1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguy cơ Mỹ kéo dài xung đột Ukraine và mắc kẹt ở một vũng lầy khác

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Mỹ và đồng minh đã đưa ra những cam kết an ninh lâu dài đối với Ukraine, đồng thời nới lỏng các yêu cầu gia nhập liên minh.

Nguy cơ Mỹ kéo dài xung đột Ukraine và mắc kẹt ở một vũng lầy khác - 1

Pháo phản lực Nga khai hỏa vào mục tiêu Ukraine (Ảnh: RIA Novosti)

Các chuyên gia nói với Sputnik rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có vẻ hài lòng với việc kéo dài cuộc xung đột ủy nhiệm ở Ukraine trong nỗ lực làm suy yếu Nga, đồng thời phục vụ lợi ích của một số bên liên quan ở Mỹ, bất chấp nguy cơ cuộc đối đầu biến thành một vũng lầy khác giống kiểu Afghanistan.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Mỹ và các đồng minh đã đưa ra các cam kết an ninh lâu dài đối với Ukraine trong khi nới lỏng các yêu cầu gia nhập liên minh.

Tuy nhiên, Kiev đã thất vọng vì không nhận được lời mời gia nhập NATO càng sớm càng tốt, với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí còn nói rằng, tư cách thành viên là điều không thể đối với Ukraine khi cuộc xung đột với Nga kéo dài.

"Dù sao, hội nghị thượng đỉnh của NATO đã chứng minh những gì đã được biết đến. Tập thể phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ muốn hạ gục Nga mà không trực tiếp gây chiến mà bằng cách sử dụng người Ukraine làm bia đỡ đạn", Hiệu trưởng Đại học Mỹ ở Moscow Edward Lozansky nói với Sputnik.

Tuy nhiên, ông nói thêm, trong các cuộc chiến ủy nhiệm trước đây, ít nhất Mỹ có thể sử dụng việc chống lại chủ nghĩa khủng bố như một cái cớ.

Giáo sư triết học chính trị Jean Bricmont của Đại học Louvain tin rằng, chỉ bằng cách cam kết hỗ trợ an ninh nhiều hơn, các đồng minh NATO đã thể hiện rõ ràng rằng họ không muốn châm ngòi một cuộc chiến trực tiếp với Nga, đây không phải là tin tốt cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

"Việc gửi vũ khí đơn thuần dường như không làm nghiêng cán cân có lợi cho ông ấy", giáo sư Bricmont nhận định.

Trong khi đó, giáo sư Bricmont nói thêm, những diễn biến trên thực địa ở Ukraine và bên trong nước Nga đã không diễn ra theo kế hoạch của Mỹ, đặc biệt là khi nền kinh tế Nga được hy vọng sụp đổ đã không xảy ra và cuộc phản công của Ukraine đang thất bại.

"Toàn bộ sự việc đã trở thành một trò chơi rất hoài nghi: sử dụng người Ukraine càng nhiều và càng lâu càng tốt trong cuộc chiến đó, nhưng không có bất kỳ kế hoạch thành công thực sự nào", giáo sư Bricmont nói với Sputnik

"Điều này có thể sẽ kết thúc giống như Afghanistan, nhưng người Mỹ không thể thừa nhận điều đó và cắt giảm tổn thất của họ. Vì vậy, người Ukraine và người Nga sẽ tiếp tục thiệt mạng một cách vô ích", giáo sư nói thêm.

Ông Lozansky cho rằng có những động cơ khác thúc đẩy chính sách Ukraine của Nhà Trắng ngoài việc đơn giản là cố gắng làm suy yếu Nga, họ còn "tất nhiên, có thêm động lực để kiếm tiền cho tổ hợp công nghiệp - quân sự Mỹ".

Người sáng lập Krainer Analytics, Alex Krainer, một nhà phân tích tài chính ở châu Âu, cho biết trong khi xung đột có thể lấp đầy túi ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, nó cũng làm suy yếu nhiều nhận thức về sức mạnh và năng lực quân sự của Mỹ.

Trong vài ngày qua, Ukraine đã đẩy nhanh tiến độ chiến dịch phản công và giành được một số kết quả nhất định, bất chấp tổn thất nặng nề về người và vũ khí trang bị, nhất là phương tiện cơ giới do Mỹ và phương Tây sản xuất.

Thực tế chiến trường cho thấy, lần đầu tiên sau gần 2 tháng phản công, một số mũi xung kích của Ukraine đã tiến tới hàng "răng rồng". Nếu vượt qua được tuyến phòng thủ vững chắc này của Nga, có thể sẽ mở ra cơ hội để lực lượng Kiev tiến xa hơn về phía Nam.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine