1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ "ít hoài niệm" về Việt Nam

Trong bức hình, một anh chàng John Kerry trẻ trung, tóc đen nâu và một bộ trưởng rất trẻ đứng cạnh nhau bên ngoài trường Luật và Ngoại giao Fletcher, nơi cả hai lần đầu gặp nhau cách đây khoảng 20 hay 30 năm - ông Kerry kể về kỷ niệm với PTT, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Trước khi đến Hà Nội chiều nay 15/12, Ngoại trưởng John Kerry đã có một ngày bận rộn với buổi thăm vùng sông nước Cà Mau, nói chuyện về biến đổi khí hậu tại khu vực chợ Đường Kéo, nói chuyện trước các thành viên của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Trung tâm Hoa Kỳ ở TP.HCM.

Tại buổi nói chuyện ở Trung tâm Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry hào hứng chia sẻ “một ít hoài niệm” về Việt Nam.

Mơ về thời khắc lịch sử

“Lần đầu tiên khi tôi quay trở lại vào khoảng năm 1990, đây là một đất nước rất khác biệt. Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn rất bế tắc. Hai nước có lệnh cấm vận và chưa giải quyết các vấn đề khó khăn còn lại của chiến tranh.
Ngoại trưởng Mỹ chia sẻ ít hoài niệm về Việt Nam
Ngoại trưởng Mỹ gặp gỡ cán bộ và cựu sinh viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Nhiều người trong chúng ta lúc đó đã mơ về một thời khắc mà khi nghĩ về Việt Nam, sẽ không nghĩ về cuộc chiến mà chỉ nghĩ về một đất nước có những điều bình thường mà nước nào cũng có. Tôi rất tự hào và vui mừng để nói với các bạn rằng đối với tôi, ngày hôm nay đại diện cho thời khắc đó.

Lần gần đây nhất tôi có mặt tại Việt Nam là vào năm 2000 cùng với Tổng thống Bill Clinton. Chúng tôi đến sau khi việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã diễn ra và lệnh cấm vận đã được Tổng Thống Bush dỡ bỏ trước đó vài năm. Một vài người, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain và tôi, đã tham gia vào tiến trình này ngay từ đầu.

Vẫn còn rất nhiều vấn đề khó khăn cần phải giải quyết. Chúng ta có vấn đề binh lính mất tích trong chiến tranh mà người dân trên khắp đất nước Hoa Kỳ cảm thấy rất quan trọng. Dĩ nhiên, cũng có vấn đề về chất da cam và các chất hóa học của chiến tranh tại Việt Nam.

Tôi nghĩ không có hai nước nào từng làm việc chăm chỉ hơn, nhiều hơn và tốt hơn để cố gắng xích lại gần nhau, thay đổi lịch sử, thay đổi tương lai và mang lại một tương lai giờ đã khác rất xa cho người dân. Vẫn còn nhiều điều cần phải đạt được, nhiều việc cần làm.

Tôi sẽ nói một vài lời về điều này. Nhưng tôi vẫn nhớ là khi đặt chân đến Hà Nội vào thời điểm đó, tôi nhìn thấy tất cả những hố bom. Hầu như không có xe máy. Hầu hết là xe đạp và rất rất ít xe hơi. Tại thời điểm đó, không có đèn báo hiệu giao thông nào tại Hà Nội hoạt động, chỉ có một vài khách sạn. Hà Nội lúc đó là nơi đã bị đóng băng trong thời gian.

Không ai khỏi ngạc nhiên về một Việt Nam hiện đại. Những gì đã diễn ra trong vòng hơn 20 năm là rất đáng kinh ngạc. Tôi có thể nói rằng đây không phải là một sự chuyển biến xảy ra ngẫu nhiên. Đó là kết quả của sự cam kết và tầm nhìn của nhiều người có mặt tại đây trong căn phòng này”.

Từ thương mại

Đề cập hợp tác thương mại, ông nhắc tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà hai bên đang đàm phán cùng các thành viên khác.

Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã tăng 50 lần kể từ năm 1995 lến đến hơn 25 tỉ đôla mỗi năm. Theo ông, hai nước “đang theo đúng lộ trình” để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam trong vòng 5 năm, mục tiêu mà Tổng thống Obama đặt ra cách đây 5 năm.

“Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ tại khu vực, và chúng ta đang tiếp tục làm việc vì mục tiêu đó” - Ngoại trưởng John Kerry phát biểu.

TPP là hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao mà Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán cùng với 10 đối tác trong khu vực Thái Bình Dương. Các tiêu chuẩn cao của hiệp định này sẽ duy trì được đà cải cách thị trường, hiện đại hóa và hội nhập khu vực mà chính phủ Việt Nam đặt làm ưu tiên.

“Hiệp định sẽ hoàn thiện các nỗ lực của Việt Nam nhằm chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước và các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như năng lượng và ngân hàng nhằm thu hút thêm đầu tư” - ông nói.

Ông thông báo Mỹ sẽ cung cấp một khoản đầu tư ban đầu 4,2 triệu đôla cho chương trình Quản trị vì tăng trưởng trọn vẹn của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), giúp thực hiện Hiệp Định TPP ở Việt Nam.

Giáo dục

Ngoại trưởng John Kerry đánh giá cao những chương trình giáo dục của Hoa Kỳ tại Việt Nam như Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, bày tỏ mong muốn nỗ lực đưa chương trình này trở thành chương trình Fulbright lớn nhất trên thế giới (hiện đứng thứ hai).

“Khi tôi gặp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tại New York - thực ra khi tôi gặp Bộ trưởng tại Washington - Bộ trưởng đến gặp tôi lần đầu tiên tại Washington - ông ấy đưa cho tôi một bức hình.

Nhìn vào bức hình đó, tôi thấy một anh chàng John Kerry trẻ trung, tóc đen nâu và một bộ trưởng rất trẻ, chúng tôi đứng cạnh nhau bên ngoài trường Luật và Ngoại giao Fletcher, thuộc đại học Tuft, nơi chúng tôi lần đầu gặp nhau tại một trong những chương trình trao đổi cách đây khoảng 20 hay 30 năm.

Các bạn, đó là cách mà mọi việc diễn ra. Hiện tại, có các bộ trưởng, các thủ tướng, các bộ trưởng môi trường, bộ trưởng tài chính, tổng thống của các nước trên thế giới đã chia sẻ các trải nghiệm giáo dục tại những nơi khác nhau.

Tôi rất vui khi thấy lãnh đạo của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright có mặt tại đây hôm nay, và tôi trông đợi được làm việc với chính phủ VIệt Nam để thành lập trường Đại học Fulbright của Việt Nam trong tương lai gần” - ông phát biểu.

“…Và tôi sẽ nói với các bạn một điều. Cách đây nhiều năm, chúng ta đều có một sự tưởng tượng là chúng ta muốn có thể nghĩ về Việt Nam, trong rất nhiều năm khi bạn nói từ “Việt Nam”, chúng ta chỉ nghĩ về một cuộc chiến. Nhiều người trong chúng ta không muốn nghĩ theo cách đó.

Giờ đây, khi bạn nói từ “Việt Nam” và bạn nghĩ về một đất nước, bạn nghĩ về một sân chơi đã thay đổi, một trong những quốc gia đang tăng trưởng, đóng góp và chuyển đổi của thế giới...”.

Theo L.Thư
Vietnamnet