơ giới của đối phương trong bán kính lên đến 200m.

Loại mìn này có thiết kế hình trụ và kích thước tương đương bình chữa cháy nặng 20 kg. Phần đáy có các cánh sẽ xòe ra khi triển khai để giữ cho mìn ở vị trí thẳng đứng. Mìn PTKM-1R có thể được đặt ngay trên mặt đất với thời gian triển khai 10 ngày.

Sau 10 ngày nếu không được kích hoạt, nó sẽ tự hủy để tránh gây nguy hiểm cho thường dân. PTKM-1R được trang bị cảm biến hồng ngoại và địa chấn rất nhạy có thể phát hiện xe tăng ở cự ly từ 150-200m. Khi mục tiêu đi vào phạm vi phá hủy, nó sẽ phóng một đầu đạn lên không trung ở độ cao vài chục mét.

Cảm biến hồng ngoại trên đầu đạn sẽ khóa mục tiêu và tấn công kiểu "đột nóc" từ trên cao xuống vào khu vực tháp pháo. Đây là khu vực bọc giáp mỏng và dễ bị tổn thương nhất của xe quân sự đối phương.

Các nhà thiết kế tuyên bố rằng, loại mìn chống tăng công nghệ cao này sẽ tăng cường năng lực chiến đấu cho các đơn vị tiền tiêu trong việc chống lại xe tăng thiết giáp đối phương.

Thời gian gần đây, trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev diễn biến nhanh, Ukraine đã thu giữ nhiều trang thiết bị khí tài hiện đại của quân đội Nga. Điều này khiến nhiều chuyên gia phân tích bày tỏ lo ngại về nguy cơ Moscow bị lộ bí mật công nghệ từ những phương tiện quân sau khi rơi vào tay Kiev.

Trước đó, vào ngày 10/9, quân đội Ukraine cho biết các binh sĩ nước này đã thu giữ đài radar 1L261, một phần của tổ hợp radar phản pháo Zoopark-1M của quân đội Nga ở Kharkov.

Nguy cơ Nga lộ bí mật quân sự sau khi rút khỏi Kharkov - 3
Binh sĩ Ukraine bên cạnh đài radar phản pháo Zoopark-1M của quân đội Nga (Ảnh: Defense Express).

Zoopark-1M là tổ hợp radar chống pháo binh do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Almaz-Antey của Nga phát triển và được Lục quân Nga đưa vào trang bị từ năm 2007.

Khí tài này được thiết kế và chế tạo với nhiệm vụ phát hiện hỏa lực, theo dõi đường đạn, xác định tọa độ các khẩu đội pháo binh đối phương và chỉ thị mục tiêu cho pháo binh đánh chặn.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm