1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Trung cao chưa từng có

(Dân trí) - Nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc hiện cao chưa từng có khi các kênh liên lạc giữa quân đội hai nước gần như đóng băng, giới chuyên gia Trung Quốc nhận định.

Nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Trung cao chưa từng có - 1

Các nhóm tàu sân bay Mỹ di chuyển trên Biển Đông tháng 11/2018 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông tại Trung Quốc, nói rằng việc Bắc Kinh và Washington đối đầu trên nhiều mặt trận, sự nghi kỵ chính trị đã dẫn đến việc các kênh liên lạc liên chính phủ giữa hai bên gần như bị đóng băng. Giới chức quân sự Trung Quốc và Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chưa có hoạt động nhóm họp nào kể từ năm 2017.

Theo một báo cáo của Trung Quốc về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Viện trên công bố ngày 23/6, các liên hệ giữa quân đội và Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2018. Mối quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi rõ rệt sau khi Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc cuộc tập trận hải quân đa phương quy mô lớn có tên Vành đai Thái Bình Dương cách đây 2 năm. Báo cáo nêu, Mỹ nói họ hành động như vậy để đáp trả quân đội Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa và đáp máy bay ném bom xuống quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

“Tôi cho rằng, nguy cơ xung đột quân sự (Mỹ - Trung Quốc) đang tăng lên, đặc biệt sau vụ suýt va chạm giữa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ với tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc hồi tháng 9/2018 ở Biển Đông”, ông Wu nói. Theo Hải quân Mỹ, trong vụ việc xảy ra tháng 9/2018 này, tàu chiến Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm tàu USS Decatur khi con tàu của Hải quân Mỹ đang làm nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải trong khu vực gần Đá Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa.

“Nếu tình hình vượt tầm kiểm soát, một cuộc khủng hoảng xảy ra, thì tác động của nó đến quan hệ song phương có thể rất lớn. Và đó là lý do tại sao cần phải đối thoại”, ông Wu nói.

Căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có những thời điểm leo thang, song hai bên đã ngăn chặn xung đột xảy ra thông qua các kênh liên lạc. Trong số các kênh liên lạc này có đường dây nóng giữa bộ quốc phòng 2 nước và cơ chế đối thoại giữa hai quân đội.

Tuy nhiên hiện tại, khi các kênh liên lạc này gần như đóng băng, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang tới mức làm dấy lên lo ngại về nguy cơ một cuộc Chiến tranh lạnh kiểu mới. Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh lạnh, Mỹ triển khai cùng lúc 3 tàu sân bay hải quân làm nhiệm vụ tuần tra Thái Bình Dương. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tháng trước cho biết, tất cả các tàu ngầm tiến công của hạm đội này đang hoạt động tại Tây Thái Bình Dương.

Zhu Feng, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nhận định các cơ chế hiện tại có thể không đủ để kiềm chế một cuộc xung đột, Mỹ và Trung Quốc cần có phương thức hiệu quả hơn nữa để ngăn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

“Tôi lo ngại khi lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc liên tục xuất hiện ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, cả ở trên biển và trên không, không phải ngẫu nhiên mà hoàn toàn có chủ ý. Đối phó với các cuộc chạm trán đó không chỉ là di chuyển an toàn, giữ khoảng cách, mà còn thể hiện niềm tin chiến lược và chính trị lẫn nhau để các chạm trán đó không trở thành các hoạt động thù địch”, ông Zhu nói.

Minh Phương
Theo SCMP