Vì sao Triều Tiên hoãn kế hoạch tấn công Mỹ ?
(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 14/8 bất ngờ tuyên bố hoãn kế hoạch tấn công tên lửa nhằm vào đảo Guam của Mỹ. Đây là kịch bản đã được dự đoán nhưng lý do thực sự sau quyết định này vẫn là một bí mật.
Giữa lúc cuộc “khẩu chiến” Mỹ-Triều đẩy lên đến cao trào báo hiệu nguy cơ một cuộc xung đột quân sự, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 14/8 tuyên bố hoãn kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ.
Tại Bộ chỉ huy Lực lượng chiến lược, ông Kim Jong-un nói rằng sẽ nghe ngóng thêm những các động thái từ Mỹ trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.
Đây là kịch bản đã được dự đoán nhưng lý do thực sự sau quyết định này vẫn là một bí mật. Báo The Atlantic dẫn nhận định của giới chuyên gia đã đưa ra những lý do được cho là tác động đến quyết định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Thứ nhất, tuyên bố kế hoạch tấn công tên lửa vào vùng biển gần Guam có thể chỉ là “đòn gió” của Triều Tiên nhằm “phủ đầu” cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc kéo dài hai tuần bắt đầu từ ngày 21/8 tới. Việc tung “đòn gió” để nắn gân đối phương cũng không phải là điều hiếm thấy ở Triều Tiên.
Giới quan sát chỉ ra rằng, sở dĩ Triều Tiên nêu cụ thể thời điểm hoàn tất kế hoạch tấn công Guam vào giữa tháng 8 bởi đây là thời điểm ngay trước cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và hơn nữa trùng thời điểm kỷ niệm Ngày Giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi phát xít Nhật Bản (15/8). Trong khi đó, Triều Tiên thường đánh dấu những ngày lễ lớn trong năm bằng các vụ thử tên lửa.
Ông Trump cảnh báo Triều Tiên hứng kết cục chưa từng thấy nếu tấn công Guam
Thứ hai, về phía Mỹ, mặc dù đưa ra những cảnh báo gay gắt nhưng Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp đưa ra những cảnh báo như Triều Tiên có thể đối mặt với “lửa thịnh nộ” hay “giải pháp quân sự với Triều Tiên đã lên nòng”, “Triều Tiên sẽ phải hứng hậu quả chưa từng thấy nếu tấn công Guam”.
Song thực tế, chính quyền của ông vẫn tận dụng kênh đối thoại ngầm với Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc. Đại diện của hai bên tại Liên Hợp Quốc đã gặp gỡ để thảo luận về các vấn đề nhằm tháo ngòi căng thẳng như vấn đề thả con tin.
Giữa “bão” căng thẳng, các quan chức cấp cao của Mỹ cũng tìm cách xoa dịu tình hình với những tuyên bố như sẵn sàng đối thoại hay vẫn ưu tiên giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên và khẳng định không có ý định thay đổi chế độ ở Triều Tiên.
Mỹ mặc dù đã điều các máy bay ném bom B-1 đến bán đảo Triều Tiên để “nắn gân” nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ chuẩn bị cho một cuộc xung đột thực sự. Defense News chỉ ra, tại Nhật Bản, tàu sân bay USS Ronald Reagan vẫn nằm im lìm trong quân cảng. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không ra bất cứ thông báo nào khuyến cáo công dân lập tức rời bán đảo Triều Tiên, hay sơ tán gia đình các quân nhân ở đây. Ngoài ra, người ta cũng không phát hiện bất cứ hoạt động chuyển quân khẩn cấp nào của các tàu hải quân Mỹ.
Một yếu tố nữa cũng được cho là tác động đến quyết định của nhà lãnh đạo Triều Tiên đó là việc Trung Quốc áp các lệnh cấm nhập khẩu khoáng sản và hải sản của Triều Tiên theo nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc đóng góp tới 90% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, các lệnh cấm vận mới được cho là có thể khiến kim ngạch xuất khẩu của Bình Nhưỡng giảm 1 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là đồn đoán và không ai biết lý do thực sự đằng sau quyết định của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo, quyết định này không có nghĩa là nguy cơ xung đột ở bán đảo Triều Tiên đã được loại bỏ, đặc biệt là khi Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị cuộc tập trận chung vào đầu tuần tới - động thái mà Bình Nhưỡng cho là "khiêu khích".
Minh Phương
Theo Atlantic, Washington Post