Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng 10/2013. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Mỹ chọn thời điểm "chiến lược" đến VN
Nước Mỹ có nhiều tính toán chiến lược khi chọn thời điểm này để Ngoại trưởng Kerry công du tới Việt Nam và Philippines.
Trong bối cảnh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang hết sức căng thẳng sau khi Trung Quốc xác lập ADIZ tại biển Hoa Đông, việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm hai nước ở Đông Nam Á là Việt Nam và Philippines mang đến một tín hiệu khá tích cực về sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.
Thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra giả thuyết về việc Trung Quốc sẽ lập ra một AIDZ thứ hai tại Biển Đông, khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, quan ngại hơn bao giờ hết. Và không ngẫu nhiên khi Ngoại trưởng Mỹ chọn hai quốc gia này trong chuyến công du Đông Nam Á.
Ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố xác lập ADIZ, ông Kerry đã lập tức phản đối hành động này của Trung Quốc: "Chúng tôi không hỗ trợ những nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào áp dụng quy chế ADIZ cho máy bay nước ngoài không có ý định vào không phận quốc gia. Hoa Kỳ đề nghị Trung Quốc không sử dụng những hành động đe dọa máy bay không thông báo hoặc không làm theo sự chỉ dẫn của Trung Quốc tại vùng ADIZ".
Tuy nhiên, dường như mối quan tâm của ông Kerry cũng như chính quyền Obama không chỉ dừng lại ở đó, mà xa hơn họ đã nghĩ tới viễn cảnh Trung Quốc lập ADIZ tại Biển Đông. Và ngay lập tức, họ đã có một phản ứng rất nhanh nhạy.
Khác với Đông Bắc Á, tại Đông Nam Á, tầm ảnh hưởng của Mỹ vẫn còn khá hạn chế, do những quan tâm lớn nhất của họ ở châu Á chủ yếu vẫn là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong những năm gần đây Mỹ tuyên bố trở lại Châu Á - Thái Bình Dương và can dự nhiều hơn vào vấn đề tranh chấp Biển Đông. Song suy cho cùng, việc Mỹ can dự chỉ là để bảo vệ lợi ích của Mỹ, như lời cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đó là lợi ích về "tự do hàng hải".
Thậm chí ngay cả khi Philippines có xung đột với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, phản ứng của Mỹ chỉ là ủng hộ về mặt ngoại giao chứ hoàn toàn chưa có những sức ép đủ mạnh lên Trung Quốc để bảo vệ nước đồng minh của họ tại Đông Nam Á.
Còn với Việt Nam, việc tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) đã nâng quan hệ Việt - Mỹ lên một tầm cao mới. Mỹ cũng nhận rõ vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong khu vực, cũng như ảnh hưởng quan trọng tới cục diện Biển Đông. Tuy nhiên, với những vấn đề trong quá khứ, hai bên vẫn cần thêm thời gian củng cố niềm tin cho mối quan hệ này.
Nhận thức rõ những điểm cần khắc phục khi chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tận dụng việc Trung Quốc lập vùng ADIZ tại Hoa Đông, Mỹ đã đưa ra một sách lược hết sức cao tay khi lôi kéo Việt Nam, Philippines ủng hộ chính sách của Mỹ. Bởi "trong tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á giữ vai trò đặc biệt quan trọng và chuyến công du Việt Nam và Philippines của Ngoại trưởng nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay.
Nước Mỹ có nhiều tính toán chiến lược khi chọn thời điểm này để Ngoại trưởng Kerry công du tới Việt Nam và Philippines. Vào lúc Trung Quốc đang làm mờ hình ảnh "thân thiện" với các nước trong khu vực, hành động của Mỹ sẽ được hiểu như một "người hòa giải", thậm chí "người dàn xếp" sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ các nước nhỏ trước những chính sách ngày càng quyết đoán từ phía Trung Quốc.
Xa hơn nữa, nhân sự kiện này Mỹ muốn thiết lập một cơ chế vĩ mô bao quanh Trung Quốc bao gồm các nước ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á nhằm kìm hãm, ngăn chặn chính sách "những hòn ngọc trai trên biển" của Trung Quốc. Qua đó khiến Trung Quốc bị cô lập và không thể cạnh tranh với Mỹ tại khu vực. Bởi xét cho cùng ý đồ của Trung Quốc không nằm ngoài việc "giết khỉ dọa gà", đồng thời cũng là phép thử cho hệ thống liên minh quân sự của Mỹ với các nước đồng minh của họ.