Nghi vấn về mạng lưới tình báo của Triều Tiên ở Malaysia
(Dân trí) - Hãng thông tấn Bernama của Malaysia cho biết trong số hơn 1.000 công dân Triều Tiên hiện đang sống ở Malaysia, có những người được huấn luyện bài bản để thiết lập mạng lưới tình báo bí mật ở nước sở tại.
Hãng thông tấn Bernama ngày 9/3 dẫn một nguồn thạo tin cho biết hơn 1.000 công dân Triều Tiên tại Malaysia, làm việc dưới vỏ bọc của nhiều loại hình công việc khác nhau, thực chất đã được huấn luyện để lên kế hoạch xây dựng một mạng lưới tình báo có tổ chức tại quốc gia Đông Nam Á.
Theo nguồn tin này, không có gì khó hiểu khi rất nhiều công dân Triều Tiên ở Malaysia là các chuyên gia công nghệ thông tin và làm việc ẩn mình trong các công ty ở Cyberjaya - trung tâm khoa học được ví như Thung lũng Silicon của Malaysia để thu thập các dữ liệu và thông tin tình báo mật.
“Họ không phải là những người bình thường, vì họ đã được huấn luyện đặc biệt trước khi được chính quyền tuyển chọn đưa ra nước ngoài làm việc”, nguồn tin nói với Bernama.
“Mặc dù được các công ty địa phương hỗ trợ nhưng thực chất sự hiện diện của họ ở Malaysia không chỉ là để làm việc, mà còn hoạt động với vai trò là những điệp viên được huấn luyện bài bản”, nguồn tin cho biết thêm. Tuy nhiên, nguồn tin cũng nói với Bernama rằng các hoạt động tình báo của Triều Tiên ở Malaysia đều không qua mắt được chính phủ nước sở tại.
Theo nguồn tin trên, cổng thông tin Hackread có trụ sở tại Milan (Italy) đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi tại sao phần lớn người Triều Tiên ở Malaysia lại chọn làm các công việc liên quan tới công nghệ thông tin và làm thế nào để Bình Nhưỡng có thể đào tạo nhiều chuyên gia công nghệ thông tin như vậy. Theo đó, Hackread đã đề cập tới Cục 121, một đơn vị công nghệ thông tin đặc biệt do chính phủ Triều Tiên lập ra, quy tụ một nhóm tinh hoa gồm các tin tặc được đào tạo chuyên nghiệp, chuyên tiến hành các hoạt động do thám trên mạng và tiến hành các cuộc chiến tranh mạng.
Những người Triều Tiên tại Malaysia chỉ là một phần trong tổng số 100.000 người Triều Tiên làm việc ở các nước trên khắp thế giới. Đây cũng là lực lượng nòng cốt chuyên cung cấp tài chính từ nước ngoài về Triều Tiên. Mỗi người Triều Tiên ở nước ngoài hàng tháng đều phải trình diện tại đại sứ quán và trải qua quá trình thẩm vấn bắt buộc, theo Bernama.
Cũng theo nguồn tin, ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin, người Triều Tiên ở Malaysia còn làm việc tại các quặng sắt ở Sarawak và là đối tác của các ông chủ Malaysia. Nguồn tin tiết lộ thêm rằng tiền lương của người lao động Triều Tiên sẽ được các ông chủ Malaysia chuyển thẳng đến đại sứ quán Triều Tiên trong khi họ chỉ nhận được đủ tiền để chi trả cho sinh hoạt hàng ngày.
“Đại sứ quán (Triều Tiên) thường mang tiền mặt ra ngoài lãnh thổ Malaysia vì họ không thể tiến hành các giao dịch trực tuyến do lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Họ sẽ mang theo các túi đựng tiền trong khi được an ninh sân bay hỗ trợ và được phép sử dụng các quyền ưu đãi về ngoại giao”, nguồn tin cho hay.
Quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Triều Tiên đang gặp nhiều căng thẳng do cuộc điều tra liên quan đến cái chết của một công dân Triều Tiên tên Kim Chol. Theo giới chức Malaysia, người đàn ông này có thể đã bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2 bằng chất độc thần kinh VX. Những ngày gần đây, hai nước liên tục đưa ra các đòn trả đũa lẫn nhau. Sau khi trục xuất đại sứ của nhau, Triều Tiên ra lệnh cấm toàn bộ công dân Malaysia rời khỏi nước này, trong khi Malaysia cũng cấm xuất cảnh đối với các nhân viên ngoại giao Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo Bernama