1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nghị sĩ Ukraine: Vũ khí hạt nhân có thể là phương án sống còn của Kiev

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nghị sĩ Alexey Goncharenko cho rằng Ukraine có thể cần vũ khí hạt nhân nếu không gia nhập NATO, cho rằng đây là phương án duy nhất cho sự sống còn của Kiev.

Nghị sĩ Ukraine: Vũ khí hạt nhân có thể là phương án sống còn của Kiev - 1

Nghị sĩ Ukraine Alexey Goncharenko (Ảnh: Front News).

Theo nghị sĩ Goncharenko, trừ khi Ukraine có được tư cách thành viên đầy đủ của NATO, nước này sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển hoặc bằng cách nào đó có được vũ khí hạt nhân.

Nhà lập pháp Ukraine đã nêu ra điều này khi trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua. Ông đã đặt ra câu hỏi rằng, liệu Kiev có những lựa chọn nào khác để đối phó với Nga ngoài việc trở thành thành viên NATO.

Hai phương án mà ông nghĩ đến là Ukraine có thể liên minh với một "cường quốc hạt nhân" hay "khôi phục tiềm năng về (vũ khí) hạt nhân của Kiev". Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ chưa trả lời câu hỏi của ông Goncharenko.

"Một lần nữa tôi sẽ nói thẳng thắn và cởi mở: Tôi ủng hộ việc vũ khí hạt nhân trở lại Ukraine. Và tôi tin rằng đây là lựa chọn duy nhất để chúng ta có thể sống sót", ông Goncharenko viết trong một bài đăng trên Telegram vào tối 18/2.

Nhà lập pháp này tiếp tục lập luận rằng "nếu NATO không muốn chấp nhận chúng tôi" thì Ukraine "phải chế tạo rocket hạt nhân", cho rằng Kiev sẽ sẵn sàng chấp nhận bất kỳ biện pháp trừng phạt tiềm năng nào do vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

"Chúng tôi không cần 1.000 vũ khí. Chúng tôi cần 20 vũ khí", ông tuyên bố mà không nói rõ chính xác ông mong đợi Kiev có được vũ khí hạt nhân như thế nào.

Chính quyền Ukraine chưa bình luận về tuyên bố của nhà lập pháp nước này.

Năm ngoái, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov thừa nhận nước này gần như không có cơ hội để tự sản xuất ra vũ khí hạt nhân.

Khi được hỏi liệu Ukraine có thể lấy lại được vị thế hạt nhân mà nước này đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ hay không, ông Danilov trả lời: "Đối với kho vũ khí (hạt nhân) đã bị thu lại, hãy thực tế. Điều này khó có thể xảy ra, không chỉ vì một số vấn đề chính trị, mà còn vì những vấn đề công nghệ".

Theo ông, kho dự trữ tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Ukraine từng sở hữu là "một thứ phức tạp". Tuy nhiên, quan chức này cho biết, đã có trường hợp các quốc gia phi hạt nhân được các đồng minh NATO đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.

"Tôi không thể nói là liệu điều này có khả thi trong trường hợp của Ukraine hay không", ông thừa nhận, cho rằng bất cứ nỗ lực nào của Kiev để có được vũ khí hạt nhân sẽ đối diện với những rào cản nghiêm trọng.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Ukraine được thừa hưởng khoảng 1/3 số đầu đạn hạt nhân, cùng cơ sở hạ tầng đi kèm. Năm 1994, Kiev tự nguyện từ bỏ vũ khí để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh và Nga theo Bản ghi nhớ Budapest.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nga đã nhiều lần nói rằng sự can thiệp của phương Tây vào các vấn đề nội bộ của Ukraine đã làm suy yếu hiệp ước trên.

Đầu năm 2022, trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Zelensky phát đi tín hiệu rằng Kiev có thể từ bỏ cam kết trở thành quốc gia phi hạt nhân. Theo ông, Bản ghi nhớ Budapest khiến Ukraine vừa không có vũ khí hạt nhân, vừa không có an ninh.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm