1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghi vấn về vũ khí lợi hại của Triều Tiên ngoài hạt nhân và tên lửa

(Dân trí) - Trong bối cảnh căng thẳng từ mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày càng dâng cao, giới chức Mỹ và các chuyên gia lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ đáp trả sức ép từ cộng đồng quốc tế bằng một loại vũ khí cũng lợi hại không kém, đó là các cuộc tấn công mạng.

Các quân nhân Triều Tiên sử dụng máy tính. (Ảnh: CBS)
Các quân nhân Triều Tiên sử dụng máy tính. (Ảnh: CBS)

Theo Fox News, các cơ quan tình báo Mỹ từ lâu đã xếp Triều Tiên vào nhóm các quốc gia có khả năng gây ra các cuộc tấn công mạng nguy hiểm, sau Nga, Trung Quốc và Iran.

Trong một vụ việc xảy ra hồi năm 2014, giới chức tình báo Mỹ cho biết tin tặc Triều Tiên được cho là đã tấn công hãng phim Sony Pictures, phá hủy hệ thống máy tính và làm rò rỉ các dữ liệu mật của hãng này. Mỹ khi đó cáo buộc Bình Nhưỡng tiến hành tấn công mạng để đáp trả một bộ phim đả kích nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Sony Pictures.

Theo đó, giới chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể sử dụng công nghệ trên để gây tổn hại không chỉ cho một công ty, mà cho cả nền kinh tế Mỹ.

“Chúng tôi lo ngại rằng một trong những cách để Triều Tiên có thể đáp trả việc leo thang căng thẳng là thông qua các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các cuộc tấn công nhằm vào ngành tài chính của chúng ta. Đây là một trong những thao tác mà họ thực sự rất thuần thục trong việc đối phó với Hàn Quốc”, Dmitri Alperovitch, đồng sáng lập công ty an ninh mạng Crowdstrike, cho biết.

Trong báo cáo phân tích công bố ngày 13/6 vừa qua, các quan chức thuộc cơ quan hành pháp và an ninh nội địa Mỹ tin rằng Triều Tiên đang nhắm mục tiêu tới các ngành truyền thông, không gian vũ trụ, tài chính và các cơ sở hạ tầng cốt yếu của Mỹ.

“Triều Tiên có thể triển khai năng lực tấn công mạng lợi hại của họ, như cách họ từng làm với Sony trước đây”, một quan chức tình báo Mỹ cho biết. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng mặc dù Mỹ có thể triển khai các kế hoạch phản công để đáp trả các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên, song Washington vẫn có khả năng bị tổn thương trước các cuộc tấn công từ Bình Nhưỡng.

Các cáo buộc của Mỹ

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trao đổi với các tướng lĩnh quân đội cạnh màn hình máy tính (Ảnh: AFP)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trao đổi với các tướng lĩnh quân đội cạnh màn hình máy tính (Ảnh: AFP)

Triều Tiên được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công mạng trong suốt thời gian qua. Hồi tháng 6, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã phát đi cảnh báo về một nhóm tin tặc Triều Tiên có tên gọi “Hổ mang Ẩn mình”.

“Kể từ năm 2009, nhóm “Hổ mang Ẩn mình” đã nhắm tới các mục tiêu và gây thiệt hại cho hàng loạt nạn nhân. Một số vụ tấn công mạng đã dẫn tới việc rò rỉ dữ liệu, còn một số vụ khác đã phá hủy cốt lõi của hệ thống”, cảnh báo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết.

Tháng 12/2016, “Hổ mang Ẩn mình” bị cáo buộc là nghi phạm chính trong vụ trộm 81 triệu USD từ ngân hàng trung ương Bangladesh. Theo Juan Zarate, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cựu nhân viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ kiêm phó cố vấn an ninh quốc gia, đây là một phần trong chuỗi các hoạt động tấn công mạng do Triều Tiên thiết kế để có thêm nguồn tài chính “nuôi” các chương trình vũ khí của nước này.

“Họ (Triều Tiên) đã kiếm tiền thông qua năng lực tấn công mạng. Họ cũng đang đánh cắp các thông tin quốc phòng. Do vậy, sau một thập niên nhắm mục tiêu tới các nhà thầu quốc phòng trên toàn thế giới, họ có thể thu thập đủ thông tin để ít nhất cũng có thể đẩy nhanh chương trình vũ khí hạt nhân của mình”, John Hultquist, người dẫn đầu nhóm tình báo tại hãng an ninh mạng FireEye, nhận định.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng Triều Tiên có liên quan tới vụ tấn công bằng mã độc tống tiền WannaCry hồi tháng 5 ảnh hưởng tới hơn 230.000 máy tính tại hơn 150 quốc gia. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ Mỹ nhận định mối liên hệ giữa Triều Tiên và vụ tấn công này chưa đủ rõ ràng, do vậy Washington hiện chưa công khai lên tiếng cáo buộc Bình Nhưỡng.

Kim Heung-Kwang, cựu chuyên gia máy tính Triều Tiên từng đào tẩu sang Hàn Quốc năm 2004, nói với NBC News trong cuộc phỏng vấn tại Seoul rằng Triều Tiên đã đào tạo hàng nghìn tin tặc quân sự có khả năng gây hại cho hệ thống cơ sở hạ tầng tại Hàn Quốc và Mỹ.

“Triều Tiên có thể sử dụng lực lượng quân sự mạng để tấn công Hàn Quốc và Mỹ, tuy nhiên việc thiếu kết nối internet ở Triều Tiên khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc đáp trả”, ông Kim cho biết.

Là người từng giảng dạy bộ môn khoa học máy tính ở Triều Tiên trong 20 năm trước khi đào tẩu khỏi nước này cách đây 13 năm, ông Kim Heung-Kwang nói rằng các tin tặc Triều Tiên đang làm việc hàng ngày để hoàn thiện các công nghệ mới.

“Họ làm việc cật lực để tồn tại và sẽ không từ bỏ. Nếu họ không từ bỏ, một ngày nào đó họ sẽ thành công”, ông Kim cho biết thêm.

Thành Đạt

Theo NBC