1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguồn cơn khiến đối đầu Mỹ - Trung tồi tệ nhất trong nhiều thập niên

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng có nhiều lý do khiến quan hệ song phương Mỹ - Trung đang xuống điểm thấp nhất trong nhiều thập niên qua và căng thẳng có thể không dễ dàng xuống thang "một sớm, một chiều".

Nguồn cơn khiến đối đầu Mỹ - Trung tồi tệ nhất trong nhiều thập niên - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lần gặp nhau năm 2019 tại Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Tuần qua, căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang khi 2 bên đều yêu cầu lẫn nhau đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, bang Texas và Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.

Đây được xem là động thái tiếp tục đẩy 2 nước vào vòng xoáy đi xuống trong mối quan hệ song phương vốn được xem đang xuống điểm thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Việc Mỹ đóng cơ quan ngoại giao nước ngoài là đã từng có tiền lệ, tuy nhiên, đó là một quyết định đầy kịch tính và hiếm gặp. Cơ sở ở Houston là một lãnh sự quán, không phải đại sứ quán, vì vậy, nó không chịu trách nhiệm về mặt chính sách, nhưng nó có vai trò quan trọng để tạo thuận lợi cho thương mại.

Theo BBC, đây có thể được xem là diễn biến nghiêm trọng nhất trong sự đi xuống giữa quan hệ 2 nước trong những tháng qua. Trước đó, hai bên đã lần lượt “ăn miếng, trả miếng” nhau trong các vấn đề như hạn chế thị thực, trục xuất phóng viên của nhau… Lần này, Mỹ được xem là bên bắt đầu trước cho sự đối đầu lên cao trào này.

Động lực của Mỹ

Phía Mỹ cáo buộc cơ sở ngoại giao ở Houston là “trung tâm gián điệp” liên quan tới kinh tế và chiến dịch gây ảnh hưởng tới chính trị Mỹ. Washington cho rằng các hoạt động tại lãnh sự quán trên đã vượt qua mức có thể chấp nhận được và họ muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng động thái này sẽ không được dung thứ.

Động thái đưa ra “hành động quyết liệt” đối đầu với Trung Quốc diễn ra sau khi Giám đốc FBI Christopher Wray hồi đầu tháng nói rằng mối đe dọa mà Trung Quốc với lợi ích của Mỹ đang gia tăng ồ ạt trong thập niên qua. Ông Wray tiết lộ, cứ 10 giờ đồng hồ, ông lại cho mở một cuộc điều tra về phản gián có liên quan tới Trung Quốc. Bắc Kinh liên tiếp phủ nhận các cáo buộc, cho rằng đây là “vu khống”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng đối đầu với Trung Quốc có thể liên quan tới cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 11 sắp tới. BBC cho rằng quan điểm này bao gồm cả 2 ý: có và không. 

"Có" là bởi vì trong bối cảnh cuộc bầu cử chỉ còn 100 ngày sắp diễn ra, ông Trump được xem đang dùng chiến dịch chống Trung Quốc để làm “lá bài” nhằm ghi điểm với các cử tri. Nó được xây dựng trên quan điểm dân tộc chủ nghĩa trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump về việc sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, quốc gia mà ông cáo buộc đã “xé toạc Mỹ”.

Mặt khác, Covid-19 được cho đã bổ sung thêm căng thẳng vào chiến dịch đối đầu với Trung Quốc khi ông Trump nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh có trách nhiệm to lớn trong việc Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới.

"Không" là bởi vì các quan chức có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền của ông Trump, như Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã nhiều lần kêu gọi các hành động mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh và đã đặt nền móng cho cách tiếp cận này.

Việc Mỹ yêu cầu đóng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston được xem là dấu hiệu cho thấy phe “diều hâu” - ám chỉ những người có quan điểm cứng rắn - có thể đang chiếm thế thượng phong việc tác động tới quyết sách của chính quyền Mỹ về vấn đề Trung Quốc.

Căng thẳng không dễ hạ nhiệt

BBC cho rằng, quan hệ Trung - Mỹ đang trong trạng thái tồi tệ, và đã đạt tới điểm thấp nhất kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1972.

Trong một thời gian ngắn trước cuộc bầu cử, căng thẳng này được dự đoán sẽ khó hạ nhiệt nhanh chóng. Tuy nhiên, phía Trung Quốc dường như không muốn căng thẳng thêm leo thang và ông Trump được cho không muốn một cuộc đối đầu nghiêm trọng hay tệ hơn là xung đột quân sự. Mặc dù vậy, giới quan sát cảnh báo rằng vẫn có thể có những kịch bản xảy ra xung đột ngoài ý muốn của 2 bên khi căng thẳng vẫn đang leo thang dồn dập.

Quan hệ Mỹ - Trung về mặt dài hạn sẽ phục thuộc vào người chiến thắng bầu cử vào tháng 11. Tuy nhiên, cả ông Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden đều thể hiện thông điệp tranh cử thể hiện các động thái cứng rắn với Trung Quốc. Đây được xem là chủ đề phản ánh sự đồng thuận hiếm gặp giữa 2 “chiến tuyến” trong cuộc bầu cử sắp tới.